Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:36 (GMT +7)
Nhớ xuân biên giới
Thứ 2, 31/01/2022 | 15:12:29 [GMT +7] A A
Khi những đợt không khí lạnh từ phương Bắc dồn về, những chuyến hàng xuôi ngược, người người hối hả lo gói ghém công việc cuối năm là tôi biết, không khí Tết đã rộn ràng khắp các nẻo đường biên cương. Phải chăng cũng giống như gió rét, mùa xuân luôn về sớm hơn ở mảnh đất địa đầu.
Móng Cái là thành phố vùng biên, cửa ngõ giao thương với Trung Quốc. Bởi thế, ngay từ tháng mười, hàng hóa phục vụ cho Tết từ bên kia biên giới đã dồn về cửa khẩu chính và các điểm xuất nhập khẩu dọc đường biên, để từ đó nhập vào nội địa.
Ở khu vực trung tâm của Móng Cái, chợ nối chợ san sát, liên tiếp nhau, ra khỏi chợ này là bước vào chợ khác. Rồi biết bao trung tâm thương mại, cửa hàng cửa hiệu san sát trên các con phố Trần Phú, Triều Dương, Hùng Vương, Ka Long, Vân Đồn… Chợ Một, chợ Hai và những trung tâm thương mại lớn là nơi có nhiều thương nhân Trung Quốc nhất. Đa số các quầy hàng ở những nơi này đều là điểm giao dịch, bán buôn của chủ nhân người Hoa. Người Việt làm chủ quầy ở đây không nhiều, đa số làm công việc bán hàng thuê kiêm luôn phiên dịch. Đấy cũng là một đặc điểm làm cho không khí Tết đến với Móng Cái sớm hơn.
Thương nhân Trung Quốc buôn bán nhiều ngày ở Việt Nam, nhiều người trong số họ ở ngay Đông Hưng, sáng sang tối lại về nhưng cũng rất nhiều người nhà xa tận Quảng Châu, Bắc Kinh, Thâm Quyến… Bởi vậy, họ thường tập trung cao độ cho việc bán hàng cuối năm vào tháng 10, tháng 11. Đến đầu tháng Chạp, họ dồn hàng, bán thanh lý hết, để muộn nhất là rằm tháng Chạp, họ có thể quay trở về nhà, chuẩn bị đón năm mới với gia đình. Người Móng Cái thường mua hàng vào dịp này, bởi vì đó hầu hết là hàng đẹp, chất lượng tốt, lại được bán lẻ bằng giá bán buôn, nên rẻ hơn rất nhiều so với giá bán tại các cửa hiệu sang trọng. Sau rằm tháng Chạp, hàng hóa được đổ ra bán thanh lý rất nhiều, nhưng lúc này đa số chỉ còn hàng bình dân, có cả những lô hàng lỗi, model cũ nên giá càng rẻ.
Chợ Tết và chợ hoa xuân ở vùng biên giới cũng được tổ chức khá sớm. Trước tiên bao giờ cũng là Hội chợ thương mại biên giới Việt - Trung, hội chợ thường niên được tổ chức luân phiên giữa hai nước, cứ năm nay ở Việt Nam thì năm sau sang Trung Quốc. Trong thời gian hội chợ, người dân hai nước qua lại rất đông vui, nhộn nhịp. Hội chợ là nơi giao thương buôn bán hàng tiêu dùng và cũng là dịp để nhân dân hai nước giao lưu văn hóa. Sau hội chợ thương mại, chợ hoa xuân ở quảng trường Trung tâm Văn hóa thành phố cũng được chuẩn bị và tập kết hàng khá sớm. Các loại cây cảnh và hoa từ Trung Quốc vào, từ các tỉnh thành của Việt Nam chở ngược ra, làm hương sắc mùa xuân rực lên cả một vùng biên giới.
Người Móng Cái chuẩn bị thực phẩm Tết từ rất sớm. Đầu tiên là muối các loại rau củ quả, thông dụng nhất là su hào, củ cải, dưa chuột, cải xanh. Chúng đều được để nguyên, không gọt vỏ hay cắt nhỏ như ta thường thấy. Dù ở Móng Cái nhiều năm, tôi chưa bao giờ được chứng kiến đầy đủ các công đoạn của việc muối củ quả mà các bà, các chị thực hiện. Chỉ biết là chúng được chọn lọc, rửa sạch, phơi heo héo đi rồi được rắc muối hạt to và đựng trong những cái chum sành lớn. Thời gian ủ muối lâu chóng tùy loại và tùy kích thước của rau củ quả, nhưng bình quân cũng phải cả tháng trời. Bởi vì khi vớt ra để ăn, củ su hào, củ cải, quả dưa chuột hay cây rau đều đã chín ngấu, xuống hết nước và hơi quắt lại, thái ra xào với thịt, với ruột con vạng biển, thậm chí chỉ cần xào với tỏi không thôi, cũng ngon lắm lắm rồi, bởi nó có vị chua mặn đủ độ và đặc biệt là giòn tan. Ai đã từng ăn rau củ muối chua truyền thống đúng kiểu miền Đông thì sẽ khó có thể nào quên được.
Sau khi chuẩn bị các loại rau củ muối, mọi nhà bắt đầu tích trữ thực phẩm, nhiều nhất là hải sản như mực, tôm, dậu mai, sá sùng, tươi khô đủ cả. Cuối năm ở biển Móng Cái, hết mùa mực câu là đến mùa tôm he. Tôm he lớn theo từng con nước. Con nước này 40 con một cân, con nước sau mỗi cân chỉ được 35 con. Đến cuối tháng 11 âm lịch, mỗi cân he biển chỉ còn tầm 25-28 con, căng đẫy, vàng óng. Lúc này giá cả còn rẻ và lượng đánh bắt được còn nhiều, mỗi nhà thường tranh thủ tích trữ ít nhiều trong tủ đá, bởi sang tháng 12 tôm ít, giá thường tăng rất cao. Tuy chợ nhiều, năm nào hàng thực phẩm cũng bán ngay từ sáng mồng 1 Tết, nhưng người Móng Cái vẫn giữ thói quen tích trữ sớm và nhiều. Mọi người đều quan niệm, năm mới trong nhà luôn phải đủ đầy, dư giả đồ ăn thức uống, để mọi người quây quần, để họ hàng bè bạn đến nhà chơi có nhiều thứ mà mang ra mời mọc, thết đãi. Đấy cũng là một thói quen đặc biệt và là biểu hiện của tính cách thảo lảo, hiếu khách mà người Móng Cái còn giữ được đến ngày nay.
Tết trên vùng biên cương thường đến sớm hơn là thế nhưng ở nơi này, mùa xuân không chỉ được báo hiệu bởi nhịp sống và sinh hoạt của con người trong những ngày cuối năm, mà nó còn được nhận biết bởi dấu hiệu của thiên nhiên, cây cỏ, đất trời. Chỉ cần để ý một chút thôi, khi đi sát rìa sông Ka Long, trên con đường dẫn ra biển Trà Cổ, đường lên Hải Đông, Quảng Nghĩa, xã vùng cao Hải Sơn, Bắc Sơn, hay nhìn lên những triền đồi lúp xúp ở đảo Vĩnh Thực, bạn đều sẽ thấy những chỉ dấu của mùa xuân. Có thể đấy là lất phất bụi mưa, làm cho những bông lau trắng xóa. Có thể đấy là vài bông hoa dại vừa run rẩy nở trong gió bấc và hơi núi lạnh căm. Đấy cũng có thể là vài chồi non bắt đầu he hé mắt xanh trên những thân cây xù xì, xám ngắt. Bất ngờ hơn, đấy còn có thể là màu trắng mỏng manh nhưng đầy kiêu hãnh của những bông hoa nở sớm trên một cây mai mọc dại ven đường. Tất cả những điều đó báo hiệu sự hồi sinh của cỏ cây, sự đổi mùa của trời đất. Đâu đó thoảng mùi thơm ấm áp của hương bài, hơi giá trong không gian bỗng chốc thoảng tan đi. Thế là biết xuân đã sớm về.
Tôi vừa mới xa Móng Cái, thoắt đã ba xuân, thế mà tôi tưởng mình đã xa nơi ấy lâu lắm rồi. Nhưng dù không được sống trong bầu không khí hối hả của những ngày cuối năm ở vùng đất ấy nữa, dù lâu rồi chưa trở lại, dù thời gian cách xa có là bao lâu thì nhịp sống, cảnh sắc và hơi ấm của mùa xuân biên giới vẫn luôn đủ đầy, vẫn luôn ăm ắp ở trong tôi.
Tháng 12/2021
Đặng Thị Thuý
Liên kết website
Ý kiến ()