Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:32 (GMT +7)
Gỡ khó về đích nông thôn mới Bình Liêu
Chủ nhật, 13/11/2022 | 12:31:49 [GMT +7] A A
Về Bình Liêu dịp cuối năm này đâu đâu cũng rộn ràng không khí lễ hội của mùa vàng với lúa chín khắp các sườn đồi, thung lũng. Và trong nhịp sống ấy còn là sự chuyển động mạnh mẽ về ý thức của người dân, sự nhộn nhịp của những công trình đang khẩn trương, gấp rút thi công trong nỗ lực về đích nông thôn mới của huyện trong năm nay.
Bình Liêu nằm trong nhóm 4 địa phương cuối cùng của tỉnh đang về đích nông thôn mới năm nay và là đơn vị được xem là có nhiều khó khăn, nhất là với các chỉ tiêu, tiêu chí về cơ sở hạ tầng, môi trường và giảm nghèo. Vì vậy, huyện liên tục phát động những chiến dịch cao điểm thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí khó kể trên để tăng tốc mục tiêu về đích nông thôn mới.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng
Đối với tiêu chí về hạ tầng, huyện triển khai trên 30 công trình năm nay, trong đó có 3 nhóm dự án trọng điểm (đường, trường học và 13 đường tràn, cống hộp vượt lũ) và nhóm 18 dự án nông thôn mới. Các công trình này kéo theo tổng diện tích cần bồi thường, giải phóng mặt bằng trên 70ha, ảnh hưởng đến hơn 550 tổ chức, hộ gia đình. Trong đó có những công trình do tính chất mùa vụ và cấp bách cần phải có mặt bằng ngay để thi công, là áp lực không nhỏ đối với địa phương.
Quyết tâm khắc phục khó khăn này, từ cuối tháng 6, Bình Liêu đã phát động chiến dịch 45 ngày đêm hoàn thành cơ bản đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án, công trình năm 2022 trên địa bàn huyện. Nhờ sự vào cuộc một cách tổng lực, bài bản, có phân công, phân nhiệm rõ ràng, có kiểm đếm công việc và tiến độ, đặc biệt công tác tuyên truyền được làm sâu rộng đã tác động rõ nét đến nhận thức và hành động trong công tác phối hợp đền bù, giải phóng mặt bằng của người dân trên địa bàn.
Chúng tôi đến gia đình ông Giáp Hải Triều, hộ nằm ven tuyến đường lớn của huyện, nằm trong Dự án cải tạo, mở rộng vỉa hè tuyến đường qua thôn Bản Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu. Gia đình ông đã hiến trên 60m2 đất ở cùng công trình cổng, hàng rào, cây xanh để thi công vỉa hè với tổng giá trị gần 150 triệu đồng.
Ông Triều chia sẻ: Lần đầu tiên ở đây có phong trào hiến đất để làm vỉa hè nên lúc đầu cũng có ý kiến phản đối, nhưng tôi vận động con cái để hiến đất cho chính quyền, vì nghĩ cho con cháu sau này có vỉa hè thì việc đảm bảo an toàn giao thông tốt hơn, nhiều người khác cũng được hưởng lợi...
Gia đình ông Triều chỉ là một trong số hàng chục hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án kể trên và nhiều dự án khác trên địa bàn đồng ý hiến đất, công trình phục vụ cho thi công những công trình chung của địa phương. Theo báo cáo của huyện, tính đến hết tháng 10 vừa qua, tổng giá trị đất, công trình người dân hiến là gần 1,9 tỷ đồng, trong đó giá trị đất là 550 triệu đồng, giá trị cây cối, hoa màu, tường rào, sân vườn, cổng, bể nước, công trình phụ là trên 1,4 tỷ đồng.
Những con số này so với nhiều địa phương khác là không lớn, nhưng với Bình Liêu là cả một sự chuyển đổi lớn về nhận thức khi mà việc vận động người dân bàn giao sớm, bàn giao trước mặt bằng hoặc hiến đất, hiến công trình trên đất phục vụ thi công trước nay vốn chưa có tiền lệ ở đây. Cũng nhờ vậy, chiến dịch 45 ngày đêm hoàn thành cơ bản đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án, công trình năm 2022 cho kết quả tương đối khả quan. Tính đến thời điểm này, khối lượng đền bù, giải phóng mặt bằng đã đạt 70%, trong đó 100% các công trình, dự án trọng điểm đều được bàn giao sớm, bàn giao trước mặt bằng, góp phần thúc đẩy tiến độ thi công trên địa bàn. Toàn huyện hiện có 29 công trình đã và đang thi công, trong đó 2 công trình đã hoàn thành, 7 công trình đã đạt 80% khối lượng thi công, 6 công trình đạt trên 50% khối lượng…
Có mặt tại công trường thi công Trường THPT Bình Liêu và đường tràn cống hộp vượt lũ sang thôn Bản Chuồng (xã Lục Hồn), nằm trong số công trình trọng điểm của huyện, chúng tôi nhận thấy, mặc dù là vào ngày nghỉ cuối tuần nhưng tiến độ thi công vẫn rất khẩn trương với số lượng xe, máy, nhân công tấp nập. Khó khăn nhất với các đơn vị thi công là thời tiết, nhất là mưa lớn sẽ khiến công việc phải ngưng trệ. Vì vậy, dịp cuối năm khô ráo, ít mưa là thời điểm lý tưởng để họ đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Đình Phát, cán bộ Công ty TNHH MTV Hợp Tiến, hiện đang thi công công trình đường tràn cống hộp vượt lũ sang Bản Chuồng cho hay, do công trình làm trên dòng sông chính, cứ mưa là ngập lại phải dừng nghỉ vài ngày nên cũng ảnh hưởng tới tiến độ. Hiện đơn vị đang tập trung 3 máy xúc, 20 nhân lực, 2 ô tô để thi công 2 ca trong ngày, dự kiến trước 31/12 tới sẽ thông tuyến…
Huy động sức mạnh toàn dân thực hiện tiêu chí môi trường
Huyện Bình Liêu phát động tháng cao điểm tập trung hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu về môi trường, an toàn thực phẩm và chất lượng môi trường sống từ tháng 9 - 12/2022. Mục tiêu tập trung vào việc phân loại, thu gom rác thải tại nhà, trên đồng ruộng, trồng cây xanh, đảm bảo chất lượng nguồn nước, ăn ở hợp vệ sinh…
Các nội dung này đa phần đều do người dân thực hiện, trong khi điều kiện cũng như nếp sống, ý thức tham gia của bà con ở Bình Liêu, nơi có đông bà con dân tộc thiểu số, còn không ít hạn chế. Vì vậy, huyện Bình Liêu đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó khối mặt trận tổ quốc và các đoàn thể phát huy vai trò huy động sức mạnh toàn dân, qua đó ngày càng có sức lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng. Các phong trào, mô hình: "Ngày chủ nhật xanh", "5 không 3 sạch", "biến rác thành tiền", chi hội "sống xanh, sạch nhà – sạch bếp – sạch đồng ruộng", thùng chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật, hố ủ phân hữu cơ… được triển khai khá sôi nổi. Riêng trong tháng 10 vừa qua, đã có gần 2.000 người dân tham gia quét dọn, trồng hoa, cây cảnh, vẽ tranh tường làm đẹp đường làng ngõ xóm các vùng nông thôn mới. Việc phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nhà đã được các hộ dân thực hiện khá tích cực.
Bà Lý Thị Phương, thôn Bản Pạt, xã Lục Hồn, chia sẻ giản dị: Việc thu gom, phân loại rác do Hội Phụ nữ xã triển khai. Rác sinh hoạt chúng tôi cho vào thùng rác để xe chở rác lấy đi cho sạch nhà, sạch cộng đồng. Còn lon bia, nước ngọt, chai nước thì gom lại để bán, tiền đấy giúp đỡ trẻ em khuyết tật, khó khăn.
Đặc biệt, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh là một nội dung cứng trong tiêu chí về môi trường, nhưng với Bình Liêu có nhiều cái khó, nhất là về nhận thức của bà con. Chia sẻ với chúng tôi, chị cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cho hay, nhiều gia đình xây nhà mới to đẹp nhưng vẫn không chú trọng xây nhà vệ sinh. Có nhà không có nhà vệ sinh riêng hoặc xây cách xa nhà, vì vậy, người già ban đêm phải ra ngoài có nhiều nguy cơ về sức khoẻ, bất tiện...
Qua rà soát từ đầu năm nay, toàn huyện có trên 1.226 hộ dân cần xây dựng lại, xây dựng mới nhà vệ sinh. Từ nguồn kinh phí xã hội hoá, huyện đã hỗ trợ từ 4 - 6 triệu đồng/công trình cho các hộ dân. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các hội, đoàn thể, đặc biệt là lực lượng thanh niên trong việc vận chuyển nguyên vật liệu và giúp về ngày công. Tính đến hết tháng 10 vừa qua, gần 900 nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn đã được xây dựng, trong đó gần 600 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đa dạng hoá sinh kế cho người dân
Nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những tiêu chí quan trọng và cốt lõi nhất trong xây dựng NTM. Vì vậy, 10 tháng qua, huyện đã xây dựng điểm nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, đa dạng hoá sinh kế cho người dân. Cụ thể, mở 8 lớp nghề cho 160 lao động nông thôn, kết nối cho gần 700 lao động tiếp cận cơ hội làm việc tại ngành than và nhiều doanh nghiệp khác, trong đó có trên 100 lao động làm việc tại Công ty TNHH may mặc Hoa Lợi Đạt (TP Cẩm Phả). Kết nối cho 819 hộ dân vay 57,4 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Sản xuất nông, lâm nghiệp có bước phát triển.
Hiện toàn huyện đã hoàn thành gieo trồng lúa màu trên 4.000ha, tăng 105ha so với năm 2021, tích cực bảo vệ và phát triển đàn gia súc gia cầm. 10 tháng qua, người dân Bình Liêu khai thác trên 27.600m3 gỗ rừng trồng, 600 tấn nhựa thông, 850 tấn hoa hồi khô, 300 tấn vỏ quế khô… tạo nguồn thu nhập rất đáng kể cho người dân.
Cùng với phát triển sản xuất, thời gian qua, Bình Liêu chú trọng hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở cho người dân, giải quyết một tiêu chí quan trọng về giảm nghèo trên địa bàn. Theo rà soát ban đầu, toàn huyện Bình Liêu có 223 công trình nhà ở cần xây, sửa lại, trong đó 40 nhà do gia đình tự xây, 183 nhà cần hỗ trợ, mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/nhà.
Ông Sằn A Làm là một trong 4 hộ của thôn Pò Đán, xã Húc Động được hỗ trợ xây nhà năm nay, phấn khởi chia sẻ: Nhà của chúng tôi xây xong rồi, có nhà vệ sinh ngay trong nhà, tiện cho vợ chồng già chúng tôi. Nhà này do con trai tôi xây cho cộng với sự hỗ trợ của chính quyền là 56 triệu đồng, chứ tự chúng tôi thì không làm được đâu…
Gia đình ông nằm trong số gần 160 nhà đã được khởi công thời gian qua, đến nay 130 công trình nhà ở đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Được sống trong những ngôi nhà mới khang trang, bền vững là động lực quan trọng để thúc đẩy người dân vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo, cận nghèo. Tổng số hộ nghèo, cận nghèo toàn huyện hiện nay còn 116 hộ, chiếm 1,51%. Số hộ dự kiến thoát nghèo, cận nghèo tuyệt đối đến nay là 1.398 hộ, cần phải tiếp tục giảm khoảng 22 hộ nghèo, cận nghèo để đạt tiêu chí...
Có thể thấy, Bình Liêu đã và đang có những hành động trúng, đúng vào điểm thiếu, yếu và khó nhất của mình để dồn sức cho mục tiêu về đích nông thôn mới của huyện và góp phần đưa tỉnh Quảng Ninh về đích nông thôn mới trong năm nay.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()