Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:31 (GMT +7)
Góp vốn đầu tư qua… mạng, bị lừa hơn 16 tỷ đồng
Thứ 5, 20/04/2023 | 09:31:33 [GMT +7] A A
Ngày 19/4, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết đang tích cực điều tra các vụ án lừa đảo qua không gian mạng sau khi các bị hại liên tục đến cơ quan Công an trình báo.
Điều đáng nói, dù thời gian qua, Cơ quan Công an đã khuyến cáo rất nhiều về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua không gian mạng, nhất là việc góp nhiều tỷ đồng để làm ăn với người chưa hề gặp mặt…
Theo trình bày của bà L.T.T (trú TP Huế, Thừa Thiên-Huế), giữa tháng 2/2023, bà nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0927.0132… của một người tự xưng là "Trần Tuấn Hoàng" về việc tư vấn tham gia các "Quỹ đầu tư" của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại website PVEP.TOP. "Tại website này, tôi thấy được nhiều hình ảnh của các dự án (DA) với quy mô đầu tư lên đến hàng triệu tỷ đồng. Sau khi xem đi xem lại các clip, hình ảnh quảng bá về dự án "khủng", tôi quyết định tham gia góp vốn kinh doanh", bà T kể.
Theo tính toán từ "đối tác" gọi điện và thông tin từ DA, nhà đầu tư như bà T sẽ được hưởng từ 2 - 4% tổng số vốn đầu tư/ngày. Chằng hạn nếu góp vốn 1 tỷ đồng, bà T sẽ được hưởng từ 20-40 triệu đồng/ngày; nếu góp 500 triệu đồng, bà sẽ được hưởng từ 10-20 triệu đồng… Sau khi nghe Trần Tuấn Hoàng tư vấn qua Zalo và nghiên cứu các thông tin trên website, bà T đã đăng ký tài khoản đầu tư. Đồng thời, theo hướng dẫn, bà đã cài đặt ứng dụng "PVEP" về điện thoại để bắt đầu tham gia góp vốn.
Từ lời khai của bà T và qua đối chiếu các dữ liệu tại ngân hàng, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Thừa Thiên-Huế nhận thấy, bà T đã có 15 lần chuyển khoản đầu tư tài khoản ngân hàng cá nhân vào tài khoản ngân hàng SHB số 0586239193 mang tên Nguyễn Thị Thảo M.
Cả 15 lượt chuyển tiền này đều được bà T thực hiện theo hướng dẫn phần mềm mà bà đã cài đặt khi tham gia đầu tư vào DA. Thời gian bà T chuyển 15 lần để góp vốn với tổng số tiền 9,7 tỷ đồng; trong đó, lần chuyển cao nhất là gần 500 triệu đồng và lần thấp nhất là 300 triệu đồng. Sau mỗi lượt chuyển khoản đầu tư, hệ thống luôn có thông báo xác nhận tiền với bà T là tiền đã vào tài khoản.
"Sau 5 ngày, tôi chuyển 15 lượt tiền thì đến hạn rút vốn lãi. Lúc này, tôi vào ứng dựng "PVEP" để thực hiện các lệnh rút tiền về tài khoản của mình nhưng không ngờ toàn bộ tài khoản đã bị "đóng băng", tất cả các thông tin xác nhận giao dịch của tài khoản đầu tư đều biến mất", bà T tường trình.
Điều đáng nói, để có số tiền 9,7 tỷ đồng góp vốn đầu tư vào DA, bà T đã huy động, mượn của nhiều người thân, bạn bè. Khi mượn bà T bảo cần việc gia đình và vài hôm sẽ trả lại, bởi theo "cam kết" từ dự án mà bà góp vốn rằng, chỉ sau 5 ngày đầu tư, nhà đầu tư sẽ rút lại cả vốn lẫn lãi. Những ngày này, nghĩ đến số tiền bị kẻ xấu lừa đảo khó quay trở lại, trong khi nợ nần bao vây khiến bà T điêu đứng.
Ngoài bà N.T.T, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết một nạn nhân khác là chị N.T.T.T (trú TP Huế, Thừa Thiên-Huế) cũng vừa đến cơ quan Công an trình báo bị lừa đảo số tiền hơn 6,4 tỷ đồng do đầu tư trên sàn giao dịch điện tử.
Trước đó, thông qua mạng xã hội Instagram, chị N.T.N.T đồng ý kết bạn với một người nước ngoài tên "Jack". Sau một thời gian trò chuyện, tìm hiểu, chị T đồng ý tham gia đầu tư trên sàn giao dịch tiền điện tử và tiền tệ có tên HKDBITEXCHANGE thông qua lời giới thiệu của "Jack". Theo hướng dẫn của "Jack" và các đối tượng, chị T thực hiện đăng ký tài khoản đầu tư, tiến hành nạp tiền vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để mua đồng USDT và bán lại trên sàn để thu lợi với lãi suất 10%.
Cụ thể, lần thứ 1, chị nạp 5 triệu đồng vào tài khoản 19038275080010 Hoang Thi Dao và rút được vốn lãi 5,5 triệu đồng. Sau lần đầu trót lọt, lần thứ hai chị nạp 25 triệu đồng vào tài khoản trên và rút được vốn lãi 27,5 triệu đồng. Tiếp đó, lần thứ ba, chị T nạp 70 triệu đồng vào tài khoản 19038283332010 của Bui Quang Tung và rút được vốn lãi 77 triệu đồng.
Sau 3 lần đầu tư và thu được vốn lãi, chị T tin tưởng và tiếp tục nạp thêm 1,250 tỷ đồng để mua 50.000 USDT trên sàn giao dịch nêu trên. Lúc này, "Jack" liên hệ và tư vấn cho chị T nâng cấp tài khoản lên "VIP 1" bằng cách đầu tư 300.000 USDT để được miễn phí phí giao dịch. Lúc này, "Jack" còn gợi ý về việc sẽ cho chị T vay số USDT còn thiếu.
Sau một thời gian suy nghĩ, chị T đã đồng ý và nạp thêm 5,150 tỷ đồng đồng vào các tài khoản 19038283332010 cua Bui Quang Tung và 19038283294011 của Tran Thi Thuy Dương do đối tượng cung cấp để mua 206.000 USDT.
Cùng với 100.000 USDT mà "Jack" đã nạp vào cho chị T mượn trước đó thì tài khoản đầu tư của chị T lúc này có hơn 300.000 USDT. Tuy nhiên, sau nhiều lần thực hiện không thành công các lệnh rút vốn lãi, chị T đã liên hệ tổng đài và được biết hệ thống không chấp nhận hoạt động nâng cấp "VIP 1" của chủ tài khoản do chưa nạp đủ tiền. Đồng thời, cũng không chấp nhận bất cứ lệnh rút nào khi hoạt động nâng cấp chưa được thực hiện thành công và yêu cầu chị T nạp đủ 300.000 USDT để hoàn tất hoạt động nâng cấp. Sau khi chị T liên lạc số USDT của mình nộp và "Jack" cho mượn đã đủ thì các đối tượng giải thích hệ thống không chấp nhận USDT được chuyển từ tài khoản của người khác nên phần USDT do "Jack" nạp vào là không hợp lệ. Sau nhiều ngày không rút được tiền, chị T biết được mình bị lừa nên đã trình báo cơ quan Công an. Theo xác nhận của cơ quan Công an, tổng số tiền chị T bị lừa là 6,4 tỷ đồng.
Thượng tá Mai Văn Toàn, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, thời gian qua, tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng. Để thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng sử dụng những phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, gây nhiều thiệt hại lớn về tài sản cho quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong thời gian qua. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã vận dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh và xử lý có hiệu quả nhiều vụ án. Tuy nhiên, thời gian gần đây vẫn tiếp tục có nhiều người sập bẫy dù thủ đoạn không mới.
Theo Cand
Liên kết website
Ý kiến ()