Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:26 (GMT +7)
Gỡ “nút thắt” tăng trưởng kinh tế năm 2022
Thứ 5, 07/04/2022 | 08:15:47 [GMT +7] A A
Kết thúc năm 2021, đánh dấu giai đoạn 6 năm liên tiếp Quảng Ninh đạt tăng trưởng 2 con số, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất. Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này, cần phải có sự nỗ lực ngay từ đầu với những quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh. Trong đó, những giải pháp cụ thể để gỡ các “nút thắt” là rất cần thiết.
Quảng Ninh bước vào triển khai nhiệm vụ năm 2022 trong điều kiện có nhiều thuận lợi, đan xen những khó khăn. Dù tỉnh đã thực hiện thành công mục tiêu kép trong năm 2021, nhưng đang phải đối diện với thách thức khi đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc mới tăng nhanh sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, ảnh hưởng nghiêm trọng mọi mặt của đời sống KT-XH. Bên cạnh đó, những khó khăn về thị trường tiêu thụ, XNK hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao, đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo tổng hợp từ Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh trong quý I tăng 8,01%, thấp hơn 1,25% so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2021, thấp hơn 1,7% so với kịch bản quý I và đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng được kỳ vọng là động lực lôi kéo tăng trưởng lại đạt rất thấp, chỉ tăng 7,91%, thấp hơn 2,59% so với cùng kỳ, do ngành chế biến chế tạo chỉ tăng 9,54%, thấp hơn 34,1% so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2021, thấp hơn 16,06% so với kịch bản tăng trưởng.
Nguyên nhân được xác định là do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống sinh hoạt của người dân, làm thiếu hụt lao động tạm thời, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Các hoạt động XNK hàng hóa tại các cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khăn do chính sách biên mậu phía Trung Quốc không ổn định, số ngày mở cửa thông quan không được liên tục. Một số chuỗi cung ứng quốc tế bị đứt gãy; giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư còn nhiều lúng túng, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, khiến hiệu quả đầu tư chưa cao; tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ở cả cấp tỉnh và cấp huyện chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, phân bổ một số nguồn vốn không đạt tiến độ đề ra; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực nhất là đất đai, xây dựng ở một số địa phương chưa hiệu quả; ngành chế biến, chế tạo được coi là “bệ đỡ” của nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn thì có 4/6 dự án ước bổ sung năng lực tăng thêm trong quý I chưa đi vào hoạt động; dư địa tăng trưởng còn rất lớn, song tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực dịch vụ đều không đạt kịch bản đề ra.
Áp lực tăng trưởng năm 2022 đối với nền kinh tế của Quảng Ninh vẫn đang hiện hữu trong vô vàn khó khăn, điều này đã buộc Quảng Ninh phải có một cái nhìn toàn diện và định hướng rõ nét, đặc biệt là việc tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt bằng việc tiếp tục giữ vững thành quả phòng chống dịch, thực hiện có hiệu quả Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Điều này sẽ tạo điều kiện chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động, để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động, nhằm thu hút lao động về địa bàn, tăng cường nhân lực cho phục hồi hoạt động sản xuất, tăng năng suất lao động.
Song song với đó, cần tập trung rà soát, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng GRDP để phù hợp với tình hình thực tế; khắc phục tình trạng ùn ứ hàng hóa thông qua việc đẩy mạnh hội đàm với các địa phương phía Trung Quốc trong việc tạo điều kiện thông quan hàng hóa XNK. Đặc biệt, cần thống nhất biện pháp giao nhận hàng hóa, các điều kiện, quy trình, tiêu chuẩn phòng, chống dịch tại các khu vực cửa khẩu, lối mở, xây dựng “vùng xanh”, “luồng xanh” an toàn cho hoạt động XNK.
Các đơn vị, địa phương cần có sự đoàn kết, thống nhất, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc nâng cao năng lực, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, gắn với nâng cao chất lượng công trình, dự án, nhất là các dự án mang tính chất động lực, tiêu điểm. Kiên trì giữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế thông qua việc đẩy nhanh tiến độ, bổ sung năng lực tăng thêm của các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời, tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất để ngành than, điện tăng cường các nguồn lực cho đầu tư, phát triển hợp lý, bền vững, tăng tối đa sản lượng.
Riêng đối với ngành dịch vụ - du lịch đang trong quá trình phục hồi, cần tiếp tục chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước; triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu, tổ chức có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động, sự kiện có sức lan tỏa như Carnaval Hạ Long, lễ hội áo dài gắn với sự kiện SEA Games 31. Đồng thời, cần tạo điều kiện thông thoáng nhất về thủ tục hành chính, thủ tục liên quan đến phòng, chống dịch tại các điểm đến.
Mục tiêu tăng trưởng GRDP quý II/2022 của Quảng Ninh là 12,5% và trên 10% cả năm để là năm thứ 7 liên tiếp tỉnh đạt tăng trưởng 2 con số. Hy vọng với những nỗ lực, quyết tâm cao, nhận diện rõ nét bối cảnh tình hình và những giải pháp hợp lý, Quảng Ninh sẽ sớm đạt được kế hoạch, mục tiêu, là một trong những điển hình về phát triển của cả nước dù trong bất cứ hoàn cảnh, khó khăn nào.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()