Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:17 (GMT +7)
Giúp người hoàn lương hòa nhập cuộc sống
Thứ 3, 24/10/2023 | 07:36:40 [GMT +7] A A
Ngay sau khi Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10/10 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Ninh đã tích cực phối hợp triển khai chương trình nhân văn này. Đây được xem là cánh cửa để mở ra một cuộc đời mới cho những người từng lầm đường lạc lối, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Sau khi hoàn thành án phạt tù trở về, đầu năm 2023, anh Hồ Xuân Hương, thôn Yên Mỹ, xã Lê Lợi, TP Hạ Long đã cải tạo đất, mua giống, trồng cây ăn quả với diện tích 1.000m2. Nhằm phát triển kinh tế, có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, anh Hương muốn tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn quả hiện có. May mắn, anh được xã và Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Anh Hồ Xuân Hương, chia sẻ: Tôi đã từng có thời gian lầm lỗi. Đến nay, tôi đã hoàn thành xong án phạt. Được quan tâm, tạo điều kiện vay vốn tín dụng chính sách, tôi sẽ tiếp tục phát triển vườn cây ăn quả, giải quyết việc làm cho bản thân, làm lại cuộc đời.
Ông Đặng Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, TP Hạ Long, cho biết: Qua rà soát, xã đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ, giải ngân cho 3 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách với tổng số tiền 300 triệu đồng để trồng cây ăn quả, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm. Xã đã tổ chức ký cam kết với các hộ dân, thường xuyên kiểm tra, tăng cường giám sát đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ và lãi đúng hạn.
Để triển khai chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã được Trung ương phân bổ 3,9 tỷ đồng thực hiện giải ngân cho vay. Trên cơ sở đó, ngân hàng đã phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát hộ dân có nhu cầu vay vốn, hướng dẫn hồ sơ kịp thời giải ngân cho vay.
Theo đó, đối tượng được vay vốn là người chấp hàng xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/người/tháng để đào tạo nghề; tối đa 100 triệu đồng/người để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Đối với người chấp hành xong án phạt tù, Ngân hàng sẽ cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng CSXH. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, Ngân hàng CSXH nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp. Lãi suất chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo là 6,6%.
Qua rà soát, tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 2600 người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có 47 người có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Đăng Kiệm, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh, cho biết: Quyết định 22/2023/QĐ-TTg là chính sách hỗ trợ đầu tiên cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận với vốn vay ưu đãi để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Chính sách này cũng nâng cao trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội, địa phương và các lực lượng cùng vào cuộc quan tâm, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng. Do đó, thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục tích cực phối hợp rà soát, hoàn thiện hồ sơ, giải ngân kịp thời, tạo điều kiện tối đa cho người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Đối với người chấp hành xong án phạt phải đối mặt với nhiều rào cản cùng những khó khăn, mặc cảm, tự ti về quá khứ, nhất là những khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, nguồn vốn tín dụng này sẽ là động lực quan trọng tạo việc làm, giúp họ hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống, mở ra tương lai mới.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()