Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:11 (GMT +7)
Góp phần bảo tồn dân ca truyền thống
Chủ nhật, 10/03/2024 | 14:38:04 [GMT +7] A A
Những người phụ nữ Sán Chay ở xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ) không chỉ giỏi việc nước đảm việc nhà mà còn rất tích cực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong đó có loại hình hát dân ca.
Người Sán Chay ở huyện Ba Chẽ có hai nhóm: Sán Chỉ và Cao Lan tập trung ở các xã Thanh Sơn, Thanh Lâm và Đạp Thanh, tuy có tiếng nói khác nhau nhưng phong tục tập quán rất tương đồng. Người Cao Lan ở Ba Chẽ chỉ có khoảng 450 người, tập trung ở các thôn Khe Lò, Khe Pụt Trong, Khe Pụt Ngoài của xã Thanh Sơn và thôn Bắc Tập, xã Đạp Thanh. Riêng ở xã Thanh Sơn, dân tộc Sán Chay cư trú ở các thôn Khe Lò, Khe Pụt, Khe Lọng Trong, Khe Lọng Ngoài, Bắc Văn, chiếm khoảng 40% dân số toàn xã.
Hát dân ca - nếu là nhóm Cao Lan gọi là hát sình ca còn nhóm Sán Chỉ thì gọi là soóng cọ. Sình ca hay soóng cọ đều có nghĩa là ca hát, hát xướng, giao duyên. Truyền thuyết dân gian kể lại rằng, trong một gia đình người Sán Chay, có một thiếu nữ được chim thần dạy cho nhiều bài hát rất hay. Cô đã đi khắp nơi để hát và dạy mọi người hát. Đi đến đâu, già, trẻ, gái, trai đều đến nghe cô hát. Giọng hát của cô trong hơn tiếng chim vang xa đến nỗi con chim bay một quãng đường 7 đêm đi kiếm ăn rồi vẫn còn nghe được lời hát. Lời hát làm cho người ốm khỏe lại, yêu đời hơn, cây lúa trên nương trổ bông trĩu hạt, con chim trời ngẩn ngơ quên hót. Cô đi mãi đến nỗi mệt lả người, chết đi và hồn hóa vào cây thông bốn mùa reo hát. Người Sán Chay tôn xưng cô làm nữ thần nghệ thuật.
Trước mỗi cuộc hát người ta thường hát màn mời nữ thần nghệ thuật về chứng kiến. Hát sình ca hay soóng cọ là một loại hình diễn xướng dân gian nhằm thể hiện và giao lưu tình cảm giữa các nhóm cộng đồng Sán Chay, không có nhạc đệm kèm theo. Nội dung các bài hát thường để giao duyên, trao đổi tâm tình, hát mừng đám cưới, mừng nhà mới, năm mới, thường mượn những cảnh đẹp của núi rừng quê hương, cảnh sinh hoạt hằng ngày, những câu chuyện cổ tích, thần thoại để thông qua đó nói lên tình yêu và ước vọng xây dựng cuộc sống vui tươi, hạnh phúc của mình.
Tiếp nối âm hưởng của những câu ca xưa, những con cháu của nữ thần nghệ thuật ở xã Thanh Sơn hôm nay vẫn yêu thích lối hát này và lưu giữ như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mình. Họ thành lập câu lạc bộ để hát những câu hát chân phương, mộc mạc ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu con người. Chị Nịnh Thị Liên, hội viên CLB Hát dân ca Sán Chay xã Thanh Sơn, kể: "Tôi đi hát từ năm 17 tuổi. Tôi rất thích hát giao duyên. Mọi khi cứ đi đâu, gặp bạn bè, chúng tôi lại hát với nhau".
Ngày nay, thanh niên không còn mặn mà với việc hát soóng cọ, những câu hát cứ thế mai một theo thời gian làm cho những người như chị Liên lo lắng. May sao CLB dân ca được thành lập và từ năm 2022, xã Thanh Sơn đã tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay để có thêm sân chơi cho chị Liên và chúng bạn biểu diễn. Câu lạc bộ Hát dân ca Sán Chay xã Thanh Sơn hiện có 16 thành viên trong đó có 10 nữ. Bà Nịnh Thị Thắng, thôn Khe Pụt, xã Thanh Sơn, cho biết: "Chúng tôi yêu câu hát của cha ông và cảm thấy rất tự hào khi được cất lên làn điệu dân ca của dân tộc mình".
Nghệ nhân dân gian Lục Văn Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UB MTTQ xã Thanh Sơn là người Sán Chay và hiện được coi là người có công lớn trong việc duy trì các câu lạc bộ dân ca dân tộc Sán Chay ở Ba Chẽ. Ông Bình tích cực theo học sình ca từ các nghệ nhân cao niên, xây dựng các câu lạc bộ của xã, truyền dạy cho 30 học viên tại quê hương. Theo ông Bình, người Sán Chay ở Ba Chẽ hát có làn điệu và ngữ điệu khác với người Sán Chỉ ở Tiên Yên, Bình Liêu. Trước đây con trai, con gái Sán Chay gặp nhau đều hát, bên bìa rừng, bên dòng suối... Bây giờ, hầu như chỉ người 40 tuổi trở lên mới biết hát.
Nhận thấy dân ca của mình có nguy cơ thất truyền, phụ nữ xã Thanh Sơn đã và đang cố gắng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền dạy lại cho con em dân tộc mình, nhất là thế hệ trẻ. Tại Ba Chẽ nói chung, Thanh Sơn nói riêng, đã có nhiều lớp truyền dạy dân ca Sán Chay được tổ chức. Các thành viên câu lạc bộ nhất là chị em phụ nữ đều tích cực tham gia hát tại nhiều đám cưới của dân tộc và tại các lễ hội trong vùng.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()