Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:24 (GMT +7)
Gợi ý bữa phụ đủ dinh dưỡng cho trẻ theo lời khuyên của chuyên gia
Thứ 7, 07/01/2023 | 08:49:04 [GMT +7] A A
Nhu cầu năng lượng hàng ngày của trẻ không kém người lớn xét trên tỷ lệ nhu cầu năng lượng theo cân nặng. Nhưng do dạ dày còn nhỏ nên các bữa ăn chính không thể cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động của trẻ. Chính vì vậy, trẻ cần có thêm các bữa phụ đan xen bữa chính.
Việc bổ sung bữa phụ giúp trẻ sẽ không rơi vào trạng thái mệt mỏi vì thiếu năng lượng do thời gian giữa các bữa ăn chính cách nhau quá dài.
Về dinh dưỡng hợp lý thì bữa phụ (bữa xế) quan trọng tương đương bữa chính vì nó đảm bảo đủ hàm lượng chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển toàn diện của bé, nhất là trẻ nhẹ cân hoặc suy dinh dưỡng.
1. Vai trò của bữa phụ với sự phát triển của trẻ
Trẻ em và thanh thiếu niên ở độ tuổi đi học có thể có lịch trình bận rộn, với các hoạt động sau giờ học, thời gian ăn trưa thay đổi và làm bài tập về nhà. Điều này có thể tạo ra khoảng cách dài giữa các bữa ăn hoặc cơ hội bỏ lỡ bữa ăn hoàn toàn. Chính vì vậy, BS. Hoàng Quốc Tưởng (Bệnh viện Nhi đồng 2 - TP. Hồ Chí Minh) cho biết, cha mẹ lưu ý hơn cho bữa phụ của trẻ được đầy đủ các nhóm cần thiết để hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Thực tế, nhiều bà mẹ thường nghĩ bữa xế là ăn thêm, nên thường cho bé ăn khi thuận tiện hoặc nếu bé thích món nào thì cho ăn món đó mà chưa lưu tâm nhiều về vấn đề cân đối dinh dưỡng. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bữa phụ sẽ cung cấp từ 5-10% năng lượng và dưỡng chất cả ngày của bé.
Cũng theo BS. Hoàng Quốc Tưởng, bữa phụ lý tưởng là bữa ăn có sự cân đối của cả 3 nhóm chất: đạm, béo và các vitamin khoáng chất. Trong đó, đạm là dưỡng chất rất cần thiết để cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động và xây dựng mô - tế bào của trẻ nhỏ. Đạm có trong các thực phẩm như trứng, nấm, cá, các loại đậu... Chất béo đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ thống thần kinh. Tùy theo độ tuổi của trẻ, chất béo cần đạt từ 30- 45% năng lượng của toàn bữa ăn. Thực phẩm chứa chất béo tốt là từ các loại hạt (hạt hướng dương, hạt đậu Hà Lan...), cá hồi, cá thu, cá trích...
Còn vitamin và khoáng chất đóng vai trò thiết yếu trong việc phát triển các cơ quan hệ thống, đặc biệt là não bộ ở 5 năm đầu đời của trẻ, vì đây là giai đoạn não sẽ phát triển đạt khoảng 90% so với não bộ người lớn. Mẹ nên cho bé dùng các thực phẩm như sữa, chế phẩm từ sữa, rau xanh đậm màu... để cung cấp vitamin và khoáng chất cho bé. Để bé hấp thu các chất dinh dưỡng hiệu quả hơn, mẹ cần lựa chọn các thực phẩm lên men tự nhiên, không chất bảo quản.
2. 6 ý tưởng bữa xế bổ dưỡng cho trẻ
Đồ ăn nhẹ cung cấp hỗn hợp các chất dinh dưỡng, như protein, carbohydrate giàu chất xơ và chất béo từ thực vật hoặc hạt luôn là một lựa chọn tốt. Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em cho thấy bữa ăn nhẹ chiếm 28% tổng năng lượng hàng ngày của trẻ. Đó là lý do tại sao việc chuẩn bị sẵn các loại đồ ăn nhẹ ngon và bổ dưỡng là rất quan trọng.
2.1 Sữa chua Hy Lạp và quả mọng
Protein trong sữa chua Hy Lạp cung cấp lượng protein gấp đôi so với sữa chua thông thường và chất xơ làm no trong các loại quả mọng. Quả việt quất, quả mâm xôi, dâu tây cũng cung cấp các chất chống oxy hóa mạnh mẽ hỗ trợ hệ thống miễn dịch của trẻ. Đồng thời sự kết hợp giữa sữa chua giàu men vi sinh và quả mọng giàu chất xơ sẽ hỗ trợ sức khỏe đường ruột của trẻ để hạn chế rối loạn tiêu hóa.
2.2 Sinh tố
Thay vì cho trẻ uống nước trái cây, hãy thử làm sinh tố. Món ăn này ngoài trái cây xay nhuyễn, bạn có thể thêm các thành phần bổ dưỡng như sữa chua Hy Lạp, chứa nhiều protein và canxi. Sự kết hợp này giúp tạo ra các hương vị khác nhau và tùy chỉnh theo sở thích của trẻ.
Một số món sinh tố tốt cho sức khỏe của trẻ là sinh tố chuối, sinh tố dâu tây, việt quất…
2.3 Trái cây, rau và phô mai
Trẻ em thích ăn thức ăn trên xiên que như bánh ngô và kẹo táo. Vì vậy, hãy tạo ra một phiên bản lành mạnh hơn bằng cách xiên các loại trái cây, rau và phô mai. Xiên truyền thống an toàn cho thanh thiếu niên nhưng đối với trẻ nhỏ hơn, bạn có thể sử dụng que kem, đũa... Để làm cho mọi thứ trở nên thú vị hơn, hãy sử dụng khuôn cắt bánh quy để cắt thức ăn thành những hình thú vị như trái tim và ngôi sao.
2.4 Bánh mì nướng
Bánh mì nướng là món ăn phù hợp cho bữa xế với các nguyên liệu ngon và bổ dưỡng. Để có một bữa ăn nhẹ ngon miệng, hãy thử phết bơ nghiền lên bánh mì nướng và phủ lên trên những lát trứng luộc chín. Hoặc một sự kết hợp giữa ngọt và mặn, phết phô mai tươi lên bánh mì nướng và rắc dứa hoặc đào thái hạt lựu lên trên.
Hoặc có thể nướng bánh mì ngũ cốc nguyên hạt với bơ đậu phộng và dâu tây thái lát. Món ăn này cung cấp một hỗn hợp tốt các loại ngũ cốc nguyên hạt, protein, chất xơ, carbohydrate và chất béo lành mạnh để cung cấp cho năng lượng cho trẻ.
2.5 Thịt gà và phô mai
Đối với những trẻ thích ăn vặt mặn, bữa xế có thể là sự kết hợp đơn giản của một lát thịt nguội, chẳng hạn như gà tây, thịt gà hoặc giăm bông, quấn quanh một que phô mai. Món ăn này cung cấp năng lượng cần thiết để thực hiện các hoạt động sau giờ học. Đặc biệt là khi kết hợp với một loại carbohydrate giàu chất xơ, như trái cây hoặc bánh quy giòn làm từ ngũ cốc nguyên hạt. Hơn nữa, thịt và gia cầm là hai trong số những nguồn thực phẩm hàng đầu cung cấp chất sắt, rất quan trọng cho sự phát triển trí não khỏe mạnh ở trẻ sơ sinh và tránh các vấn đề như thời gian chú ý ngắn và khó tập trung ở trẻ.
2.6 Trộn ngũ cốc nguyên hạt và trái cây sấy khô
Các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt giúp no lâu và tràn đầy năng lượng. Trong khi trái cây sấy khô sẽ tạo thêm vị ngọt khiến hỗn hợp ngon hơn mà không cần thêm đường. Đây là một sự lựa chọn thông minh cho bữa xế vì nhanh gọn và cung cấp đầy đủ năng lượng cho trẻ.
Bữa phụ đóng vai trò quan trọng trong khẩu phần ăn của trẻ. Có thể dễ dàng chuẩn bị bữa ăn quan trọng này bằng cách kết hợp trái cây hoặc rau với nguồn protein như sữa, quả hạch, đậu hoặc protein động vật, sẽ giúp hỗ trợ sự phát triển. Đồ ăn nhẹ cũng giúp trẻ làm quen, tiếp xúc thêm với các món ăn, hương vị và thực phẩm khác nhau.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()