Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:14 (GMT +7)
Gỡ khó cho ngành chăn nuôi gia cầm
Thứ 5, 01/06/2023 | 14:21:59 [GMT +7] A A
Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đàn gia cầm của cả nước phát triển khá nhanh, giai đoạn từ năm 2018 đến 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm, hiện tổng đàn có hơn 551 triệu con. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, do nhiều nguyên nhân, năm 2023, ngành chăn nuôi gia cầm đang phải đối mặt với những thách thức và để vượt qua khó khăn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, những năm qua, ngành chăn nuôi gia cầm tăng trưởng tương đối cao nhưng kém bền vững, hiện vẫn còn một số bất cập như: Tỷ suất lợi nhuận trong sản xuất gia cầm giảm dần, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất; dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Các doanh nghiệp lớn mở rộng quy mô chăn nuôi, nhất là các doanh nghiệp FDI dẫn đến tình trạng tổng cung quá lớn so với tổng cầu, khiến giá cả giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi trong nước có nguy cơ phải dừng sản xuất do cạn kiệt nguồn vốn. Sản xuất trong nước gặp khó khăn khi phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm thịt gà nhập khẩu giá rẻ.
Giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi tăng, thị trường bấp bênh, tiêu thụ khó cho nên nhiều địa phương đã phải giảm quy mô chăn nuôi. Người nông dân nuôi quy mô nhỏ ngày càng thất thế, bị loại khỏi “cuộc chơi”. Thực tế, nhiều sản phẩm chăn nuôi gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn được “tuồn” vào nước ta qua đường tiểu ngạch. Cùng với đó là các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, trong đó có gà đẻ loại thải khiến dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát.
Những năm qua, ngành chăn nuôi gia cầm tăng trưởng tương đối cao nhưng kém bền vững.
|
Giám đốc Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ, Phạm Văn Lượng chia sẻ, ngoài chuyện giá bán một con gà thấp hơn giá thành sản xuất, chúng tôi còn phải đối mặt với nhiều vướng mắc. Đơn cử như nguồn vốn phát triển sản xuất, muốn vay vốn thì ngân hàng không cho vay, hoặc cho vay thì lãi suất vẫn cao. Doanh nghiệp còn phải “cõng” thêm nhiều chi phí: phí kiểm dịch, kiểm nghiệm, phí vận chuyển, chế biến.
Tôi thí dụ, vận chuyển một lô hàng khoảng 10 đến 15kg chịu phí kiểm dịch 100 nghìn đồng, trong khi các doanh nghiệp lớn vận chuyển một container, một tàu hàng cũng chỉ chịu mức phí tương đương.
Rồi phí kiểm dịch trong ngày, một con gà nhập về giết mổ mất 200 đồng, một năm mất khoảng 72 nghìn đồng, nếu cộng cả chi phí đầu tư, lãi suất ngân hàng, phí xét nghiệm từ 200 đến 300 nghìn đồng/mẫu liên tục hàng tháng trời… Cho nên doanh nghiệp “sống” được đã là cố gắng lớn.
Để ngành chăn nuôi gia cầm vượt khó, phát triển ổn định thời gian tới, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam và các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét, rà soát lại các chính sách hiện có nhằm hỗ trợ thiết thực, kịp thời và dễ thực thi hơn cho người chăn nuôi và doanh nghiệp: xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ cao hơn cho các doanh nghiệp nông nghiệp, theo đó các doanh nghiệp khu vực sản xuất nông nghiệp được hưởng mức hỗ trợ giảm từ 35 đến 40%, các doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y được giảm từ 45 đến 50% thuế thu nhập doanh nghiệp để có vốn duy trì sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát lại chiến lược phát triển gia cầm trong trung và dài hạn, có định hướng phát triển hài hòa giữa số lượng và chất lượng, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất hơn là tăng quá “nóng” về số lượng; thúc đẩy chăn nuôi gia cầm theo phương thức công nghiệp, áp dụng công nghệ cao tại các trang trại và doanh nghiệp lớn, khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống có cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng; xây dựng ngành hàng gia cầm theo các chuỗi liên kết; hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, các chi phí trong chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công thương cần đẩy mạnh công tác đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm thịt trứng gia cầm chế biến, con giống ngoài thị trường Nhật Bản để có thêm thị trường xuất khẩu.
Các bộ, ngành liên quan phối hợp các hiệp hội ngành hàng xây dựng hàng rào kỹ thuật đủ mạnh đối với thịt nhập khẩu, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các sản phẩm sản xuất trong nước. Các bộ, ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc nhập lậu động vật và sản phẩm từ động vật qua biên giới.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()