Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:38 (GMT +7)
Giường điều trị phải đủ máy móc, thuốc men, nhân lực
Thứ 4, 11/08/2021 | 22:18:14 [GMT +7] A A
Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021, chiều 11/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ nhận định, tình hình dịch bệnh đã và đang diễn biến rất phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía nam.
Theo số liệu của Bộ Y tế, đã có hơn 4.000 người tử vong, riêng TPHCM hơn 3.000 người. Mặc dù TPHCM đã rất nỗ lực và sáng tạo trong những ngày vừa rồi nhưng vẫn còn hiện tượng quá tải các tầng điều trị và còn tiếp tục có ca tử vong. Qua thông tin, phân tích của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong những đợt dịch trước, các ca tử vong thường ở tầng 5, phần nhỏ ở tầng 4; nhưng lần này, đã có 27% số ca tử vong ở tầng 3, tầng 5 có 24%, tầng 4 với 48%, đặc biệt đã có một vài ca tử vong ngay ở tầng 2.
“Điều đó cho thấy, bệnh nhân chuyển triệu chứng rất nhanh, diễn biến rất nhanh và tử vong rất rất nhanh”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra khu phong toả chợ cá Long Hải (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), sáng 25/7. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Dịch dây dưa do giãn cách chưa nghiêm
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng đề nghị, thứ nhất, tất cả các địa phương tiếp tục phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để phát hiện ngay những người từ nơi khác đến, không được để dịch bệnh âm thầm lan ra khắp cả nước, rất nguy hiểm.
Thứ hai, các địa phương bám sát Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG về đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh để có biện pháp ứng phó với tinh thần “cao hơn, sớm hơn”, đặc biệt thực hiện giãn cách thực chất và nghiêm túc, “ai ở đâu ở đó”. “Chúng ta đều biết nếu thực hiện nghiêm túc giãn cách theo Chỉ thị 16, chỉ sau 2 đến 3 tuần, dịch sẽ giảm hẳn. Nhưng dịch chưa giảm, có nghĩa, thực tế, đâu đó bên dưới vẫn thực hiện chưa nghiêm”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, nếu thực sự giãn cách xã hội theo đúng Chỉ thị 16, trong thời gian đó, các địa phương chỉ cần xét nghiệm tập trung vào số người phải ra khỏi nhà để đi làm, giao hàng, đến bệnh viện...
Còn tại nhà, chúng ta chỉ cần theo dõi sát những người có triệu chứng, những người có bệnh nền. Trong trường hợp cần thực hiện xét nghiệm “cắt lát một thời điểm” để xem xét tình hình dịch trong cộng đồng, chỉ cần lấy mẫu đại diện trong gia đình và lấy mẫu gộp của nhiều nhà để tiết kiệm.
Thứ ba, việc kiểm soát lưu thông hàng hoá phải rất an toàn, nhất là những nơi có dịch, đi qua vùng dịch. Phó Thủ tướng cho biết, quy định kết quả xét nghiệm của lái xe có hiệu lực trong 3 ngày do Bộ Y tế, Bộ GTVT thống nhất ban hành chỉ mang ý nghĩa tương đối. Thực tế, ngay tại TPHCM, đã có những trường hợp lái xe xét nghiệm âm tính vào buổi sáng nhưng đến chiều, kết quả lại dương tính. Điều này về mặt kỹ thuật, khoa học, y tế là hoàn toàn bình thường bởi buổi sáng, nồng độ virus chưa đủ mức để xét nghiệm nhanh phát hiện được.
“Tinh thần chúng ta cố gắng đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, nhưng lúc này ở những nơi gần các vùng dịch phải đặt an toàn lên trên hết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chủ động lựa chọn hình thức cách ly phù hợp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Lãnh đạo địa phương phải nắm sát số giường điều trị có đủ thiết bị, thuốc, oxy y tế (đặc biệt hệ thống oxy tập trung), nhân lực… đi kèm. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Thứ tư, Bộ Y tế đã có hướng dẫn các địa phương có thể cách ly F0, F1 tại nhà nhưng Phó Thủ tướng đề nghị, chỉ cách ly tại nhà nếu có đầy đủ điều kiện cần thiết, không chỉ về chỗ ở mà còn nhiều yếu tố khác. Đối với những nơi còn ít người bị mắc, các địa phương chủ động lựa chọn hình thức cách ly phù hợp, nhưng phải đảm bảo nếu cách ly tại nhà thì không được phép lây ra ngoài; cách ly tập trung đảm bảo là không lây chéo. Ban Chỉ đạo sẽ có văn bản đề nghị các địa phương chủ động thực hiện cách ly.
Thứ năm, các địa phương khi chuẩn bị hệ thống điều trị phải tách riêng F0 không triệu chứng, không được coi là bệnh nhân, chăm lo đầy đủ cả về thể chất và tinh thần để những người này tăng sức đề kháng, không bị chuyển biến thành có triệu chứng, tức là bệnh nhân.
Hiện nay, trung bình 100 ca F0 có khoảng 20 người chuyển thành bệnh nhân, nhưng nếu làm tốt, tỉ lệ này chỉ còn 10 người, thậm chí có những nơi đã triển khai chỉ còn 5 người; còn những nơi làm chưa tốt, chưa chú ý, có thể lên đến 30 người.
Các khu tiếp nhận F0 không triệu chứng cần thoáng mát, có không gian vận động, chỉ cần cách ly họ ra khỏi cộng đồng bên ngoài để không lây ra.
Trong các bệnh viện, cơ sở điều trị, Phó Thủ tướng yêu cầu chỉ thống kê số giường có đủ thiết bị, thuốc, oxy y tế (đặc biệt hệ thống oxy tập trung), nhân lực… Lãnh đạo địa phương phải nắm sát số giường này chứ không phải cứ thấy kê nhiều giường bệnh là yên tâm.
Thực hiện Chỉ thị 16 là vô cùng đúng đắn
Đối với 19 tỉnh, thành phố tỉnh phía nam, vừa qua Phó Thủ tướng và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã kiểm tra, làm việc tại nhiều địa phương. Lãnh đạo các địa phương đều khẳng định, chủ trương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở khu vực phía nam là vô cùng đúng đắn. Vì các địa phương có dịch đã cố gắng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 nhưng người dân vẫn tìm mọi cách trở về quê. Nếu không thực hiện giãn cách toàn vùng thì chỉ trong một thời gian rất ngắn (khoảng 1 đến 2 tuần), tất cả các địa phương sẽ bị nhiễm nặng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Quận Gò Vấp, TPHCM, sáng 27/7. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Đánh giá các địa phương có nhiều nỗ lực, sáng kiến, thực hiện ngày càng làm nghiêm hơn Chỉ thị 16 trong thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng có thể chia 19 tỉnh, thành phố phía nam thành 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất gồm 6 tỉnh Nam sông Hậu và tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Bình Phước, sẽ cố gắng cơ bản khống chế dịch bệnh khi kết thúc thời gian thực hiện Chỉ thị 16; cùng với các tỉnh Bình Thuận, một phần tỉnh Lâm Đồng để hình thành vành đai an toàn vững chắc. Nhóm thứ hai là các địa phương còn lại (trừ TPHCM) để siết dần lại. Cuối cùng là TPHCM, sau một thời gian nữa.
Phó Thủ tướng cho biết, nếu TPHCM được tập trung tiêm vaccine phòng COVID-19 hết cho người dân trong độ tuổi, thì sau khoảng một tháng sẽ bắt đầu có miễn dịch cộng đồng. Lúc đó, bên trong Thành phố sẽ bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới, tương tự như một số nước phát triển đã có miễn dịch cộng đồng, nhưng khác với các khu vực còn lại của đất nước. Bên ngoài khu vực TPHCM là một vành đai kiểm soát chặt chẽ người ra, vào, hạn chế lây nhiễm ra bên ngoài.
Tuy nhiên, trong thời gian chưa đạt miễn dịch cộng đồng, TPHCM phải tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch, tập trung điều trị, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là lưu thông hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ người dân.
Tiếp tục ưu tiên vaccine cho TPHCM
Đối với vaccine phòng COVID-19, Phó Thủ tướng cho biết, trước khi phát biểu, ông nhận được báo cáo của Bộ Y tế cho biết đến nay, chúng ta đã ký mua được lượng vaccine đủ để tiêm đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021.
Nhưng từ nay đến giữa tháng 9/2021, lượng vaccine về rất ít. Dự kiến, tháng 8/2021 có khoảng 3,1 triệu liều vaccine chuyển về Việt Nam. Nếu dành toàn bộ số vaccine này cho TPHCM cũng chưa đủ để tạo miễn dịch cộng đồng Các tỉnh tiếp giáp với TPHCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An đến nay cơ bản cũng đã hết số lượng vaccine được phân bổ. Tinh thần là vaccine về đến đâu sẽ ưu tiên tối đa cho TPHCM.
TPHCM có khoảng 50.000 người giao hàng (shipper) đã vay ngân hàng để mua phương tiện hoạt động và hiện đang rất khó khăn. Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng có phương án giãn, giảm, hoãn trả nợ, lãi suất cho những người đang vay nợ ngân hàng để mưu sinh hàng ngày như các shipper. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Theo Chinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()