Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:40 (GMT +7)
Kết nối tiêu thụ nông sản có địa chỉ: Cách làm hiệu quả
Thứ 6, 11/06/2021 | 14:22:00 [GMT +7] A A
Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp gây ra không ít khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân Quảng Ninh. Tuy nhiên, nhờ hình thức kết nối tiêu thụ nông sản có địa chỉ, các cấp chính quyền từ tỉnh tới địa phương đã cùng đơn vị, doanh nghiệp và người dân đồng hành cùng người nông dân vượt qua khó khăn và tái sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3 tại Việt Nam, TX Đông Triều là một trong những địa phương của tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp và tương đối nặng nề. Việc phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội đối với một số địa bàn trọng điểm sản xuất nông nghiệp, khiến việc tiêu thụ nông sản đúng vụ thu hoạch của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn.
Chủ động nhìn nhận vấn đề từ xa, từ sớm, từ cơ sở, ngày 30/1/2021, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 542/UBND-NLN1 về việc tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ nông dân, các hộ sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT cùng UBND các địa phương rà soát, thống kê hàng hoá, nông sản, hoa màu... do nhân dân trong tỉnh nuôi, trồng đến thời điểm thu hoạch, để xây dựng, triển khai phương án hỗ trợ tiêu thụ cho nhân dân.
Song song với đó, để đảm bảo sự an toàn và làm yên lòng người tiêu dùng, tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý đảm bảo VSATTP, đặc biệt là việc đảm bảo tuyệt đối các quy định về an toàn phòng, chống dịch trong vận chuyển, tiêu thụ nông sản và sẵn sàng xử lý nghiêm theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngay trong chiều 31/1, chuyến hàng đầu tiên là 17 tấn khoai tây vừa đúng vụ thu hoạch của bà con nông dân xã Bình Dương (TX Đông Triều) đã được Sở Công Thương kết nối tiêu thụ thành công tới các đơn vị ngành Than, một số chợ trên địa bàn TP Hạ Long, siêu thị trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau đó, nông sản của nông dân TX Đông Triều tiếp tục được kết nối tiêu thụ có địa chỉ tới nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đến trước khi lệnh phong tỏa một số xã, phường trên địa bàn Đông Triều được gỡ bỏ, đã có 90% diện tích hoa màu và rau củ của nông dân đến kỳ thu hoạch được tiêu thụ, bà con nông dân có điều kiện để đón Tết Nguyên đán đầm ấm, vui tươi và bắt tay ngay vào vụ gieo trồng mới.
Với kinh nghiệm tích lũy được từ đợt cao điểm phòng, chống dịch tại TX Đông Triều đầu năm 2021, trong thời gian qua, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT và các địa phương đẩy mạnh phương thức kết nối tiêu thụ nông sản có địa chỉ cho người nông dân trên toàn địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như với huyện Hải Hà - một trong những địa phương có sản lượng nông, lâm, thủy sản lớn của tỉnh, nhưng vấn đề thị trường chưa được đảm bảo tuyệt đối, thường xuyên gặp nhiều rủi ro, bị thương lái ép giá hoặc đầu ra bị đình trệ do yếu tố khách quan, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Để giúp đỡ người nông dân trên địa bàn thu về được lợi nhuận xứng đáng với công sức, có nguồn vốn quay vòng, yên tâm tái sản xuất, huyện Hải Hà đã chủ động đề xuất, phối hợp với các sở, ngành mở rộng thị trường nội tỉnh, kết nối tiêu thụ nông sản có địa chỉ tới các siêu thị trên địa bàn tỉnh. Đến nay, qua sự kết nối của Sở Công Thương và các đơn vị sản xuất liên quan, huyện đã giới thiệu sản phẩm, mặt hàng đến Chi nhánh Công ty CP EB Hải Phòng (đơn vị chuyên về chế biến, bảo quản thực phẩm) và Công ty TNHH MM Mega Market tại TP Hạ Long. Các nông sản của huyện sẽ sớm có mặt theo dạng “chính ngạch” tại các siêu thị lớn trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới.
Qua sự kết nối của các sở, ngành, nhiều địa phương đã thành công mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm được địa chỉ cụ thể để tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp được hoàn thiện thành chuỗi khép kín. Như tại TX Đông Triều, 216ha khoai tây Atlantic của nông dân được Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina (Hàn Quốc) bao tiêu 100% sản lượng; nông dân các xã, phường Bình Dương, Nguyễn Huệ, Hưng Đạo với mô hình lúa giống PC26 được Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) bảo đảm xuất khẩu sang Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ký kết tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, bếp ăn tập thể của ngành Than, trường học… để cung cấp nông sản đạt tiêu chuẩn, chất lượng với nguồn cung ổn định.
Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương và Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ gần 100.000 tấn nông sản các loại cho người nông dân (riêng thủy sản đã kết nối tiêu thụ được gần 45.000 tấn); gần 105.000 đơn hàng là nông sản của tỉnh đã được giao dịch tại các hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh; các hình thức bán hàng online khai thác được khoảng 110.000 đơn hàng nông sản của nông dân trong tỉnh. Hiện nông sản của tỉnh cơ bản không tồn nhiều, tất cả đều được thu hoạch đúng vụ và tiêu thụ tương đối ổn định. Giá trị xuất khẩu nông sản từ đầu năm đến nay đạt khoảng 330 triệu USD.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()