Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 14/01/2025 17:42 (GMT +7)
Giúp học sinh hiểu tốt về lịch sử địa phương
Chủ nhật, 13/11/2022 | 15:34:28 [GMT +7] A A
Việc hiểu được lịch sử địa phương nơi mình đang sinh sống sẽ rất thiết thực đối với học sinh, giúp cho các em thấy yêu quê hương hơn và tự hào hơn về mảnh đất mình đang sinh sống, nơi cha mẹ, ông bà mình đã lập nghiệp.
Từ năm học 2022-2023, UBND huyện Tiên Yên đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan triển khai tuyên truyền các cuốn tài liệu giáo dục truyền thống và lịch sử huyện. Nội dung là những kiến thức lịch sử, văn hóa địa phương bám sát chương trình lịch sử dân tộc, phù hợp với nhận thức của từng đối tượng học sinh, nhằm giúp các em hiểu rõ về lịch sử mảnh đất, con người của quê hương, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu quê hương, đất nước.
Đến nay, việc đưa lịch sử Đảng bộ huyện vào giáo dục tại các trường trên địa bàn Tiên Yên đã được các em đón nhận một cách tích cực.
Em Đinh Công Sơn, học sinh lớp 8A, Trường THCS Tiên Lãng, bày tỏ: Qua các giờ học về lịch sử địa phương, cháu thấy rất tự hào về quê hương Tiên Yên mình. Trước đây, chúng cháu học về chiến thắng rất vĩ đại của quân dân ta ở trận Điện Biên Phủ, ở nơi đâu đó rất xa Tiên Yên. Vậy mà bây giờ quê hương cháu có Điền Xá còn là nơi diễn ra trận đánh lịch sử trên đường số 4, còn gọi là “con đường lửa”, khiến thực dân Pháp phải kinh hoàng và là niềm tự hào về tinh thần đấu tranh anh dũng của quân dân các dân tộc vùng Đông Bắc. Trận chiến thắng lịch sử Điền Xá trên đường số 4 (ngày 4/3/1949) khiến chúng cháu rất tự hào về quê hương mình.
Cô Nguyễn Thu Hường, giáo viên môn lịch sử Trường THCS Tiên Lãng, cho hay: Việc đưa những câu chuyện lịch sử gần gũi của địa phương hay những tấm gương anh hùng dân tộc của quê hương trong những bài giảng lại khiến các em học sinh trở nên thích thú và say mê hơn với môn học này. Các em lại nhớ bài học hơn vì các địa danh ở ngay quê mình, nói ra là các em biết.
Ở Trường THCS Cẩm Bình (TP Cẩm Phả), nhiều giáo viên cũng đã tranh thủ được sự vào cuộc của các phụ huynh mà tổ chức các buổi học ngoại khóa tìm hiểu các địa danh lịch sử của TP Cẩm Phả. Chương trình được thực hiện từ sự vận động xã hội hóa, đóng góp hoàn toàn tự nguyện của các phụ huynh. Để buổi học ngoại khóa thành công, cha mẹ học sinh đã vào cuộc nhiệt tình, người làm nghề lái xe chở khách thì hỗ trợ chuyến xe miễn phí, người có quan hệ với các đơn vị làm dịch vụ thì vận động các cơ sở đó giảm giá dịch vụ ăn uống nơi đoàn dừng chân. Ngay cả người dẫn chương trình cũng là phụ huynh học sinh, là người nắm được lịch sử các địa danh di tích ở Vùng mỏ Cẩm Phả.
Địa điểm đến của các học sinh là Quảng trường 12-11, khu di tích lịch sử Vũng Đục và đền Cửa Ông. Duy Hiếu, học sinh Trường THCS Cẩm Bình, cho biết: Cháu đã đến Quảng trường 12-11 nhiều lần, nhưng trước đó cháu chỉ nghĩ rằng, đây là nơi hàng ngày có nhiều người đến tập thể dục, ngày nay là một điểm của phố đi bộ. Qua buổi học ngoại khóa, cháu được biết rằng, nơi đây và các khu phố lân cận đã từng diễn ra cuộc tổng bãi công của hàng vạn thợ mỏ. Đó là cuộc đấu tranh lớn của công nhân mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng, đòi xóa bỏ áp bức xích xiềng của chế độ thực dân với người công nhân lao động.
Nhiều bạn bật cười khi đã có lần nhầm lẫn giữa Trần Quốc Tảng và Trần Quốc Toản là 2 danh tướng đời Trần, cùng góp công trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2, thế kỷ XIII. Bây giờ các bạn đã hiểu ra, người được thờ trong đền Cửa Ông là Trần Quốc Tảng chứ không phải Trần Quốc Toản. Một điểm dừng chân nữa của các bạn là Di tích lịch sử Vũng Đục - nơi thực dân Pháp đã dìm chết hàng trăm chiến sĩ cách mạng của ta năm 1949, nhưng chúng không dìm nổi tinh thần yêu nước của họ. Bạn Hoàng Linh, có mặt thực tế trong chuyến đi bảo rằng: Cháu không ngờ ở Cẩm Phả thôi mà lại có nhiều điều cháu chưa biết. Qua buổi học ngoại khóa, cháu thấy tự hào hơn về quê hương Cẩm Phả.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()