Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:04 (GMT +7)
Góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 17-NQ/TU
Chủ nhật, 06/10/2024 | 08:02:46 [GMT +7] A A
Cùng với các cấp, ngành, địa phương của tỉnh, thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã quan tâm, tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Trong đó, việc triển khai chủ động, sáng tạo các nội dung giáo dục địa phương (GDĐP) trong nhà trường được coi là giải pháp hiệu quả nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, cụ thể hóa Nghị quyết số 17-NQ/TU.
Căn cứ các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, kế hoạch của Sở GD&ĐT về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, Sở GD&ĐT đã thực hiện rà soát nội dung GDĐP ở từng khối lớp, từng cấp học để gợi ý địa chỉ cập nhật, tích hợp và hướng dẫn các Phòng GD&ĐT, các trường có cấp trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp và thường xuyên tỉnh nguyên tắc và quy trình rà soát, cập nhật, bổ sung hệ giá trị lịch sử, văn hoá, con người Quảng Ninh vào dạy học nội dung GDĐP từ năm học 2024-2025. Đồng thời, tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn việc cập nhật, bổ sung hệ giá trị lịch sử, văn hoá, con người Quảng Ninh vào dạy học nội dung GDĐP từ năm học 2024-2025 theo hình thức trực tuyến cho hơn 700 người, gồm lãnh đạo, chuyên viên các phòng GD&ĐT, đại diện cán bộ quản lý và giáo viên các trường học.
Trên cơ sở đó, các trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai dạy học GDĐP đảm bảo theo chương trình, tài liệu, đồng thời gắn với các nội dung, mục tiêu Nghị quyết 17-NQ/TU một cách linh hoạt, phù hợp trong mỗi bài học.
Trường TH, THCS và THPT Đoàn Thị Điểm (TP Hạ Long) đặt ra chỉ tiêu trong năm 2024: 100% học sinh phổ thông tại trường được tiếp cận giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa và được tham quan học tập thực tế tại các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh. Để thực hiện được mục tiêu này, ngay trong lễ khai giảng năm học mới 2024-2025, nhà trường đã lựa chọn chủ đề “Tự hào Quảng Ninh” nhằm đẩy mạnh tuyên truyền tới học sinh về những giá trị văn hóa, lịch sử, con người quê hương. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường lồng ghép với nội dung học GDĐP đưa học sinh tới các địa điểm trong tỉnh như: Làng quê Yên Đức (TX Đông Triều); Làng Nương Yên Tử (Uông Bí); tham quan tìm hiểu khu vực đường tuần tra biên giới, các cột mốc và di tích lịch sử Bình Liêu…
Cùng với đó, nhà trường tiếp tục duy trì đều đặn các hoạt động ngoại khóa “uống nước nhớ nguồn” tri ân người có công với cách mạng, hoạt động từ thiện thăm, tặng quà, hỗ trợ các bệnh nhân chạy thận có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Qua đó, giáo dục học sinh về trách nhiệm xã hội, xây dựng lối sống nhân ái, biết sẻ chia, yêu thương, góp phần tô thắm hình ảnh, phẩm chất con người Quảng Ninh: Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng bài giảng GDĐP, hầu hết các trường học đều ưu tiên thể hiện tính địa phương trong địa phương. Cùng với việc truyền đạt các kiến thức về giá trị văn hóa, lịch sử, tình hình phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh sẽ tập trung giới thiệu sâu hơn, kỹ hơn các kiến thức, thông tin về chính thành phố, huyện, thị xã là nơi các em sinh sống.
Tại các trường học ở Bình Liêu, không dừng lại ở việc giảng dạy GDĐP trên bục giảng, học sinh thường xuyên được tham gia biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian, thi ẩm thực, trình diễn trang phục truyền thống… tại các chương trình lễ hội hằng năm như Lễ hội đình Lục Nà, Hội Kiêng gió, Hội Soóng cọ, Hội Hoa sở, Hội Mùa vàng. Cùng với đó, các CLB hát then của người Tày, hát soóng cọ của người Sán Chỉ, hát pả dung của người Dao Thanh Phán được thành lập và duy trì tại các trường học với sự chỉ dạy trực tiếp của các nghệ nhân trên địa bàn huyện đã giúp học sinh tiếp cận với văn hóa truyền thống một cách tự nhiên, gần gũi hơn. Qua đó, nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển thành các sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần quảng bá, giới thiệu, lan tỏa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Có thể thấy, cùng với hoạt động giảng dạy GDĐP, bằng nhiều cách thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, các trường học trên địa bàn tỉnh đều đã và đang góp phần tích cực đưa Nghị quyết 17-NQ/TU đi vào cuộc sống, giáo dục thế hệ trẻ chung sức phát triển nền văn hóa giàu bản sắc, để văn hóa, con người Quảng Ninh thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()