Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:54 (GMT +7)
Gỡ khó ở nhóm tàu khai thác cỡ nhỏ
Thứ 2, 13/06/2022 | 08:44:56 [GMT +7] A A
Với ngư trường rộng lớn trên 6.000km2 và hơn 250km chiều dài bờ biển, Quảng Ninh là một trong 4 ngư trường trọng điểm của Việt Nam. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp ở nhóm tàu khai thác cỡ nhỏ, đảm bảo hoàn thành mục tiêu gỡ “thẻ vàng” IUU trong năm nay.
Do các tàu khai thác cỡ nhỏ chiếm số lượng lớn (87,1% tổng số phương tiện), hoạt động chủ yếu ở vùng ven bờ, trong khi số nghề được phép hoạt động khai thác tại khu vực này rất ít; nhiều nghề truyền thống, lâu đời nay đã bị cấm hoạt động theo quy định của Luật Thủy sản 2017.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng tàu khai thác cỡ nhỏ vi phạm IUU, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã tập trung gắn phát triển kinh tế thủy sản với việc chống khai thác, đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường thời lượng, đổi mới phương thức và mở rộng đối tượng tuyên truyền đến các ngư dân, tiểu thương kinh doanh ngư cụ, hộ nuôi trồng thủy sản, khách sạn, nhà hàng và học sinh, sinh viên trên địa bàn nắm được đầy đủ các quy định của Nhà nước về chống khai thác IUU.
Triển khai Kế hoạch chuyển đổi nghề, nâng cấp tàu cá công suất nhỏ hoạt động khu vực ven bờ giai đoạn 2018 -2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ được 162 hộ ngư dân sử dụng lờ dây chuyển đổi nghề với tổng số tiền 5,9 tỷ đồng; 550 tàu cá chuyển đổi phương thức hoạt động sang các nghề phi nông nghiệp; 93 lao động nghề khai thác được hỗ trợ đào tạo, vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và 173 người tự chuyển đổi nghề trên đất liền... Hỗ trợ lãi suất đầu tư theo Quyết định số 4673/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của UBND tỉnh cho 42 tàu, với mức lãi suất 6%/năm. Tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; duy trì sự hiện diện thường xuyên của các lực lượng chức năng tại các khu vực tập trung hoạt động khai thác thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản. Đồng thời, tăng cường rà soát, thống kê, hướng dẫn các địa phương tiếp nhận và tổ chức đăng ký tạm thời cho các phương tiện tàu cá, để có thể cấp giấy phép khai thác thủy sản, chứng nhận an toàn thực phẩm, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý tàu cá.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về chống khai thác IUU đối với nhóm tàu cỡ nhỏ, song do địa bàn địa bàn quản lý rộng, số lượng tàu cá hoạt động ven bờ lớn; ý thức của một bộ phận ngư dân trong thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý khai thác thủy sản còn thấp, nên hiện nay vẫn còn tàu cá hoạt động nghề cấm, nhiều tàu không thực hiện thủ tục xóa đăng ký, một số tàu đóng mới không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý… Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh.
Ông Thiều Văn Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đặc biệt là về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; tăng cường cấp giấy phép khai thác thủy sản, đăng ký tàu cá đối với các tàu đã đăng ký tạm trên địa bàn toàn tỉnh; khẩn trương đầu tư, thiết lập 10 điểm kiểm soát tàu cá tại 9 địa phương theo Quyết định số 1412/QĐ-UBND của UBND tỉnh nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá. Đồng thời, tiếp tục tổ chức điều tra nguồn lợi thủy sản ven bờ và vùng lộng tỉnh Quảng Ninh để có kế hoạch khai thác, bảo vệ hợp lý.
Việc tăng cường triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ và quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu cá, nhất là các tàu khai thác cỡ nhỏ trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ góp phần chấm dứt các hành vi khai thác, đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, đảm bảo duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh thái biển; mà còn đảm bảo lộ trình hoàn thành mục tiêu gỡ “thẻ vàng” IUU trong năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Tôn Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()