Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:32 (GMT +7)
Hạ Long: Bắt chó thả rông để phòng, chống bệnh dại
Thứ 3, 21/05/2024 | 11:03:25 [GMT +7] A A
Để chủ động phòng, chống bệnh dại, đảm bảo an toàn sức khỏe nhân dân, an toàn trong phòng chống dịch bệnh, từ tháng 5/2024, các xã, phường trên địa bàn TP Hạ Long sẽ ra quân tổ chức bắt chó thả rông.
Thời gian vừa qua, chó thả rông, không rọ mõm chạy ngoài đường vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân trên địa bàn TP Hạ Long. Do đó, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu các xã, phường tổ chức bắt chó thả rông. Chó thả rông sau khi bị bắt, các xã, phường sẽ thông báo cho những chủ nhân của số chó này lên nhận lại và đóng phạt theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Cụ thể như sau: Chủ nuôi động vật (chó) bị phạt tiền từ 1.000.000-2.000.000 đồng khi không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Nếu để chó phóng uế ở nơi công cộng thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng. Để nhận lại vật nuôi, chủ nhân phải xuất trình được sổ tiêm ngừa của chó và nộp phạt theo quy định. Nếu không có sổ tiêm, chủ nuôi sau khi nộp phạt phải đăng ký tiêm cho chó sau đó mới được đem về nhà. Nếu quá 48 giờ không ai nhận, các xã, phường sẽ tổ chức tiêu hủy theo đúng quy định.
Đồng thời, thành phố cũng yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở giết mổ gia súc trái phép, kinh doanh, buôn bán động vật và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được kiểm dịch, điểm kinh doanh không đúng nơi quy định; tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở; tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó nuôi, đảm bảo đạt 100% tổng đàn chó, mèo thuộc diện tiêm; thường xuyên rà soát thực hiện tiêm phòng bổ sung số chó, mèo mới nuôi đến tuổi tiêm, chó mèo hết thời gian miễn dịch tiêm phòng đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh; thực hiện rà soát, lập danh sách hộ chăn nuôi, thống kê số lượng đàn gia súc, gia cầm hiện có; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; phát hiện kịp thời gia súc ốm, chết nghi mắc bệnh và báo ngay cho cơ quan thú y kiểm tra để có biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch lây lan…
Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch bệnh dại trên địa bản tỉnh có diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh đã ghi nhận 5 ổ dịch dại trên động vật (Đầm Hà 3; Hạ Long 1; Bình Liêu:1) và tăng 3 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó đã có trên 1.160 trường hợp bị chó, mèo cắn (tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023), 34 người bị cho dại cắn, 98 trường hợp được chỉ định tiêm huyệt thanh kháng dại (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ 2023).
Tại hội nghị trực tuyến ngày 27/3/2024, Bộ Y tế đã nhận định trên 70% dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật.
Hoàng Nga
- Bình Thuận: Người đàn ông tử vong vì bệnh dại, 2 năm sau khi bị chó cắn
- Chủ động phòng, chống bệnh dại
- Tăng cường phòng, chống bệnh dại trên người và động vật
- Phát bệnh dại sau hơn một năm bị chó cắn
- Bệnh dại và những điều cần biết
- Không lơ là, chủ quan với bệnh dại
- Bệnh dại có xu hướng gia tăng trên cả nước
Liên kết website
Ý kiến ()