Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:29 (GMT +7)
Đảo Hà Loan - Tiềm năng đang đợi người đánh thức
Chủ nhật, 20/06/2021 | 11:35:56 [GMT +7] A A
Đúng theo lời hẹn, chúng tôi có mặt tại trụ sở xã Cộng Hoà (TP Cẩm Phả) từ sớm. Lãnh đạo xã cử một cán bộ tên Dũng đưa chúng tôi đến đảo Hà Loan…
Từ trung tâm xã, chúng tôi đi trên con đường bê tông rộng chừng trên ba mét, lúc lên, lúc xuống ngoằn nghèo như rắn bò ôm sát chân những quả đồi. Hai bên đường, màu xanh mướt của những quả đồi trồng keo hoà với sắc tím hoa mái, sim mua, bằng lăng, sắc vàng của hoa me, hoa hoàng yến... Tiếng ve râm ran hát khúc nhạc gọi hè tạo nên không khí tưng bừng của những ngày tháng năm lịch sử. Ra đến ven bãi, con đường mới mở từ đất liền ra đảo dài một cây số. Mặt đường rộng hơn ba mét đổ bê tông phẳng lỳ. Hai bên được xây kè bằng đá xanh chân mở rộng, trên mặt thu hẹp lại tạo nên sự vững chãi trước nước cả, sóng to. Những cọc tiêu báo hiệu mực nước hai bên đường mới sơn lại, dưới trắng tinh, phần trên đầu còn đỏ chói. Ngay đầu đường, cổng chào thiết kế rất đẹp, hình vòng cung, hai đầu đua ra như những mũi thuyền trước sóng nước đứng sừng sững oai nghiêm. Những lá cờ phướn cắm đủ các màu, no gió vẫy như tiếng vỗ tay đón chào khách. Ngay bên dưới, một dòng chữ chạy theo hình vòm cổng bằng mi ca vàng bóng như khoe với mọi người: Thôn Hà Loan thôn Văn hoá.
Đầu những năm hai nghìn, muốn ra đảo phải chờ nước rặc trơ bãi, cởi quần dài vắt lên cổ, tay xách dép mới lội bùn ra được. Khi trở về nước đã lên to, phải có mủng của người dân đảo chở về. Còn nhớ, ngày ấy ông Nguyễn Văn Chính, Bí thư Thị uỷ Cẩm Phả, biết trên đảo có mẹ Việt Nam anh hùng Chu Thị Hà đi lại rất khó khăn do tuổi tác đã cao, ông mang chiếc xe lăn ra tặng mẹ. Tôi theo ông vì muốn chụp ảnh và muốn biết cuộc sống trên đảo thế nào. Nước rặc, lội từ bờ ra mất cả tiếng đồng hồ. Khi trở về, bốn người ngồi trên cái mủng, nước mấp mé, thỉnh thoảng sóng lại ào vào trong. Bác chèo mủng bảo phải ngồi yên, càng chuyển động khiến mủng tròng trành, nước càng vào nhiều…
Theo con đường bê tông rộng rãi, chúng tôi vòng quanh đảo trong sắc tím hoa sim, sắc vàng của me rừng, trong tiếng gió thổi xào xạc cùng với tiếng hót của con chim Bắt cô trói cột, Bắt con tép kho cà... Anh bạn Dũng bảo: Chưa đến mùa vải chín nên chim tu hú chưa về, khoảng nửa tháng nữa vải trên đảo chín, tu hú về nhiều lắm.
Đã có nhiều ngôi nhà được xây kiên cố với những kiểu dáng khác nhau, mới có, cũ có. Mái ngói đỏ tươi xen lẫn mái tôn lạnh. Vẫn còn một vài nhà lợp phibroxi măng. Đảo tựa cái mâm khổng lồ, bao quanh là rừng ngập mặn. Mấy chục quả đồi như những chiếc bát úp khổng lồ. Không khí thật trong lành. Nếu xây dựng lên những khu nhà nghỉ dưỡng cuối tuần thì thật tuyệt vời. Phía Đông đảo, vài quả đồi được người dân phát, đốt quang trồng keo tai tượng phát triển kinh tế vườn rừng. Dưới chân là ruộng lúa, bằng phẳng có, bậc thang có. Lúa đang kỳ trổ bông. Những bông hoa li ti được gió thổi xô nhau từng lớp, từng lớp như sóng đùa giỡn, dập dờn, tựa tấm thảm nhung xanh. Dũng chỉ tay: - Diện tích toàn đảo là 130ha, trong đó có 47ha đất nông nghiệp.
Ghé vào một nhà dân ven đường, qua giới thiệu chúng tôi được biết ông là Trương Văn Hồng, bảy mươi mốt tuổi, dân tộc Sán Dìu. Dáng người cao to, da dẻ hồng hào không giống người dân đảo tý nào.
- Bác sống trên đảo lâu chưa? Tôi hỏi ông.
Cười sảng khoái, ông rót chén nước mời chúng tôi:
- Họ hàng nhà tôi ở trên đảo đến tôi là đời thứ sáu, khoảng trên ba trăm năm. Trước đây khổ lắm, đảo làm gì có điện, chỉ sử dụng đèn dầu, ăn cơm tối từ lúc mặt trời còn trên cao. Muỗi, rĩn nhiều như trấu. Đường trên đảo chỉ là lối mòn, lau le mọc um tùm, đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi sống tự sản, tự tiêu. Lúa cấy hai vụ, bình quân một tạ một sào. Rau trồng ngoài vườn, gà lợn nuôi trong chuồng. Cá, tôm ngoài biển, con cua, con cáy, cù kỳ ngoài bãi, cứ thế ung dung tự tại. Chỉ mỗi đường học hành là vất vả thôi. Thế hệ chúng tôi chỉ có một đến hai người học hết cấp hai. Sau này nhiều hơn nhưng vất vả vẫn đeo bám. Trên đảo chỉ có một điểm trường cấp một, bây giờ gọi là tiểu học. Mỗi lớp có hai, ba cháu, học ghép. Thày, cô giáo trong đất liền đến dạy học phải chờ nước rặc lội bùn ra. Dạy xong muốn về phải có mủng. Nước to, gió lớn ở lại đảo. Học sinh vào học cấp hai cũng thế, sóng to, gió lớn là nghỉ học. Ơn Đảng, ơn Nhà nước, năm 2006 đã kéo điện lưới ra đảo phục vụ bà con. Năm 2019, con đường nối đất liền với đảo hoàn thành, bà con chúng tôi vui lắm. Từ nay đi lại thuận lợi, không phải chèo mủng nữa, ốm đau được cứu chữa kịp thời, không khổ như trước nữa.
Một người dân đảo rẽ vào, hoá ra chính là anh Trương Văn Bình, Trưởng thôn đảo Hà Loan. Nhận thấy có người lạ, anh phân trần: - Đi xem bà con chăm sóc lúa mạ thế nào, rồi phải vệ sinh môi trường cho sạch sẽ, đảm bảo tiêu chí nông thôn mới… Còn sớm nên rẽ vào uống cốc nước…
Qua trưởng thôn, tôi biết, đảo Hà Loan hiện có 74 hộ, 282 nhân khẩu, phần lớn làm nông nghiệp. Từ khi có điện, có đường liền mạch, thôn được đầu tư xây dựng nhà văn hoá và nhiều công trình phúc lợi khác. Đường đi trong thôn bây giờ bê tông hoá hết rồi, mặt đường rộng rãi. Nhân dân rất phấn khởi, hàng hoá thiết yếu lưu thông, các loại dịch vụ cũng phát triển mạnh… Nhưng vẫn còn đó nhiều việc chưa thể giải quyết dứt điểm. Con đường mới làm nối đất liền với đảo chỉ có cọc tiêu báo hiệu mực nước, chưa có lan can, điện chiếu sáng… nên vẫn nguy hiểm cho học sinh và người dân mỗi khi qua đây. Mối quan tâm lớn nhất là quy hoạch phát triển đảo trong những năm tới, liên quan đến đời sống lâu dài của nhân dân. Hiện người dân phải giữ nguyên hiện trạng chờ quy hoạch, không được đầu tư phát triển kinh tế…
Chúng tôi đi tiếp tới phía sau con đê ngăn mặn, thăm những ô nuôi tôm quảng canh của một số hộ dân. Bên ngoài là bãi rừng ngập mặn với các loài đâng, sú, vẹt… Nhiều loại cây tán xòe đến đâu, rễ mọc ra đến đấy. Cắm xuống rồi, rễ tiếp tục trồi lên như những ngón tay giơ lên níu giữ bùn đất. Đây là nơi những loại tám cẳng, hai càng tìm tới trú ngụ, sinh sôi, nảy nở. Phía Đông đảo, một bãi cát chạy dài nổi lên vàng ruộm, vài ba người đang mải miết cào ngao, bắt vọp. Anh bạn Dũng đưa chúng tôi vào tham quan trang trại tôm Trung Quyến, do anh Vũ Đình Quyến cùng với người em liên doanh nuôi tôm. Quyến vốn ở quê hương Kim Thành, tỉnh Hải Dương, sinh đúng vào năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Kể về cơ duyên gắn bó với Hà Long, Quyến bảo: - Em tốt nghiệp Đại học Bách khoa, chuyên ngành Kỹ sư điện tử, về công tác tại Trung tâm dạy nghề Ba Đình một năm. Sau đó có anh bạn rủ em về Quảng Ninh làm ăn. Sau một thời gian chuyên cung cấp dịch vụ, vật tư viễn thông, được sự đầu tư, giúp đỡ của Trung tâm khuyến nông tỉnh Quảng Ninh, em quay sang nuôi tôm. Đưa tay chỉ những cái ao nhân tạo có hệ thống lưới che, Quyến cho biết: Em mới nuôi tôm được hai năm, toàn bộ diện tích nuôi tôm rộng hơn 1ha, được chia thành 8 ao. Mỗi năm nuôi hai vụ, vụ chính nuôi 90 ngày, trái vụ nuôi 120 ngày, đều là nuôi tôm thẻ chân trắng. Mỗi vụ thu hoạch được từ 12 đến 16 tấn, còn nếu thu hết công suất có thể đến 18 tấn.
Quyến cho biết, em còn đang thử nghiệm mô hình nuôi cua lột. Trên con đường bê tông đủ cho hai làn xe ô tô năm chỗ tránh nhau, chúng tôi về thăm trại nuôi cua. Quyến kể:
- Cua giống nuôi trong hai bể lớn. Khi được hai lạng thì bắt vào nuôi trong hộp đã được tạo mà sẵn, đợi cua lột bắt ra vệ sinh sạch sẽ, đóng vào túi ni lon hút chân không, đủ lượng xuất bán thị trường. Nếu hai mô hình này thành công, em tiếp tục mở rộng và liên kết với nhân dân trên đảo.
Nhìn cánh rừng ngập mặn xanh ngút ngát, Quyến cho biết: Ở đây còn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế lắm anh ạ. Nếu cho phép, em sẽ đầu tư nuôi cua tự nhiên, phát triển du lịch cộng đồng. Bãi cát là một bãi tắm đẹp, chỉ cần đầu tư chút ít sẽ thu hút được rất đông du khách. Vấn đề đặt ra là cơ chế, chính sách thôi anh ơi. Từ ngày có tuyến đường nối đảo với đất liền, các buổi chiều hay có xe ô tô con rồi người đi xe máy ra đảo, họ cũng thích đạp xe ngắm cảnh. Đang bị hạn chế bởi dịch Covid-19 chứ không em đã mua một ít xe đạp ra cho mọi người đến đây thuê, đạp xe quanh đảo.
Tạm biệt đảo trở về, ông Nguyễn Văn Thưởng, Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch UBND xã vẫn đang chờ chúng tôi. Mang những điều mắt thấy, tai nghe nói lại với ông Thưởng. Trầm lặng trong giây lát, ông cho biết định hướng xây dựng trong tương lai sẽ quy hoạch đảo thành điểm nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái rừng ngập mặn. Hiện nay, khu rừng ngập mặn được giao cho nhân dân quản lý, bảo vệ. Chỉ tiếc là đảo chưa có nhiều nhà đầu tư tìm đến, đánh thức tiềm năng…
Băng Sơn
Liên kết website
Ý kiến ()