Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:03 (GMT +7)
Nhà văn Dương Hướng: "Tôi dốc hết tâm huyết để viết cuốn tiểu thuyết về biển đảo"
Thứ 4, 25/01/2023 | 11:02:20 [GMT +7] A A
Nhà văn Dương Hướng, người được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với tiểu thuyết "Bến không chồng" năm 2016 không chỉ đau đáu với những sáng tác của mình mà còn rất quan tâm đến sự phát triển của văn học Quảng Ninh. Hơn chục năm nay, đến giờ ông mới quay lại cầm bút để sáng tác.
Bên thềm năm mới Quý Mão 2023, Nhà văn Dương Hướng, Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn Việt Nam đã có những chia sẻ về những sáng tác mới và triển vọng của văn học Quảng Ninh. Bên ấm trà xuân giản dị, nhớ về quá khứ, nhà văn Dương Hướng chia sẻ:
Tôi nhập ngũ vào chiến trường miền Nam thuộc Trung đoàn 573 Quân khu 5 hoạt động ở vùng Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quảng Nam - Đà Nẵng. Kỷ niệm về những năm tháng ở chiến trường thì nhiều vô kể. Bom đạn, sốt rét, đói dài đói rạc nhất là vào năm 1972-1973. Có lần, tôi đã phải rưng rưng chôn cất đồng đội hy sinh bằng cách phải đi kiếm đá suối mang về xếp đá cho thú rừng khỏi tha mất xác. Những chi tiết đó tôi đã đưa vào một truyện ngắn đầu tiên trong đời sáng tác của mình có tên “Ngôi mộ đá” sau này được in báo Hạ Long.
Tôi còn một số truyện ngắn đầu tay nữa như: “Hương hoa gạo”, “Thời con gái”, “Gót son”. Sau này, các sự kiện trong chiến trường nơi tôi hoạt động, tôi đã phản ánh một cách trung thực nhất trong tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời” xuất bản từ năm 2007 nhưng mãi đến bây giờ mới được tái bản.
- Nghe nói, khi viết tiểu thuyết "Bến không chồng" ông đang làm thợ máy dưới thuyền của hải quan Quảng Ninh và đã phải xin nghỉ ở nhà không hưởng lương để có thời gian sáng tác?
+ Nhà văn Dương Hướng: Chuyện này với tôi nó rất bình thường bởi nhu cầu viết của mình lúc đó thúc ép, mình đang là công chức nhà nước không thể lên cơ quan trốn việc mà viết (cười). Còn ở nhà thì chẳng có chế độ nào cho anh nhà văn không đi làm mà lại được hưởng lương nhà nước. Và cái quyết định nghỉ không lương đã diễn ra trong sự nghiệp sáng tác của tôi không phải một mà là hai lần, mỗi lần 6 tháng. Nhờ hai lần nghỉ mà hai cuốn tiểu thuyết “Bến không chồng” và tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời” như vừa kể bên trên đã ra đời.
Thú thực là đến sau này mới nhận ra cái quyết định nghỉ không lương để viết văn của mình là đúng đắn. Trong hoàn cảnh lúc ấy, nếu không được nghỉ thì ắt sẽ không có hai cuốn tiểu thuyết mà mình tâm đắc đã ra mắt bạn đọc. Nhưng lúc ấy thì bạn bè và mọi người nhìn mình như một kẻ ấm đầu, kẻ có điện trong đầu (cười!). Ai lại giữa thời buổi người người đua nhau làm kinh tế, buôn bán nhộn nhịp thì mình lại lựa chọn việc thu mình ngồi ru rú góc nhà để mà... viết văn. Ối dào, xem ra nó trái khoáy lắm! Thêm nữa, cứ ở nhà, mỗi lần nghe vợ phàn nàn nhắc tới chuyện cái ăn, cái mặc, chuyện tiền nong, chuyện cho con đi học nghe mà xót hết cả ruột...
- Được biết, mấy năm nay, ông vinh dự ngồi các hội đồng xét giải. Chẳng nói thì ông cũng rõ, giải thưởng văn chương xưa nay sẽ người cao, người thấp, người được, người không dẫn đến chuyện dễ mếch lòng nhau lắm. Ông có ngại những ý kiến khen chê khác với quan điểm của mình?
+ Điều này cũng là bình thường, bởi cùng một cuốn sách, có sự đánh giá khác nhau là vì mỗi một thành viên trong hội đồng đều có quyền đánh giá theo quan điểm riêng. Cùng một cuốn sách có người đọc thích, có người không thích. Nói nôm na là thuộc cái gu, cái tạng của mỗi người. Người thích văn mượt mà ấm áp, giản dị, người lại thích gai góc dữ dội, sâu sắc. Người thích phong cách truyền thống, người lại thích lối viết hiện đại, mới mẻ, trẻ trung. Có người lại thích phong cách huyền ảo, mơ hồ ma mị. Bởi thế mới cần tới nhiều thành viên hội đồng.
Tuy nhiên, tất cả mọi yếu tố làm nên sắc thái của mỗi tác phẩm văn học đích thực chân chính đều phải hướng tới chân - thiện - mĩ, mang tính nhân văn sâu sắc. Để chọn được một cuốn vào giải quả chẳng dễ chút nào. Phải qua nhiều lần tuyển chọn tham khảo ý kiến đồng thuận của các thành viên trong hội đồng và cuối cùng mới tiến hành bỏ phiếu.
- Trong quá trình đọc và chấm giải, ông có nhận ra rằng ở vào thời điểm hiện tại, văn học Quảng Ninh có vẻ hơi trầm lắng, chưa bắt nhịp được với sự phát triển chung của xã hội?
+ Ở một môi trường văn nghệ sa sút, những cây bút trẻ bế tắc là lẽ đương nhiên. Những tác phẩm viết ra gửi đi không có hồi âm trong khi những cuốn sách được in ra lại là những sản phẩm ở tầm câu lạc bộ hoặc mang hơi hướng báo tường. Chúng ta phải thừa nhận, đội ngũ sáng tác văn học tỉnh nhà hiện nay đa phần ở lớp già đã nghỉ hưu có điều kiện, có thời gian rảnh rỗi mới quay ra viết văn. Còn lớp trẻ thì lại có tư duy khác, họ được đào tạo bài bản, với xu thế thời đại họ phải viết khác, phải đổi mới.
- Nghĩa là triển vọng của văn xuôi Quảng Ninh thế nào thì phải trông cậy vào thế hệ trẻ. Nhưng có vẻ khoảng cách thế hệ giữa những cây bút trẻ và thế hệ các ông đang nới rộng. Ông có nghĩ vậy không?
+ Cũng chưa hẳn là thế xét trên phương diện người cầm bút. Họ có thể không còn ở lại vùng đất Quảng Ninh nhưng trong sáng tác, trong sinh hoạt, trong tư tưởng họ vẫn hướng về nơi họ sinh ra, nơi họ có những dấu ấn cuộc đời. Điều quan trọng là những người làm văn học nghệ thuật có nhận ra những giá trị lâu dài của văn học, lôi cuốn, khích lệ được họ, để họ có được những tác phẩm hay hay không. Mục tiêu chính của Hội Văn học nghệ thuật là sáng tác ra các tác phẩm có giá trị lâu bền, chứ không phải chỉ đơn thuần là làm phong trào thông tin tuyên truyền. Nhiệm vụ thông tin tuyên truyền là chức năng của truyền thông và văn hóa. Nhiều lúc chúng ta nhầm lẫn về điều này nên chỉ chú trọng đến phong trào mà không coi trọng đội ngũ sáng tác trẻ. Nếu người làm lãnh đạo văn nghệ biết dùng người, hiểu được tiêu chí, hiểu được giá trị đích thực của văn học nghệ thuật thì lẽ ra phải giữ và khuyến khích họ, tạo mọi điều kiện cho các tác giả trẻ. Nhưng thật đáng tiếc, tôi phải nói ra sự thực này để minh chứng rằng, lực lượng sáng tác trẻ của chúng ta đã lần lượt bỏ chúng ta mà đi hoặc muốn về với chúng ta mà không được.
- Vậy theo ông, muốn có tác phẩm hay chúng ta phải làm gì?
+ Muốn có những tác phẩm hay trong tương lai, lực lượng sáng tác trẻ hôm nay rất cần được đào tạo bài bản; trên cơ sở đó tinh lọc, tuyển lựa những cây bút có năng lực để bồi dưỡng phát triển làm cơ sở cho mai sau... Muốn có một đội ngũ văn nghệ sĩ mạnh thì trước tiên phải có người biết lãnh đạo văn nghệ. Muốn có được đội ngũ văn nghệ sĩ mạnh có nghề, có nhiệt huyết nó liên quan nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quan trọng nhất trước hết là người làm lãnh đạo văn nghệ phải biết chăm lo, nuôi và ươm trồng cho đội quân của mình tha thiết với nghề. Chúng ta không thể để tình trạng người lãnh đạo văn nghệ mà không hiểu, hoặc không chịu hiểu về văn nghệ, khiến cho những tác giả trẻ có nhiệt huyết, có nghề thực sự ngao ngán, "dở khóc dở cười". Đến hôm nay, chuyện văn nghệ của tỉnh ta đã quá rõ ràng. Từ lãnh đạo đến tất cả các văn nghệ sĩ ai cũng đã dễ dàng nhận ra điều này, đặc biệt là những văn nghệ sĩ chân chính, nhiệt huyết với nghề, họ cũng đã nhiều lần bức xúc lên tiếng và đôi khi bất lực buông xuôi. Vì sao vậy? Rất đơn giản vì chúng ta không nhìn ra giá trị đích thực của đội ngũ những người cầm bút trẻ.
- Bên trên, ông vừa nói đến vấn đề đề tài người lính và chiến tranh cách mạng. Có vẻ như ở Quảng Ninh các nhà văn như ông quan tâm đến đề tài này nhiều hơn là đề tài thợ mỏ và công nghiệp khai thác than?
+ Tôi phải thẳng thắn mà nói rằng cái kiểu nhân vật anh hùng thợ mỏ ngành Than xưa kia giờ đã chỉ là vang bóng. Bây giờ công nghệ kỹ thuật phát triển đời sống lao động đời sống xã hội đã khác xưa rất nhiều rồi. Và người công nhân cũng khác. Người công nhân mỏ hiện nay không còn phải là kiểu lao động thủ công với nhiệt tình cách mạng như thời Võ Huy Tâm nữa. Vậy nên viết về họ phải viết khác đi.
Mà hơn nữa, ở Quảng Ninh hiện nay có rất nhiều ngành nghề, nhiều đề tài khác chứ không cứ gì viết về than về người thợ mỏ mới là viết. Than và công nhân mỏ đều rất đáng trọng vì là nền tảng của Vùng mỏ nhưng không thể chỉ bám vào đấy mà viết. Mục tiêu viết lách bây giờ cũng đã khác rồi. Bây giờ, giới trẻ cầm bút mà chỉ viết về than thôi thì quả thật rất khó. Mà tôi nghĩ viết văn không nên quá gò bó vào vấn đề đề tài. Quảng Ninh chúng ta có rất nhiều đề tài khác hấp dẫn như an ninh biên giới biển đảo, các vấn đề xã hội, về xây dựng đô thị v.v.. Tất cả đều hấp dẫn và đầy phong phú.
- Nghe nói ông đang ấp ủ một công trình mới?
+ Thú thực, bản thân tôi hơn chục năm nay không động bút. Bây giờ, tôi mới viết lại và đã viết được một nửa cuốn tiểu thuyết mới viết về biển đảo. Bên trên nói về đề tài thì biển đảo rất cần thiết vì nó liên quan đến đời sống của chúng ta trực tiếp về mọi mặt. Nói là biển đảo thôi nhưng có cả an ninh quốc phòng, kinh tế chính trị xã hội nói chung là mọi mặt đều ở đấy.
Trong tiểu thuyết đang viết, tôi khai thác câu chuyện huyền thoại về những làng chài về ngọn đèn biển, những câu ca dao dân ca, hát chèo đường, hát chầu văn xưa cũ, rồi xây dựng hình tượng một ông già ngư dân cả đời bám trụ canh giữ ngọn hải đăng. Có bối cảnh làng chài bám biển ngư dân bám biển. Đại loại là bối cảnh của biển đảo biên giới xa xôi.
Cuộc đời tôi luôn gắn liền với biển. Quê tôi có biển Vô Cực (Cồn Đen ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình - PV), nơi tôi đang sống có cả một vùng biển Đông Bắc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, biển đã chứng kiến hết “Con mắt của biển” nhìn thấu mọi nỗi niềm. Từ các sự kiện ra đi di tản của những giáo dân 1954, đến những đợt dân vượt biên đi tìm miền đất hứa, đến sự kiện người Hoa về nước, tất cả đều sáng rõ trong con mắt của biển. Ở biển có cả lòng hận thù và sự trả giá. Có cả tình yêu, và sự khát khao kiếm tìm tự do hạnh phúc. Ngọn hải đăng trên biển là biểu tượng là linh hồn của biển đã làm nên hồn cốt trong tác phẩm mà tôi đang tiếp tục khai thác.
Chả biết sao nữa cứ như định mệnh xếp đặt, bao năm thư thả không viết, giờ bận tối mắt tối mũi với bao công việc lại lao vào viết tiểu thuyêt. Ban đầu, tôi dự tính sẽ hoàn thành trong hai năm nhưng khi lao vào viết mới chỉ ba tháng. Tốc độ bất ngờ. Đến nay, tôi đã viết được hơn 200 trang in tức gần một nửa trong tổng số 500 trang. Tôi chỉ có thể bật mí sớm như thế. Tất nhiên, tôi cũng khó hứa hẹn trước được điều gì.
- Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này! Chúc ông một mùa xuân mới với nhiều cảm xúc sáng tạo mới!
Phạm Học (Thực hiện)
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp tài năng trẻ trong lĩnh vực văn học
- Tổng kết trại sáng tác văn học công nhân mỏ
- 'Thời xa vắng' của Lê Lựu - bước ngoặt văn học thời Đổi mới
- Tọa đàm văn học công nhân mỏ
- Tổng thống Pháp chúc mừng tác giả Nobel Văn học 2022: Tiếng nói của cô ấy là tiếng nói của tự do phụ nữ
Liên kết website
Ý kiến ()