4
18
/
1100348
Giữ vững thứ hạng 4 chỉ số hành chính quan trọng
longform
Giữ vững thứ hạng 4 chỉ số hành chính quan trọng

Năm 2021, dù không nằm ngoài vòng xoáy do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng Quảng Ninh hoàn toàn có quyền tự hào khi là điểm sáng của cả nước trong thực hiện “mục tiêu kép”. Và tự hào hơn nữa, khi xuất sắc đoạt vị trí quán quân ở tất cả các bảng xếp hạng chỉ số cải cách quan trọng: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR Index), sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Kết quả này là minh chứng rõ nét cho nỗ lực đổi mới không ngừng trong công tác cải cách hành chính, tư duy đột phá trong quản lý, điều hành của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, qua đó củng cố vững chắc niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh.

Ngày 24/6/2021, tại Hội nghị công bố PAR INDEX năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và SIPAS năm 2020 do Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức, Quảng Ninh đồng thời được vinh danh là quán quân của cả 2 chỉ số này. Trong đó, chỉ số PAR-INDEX đạt 91,04 điểm trên thang điểm 100 (tăng 0,95 điểm so với năm 2019), và là một trong 2 địa phương nằm trong nhóm A (trên 90 điểm). Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh giữ vị trí đứng đầu bảng xếp hạng CCHC với số điểm luôn tăng qua từng năm. Còn ở bảng xếp hạng đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, tỉnh đạt 95,76 điểm % (tăng 0,5 điểm % so với năm 2019), để lần thứ 2 liên tiếp được vinh danh ở vị trí cao nhất bảng xếp hạng SIPAS.

Nổi bật trong điểm số PAR INDEX và SIPAS của Quảng Ninh là các chỉ số thành phần thể hiện sự tích cực có sự cải thiện vượt bậc so với những năm trước. Trong khi đó, các chỉ số thành phần thể hiện hạn chế, khuyết điểm hầu như đều ở mức thấp. Điển hình như trong chỉ số PAR-INDEX, chỉ số thành phần “Tác động của CCHC đến người dân, doanh nghiệp” (90,98 điểm) và chỉ số thành phần Cải cách TTHC (99,98 điểm) của Quảng Ninh đều đứng ở vị trí cao nhất toàn quốc. Các chỉ số thành phần quan trọng khác, như: “Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính”, “Cải cách tài chính công”… cũng vươn lên trong tốp đầu. Còn đối với chỉ số SIPAS, các nội dung đánh giá tích cực, như: tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức; kết quả giải quyết; tiếp nhận, giải quyết góp ý, kiến nghị, kiến nghị… đều đạt điểm số “hài lòng” cao (từ 92,69% đến 98,34%). Trong khi đó, phản ánh cảm nhận “không hài lòng” của người dân, tổ chức về sự phục vụ hành chính, như: Việc phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc; vấn đề bị trễ hẹn; bị phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực... đều giảm và ở mức thấp…

Lãnh đạo tỉnh gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trước đó, đầu tháng 4/2021, Quảng Ninh cũng đã ghi dấu ấn vô cùng đậm nét khi năm thứ 4 liên tiếp được vinh danh ở vị trí quán quân PCI. Vượt qua những dự đoán không mấy khả quan và lo ngại của nhiều chuyên gia, nhà phân tích chiến lược vào năm 2020, khi cho rằng Quảng Ninh đã “chạm ngưỡng” cải cách, không thể dễ dàng ghi thêm điểm trong mắt các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thế nhưng với quyết tâm vượt qua chính mình, tỉnh vẫn cán đích với điểm số 75,09, tăng 1,69 điểm so với năm 2019 và là địa phương duy nhất đạt thang điểm trên 75 trong bảng xếp hạng năm 2020. Đây cũng là điểm số cao nhất từ trước tới nay của Quảng Ninh và cũng là tỉnh ghi dấu ấn 8 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

4 năm liên tiếp dẫn đầu PCI với điểm số đều vượt hơn chính mình qua từng năm chính là lời khẳng định của Quảng Ninh về niềm tin của nhân dân với chính quyền và đặc biệt là sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Điều này cũng phản ánh chính xác, khách quan hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước của Quảng Ninh, nhất là trong bối cảnh khó khăn do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

4 năm liên tiếp Quảng Ninh giữ vị trí quán quân PCI. (Trong ảnh Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận cúp quán quân PCI 2020)

Dày thêm những thành công, tại Lễ công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, Quảng Ninh cũng đã tạo dựng kỷ lục về sự nỗ lực không ngừng khi ghi danh vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PAPI với tổng điểm 48,811, sau hành trình bứt phá ngoạn mục: hạng 62 năm 2016 – hạng 32 năm 2017 – hạng 3 năm 2019 – hạng 1 năm 2020 (năm 2018, Quảng Ninh không được xếp hạng vì không có dữ liệu).

Trong các trục thành phần của PAPI, Quảng Ninh có 7/8 trục nội dung trong nhóm địa phương đạt điểm cao nhất toàn quốc. Trong đó có 3 nội dung tỉnh đạt điểm số dẫn đầu, gồm: “Công khai, minh bạch” (6,5 điểm); “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” (8,29 điểm) và “Cung ứng dịch vụ công” (7,71 điểm). Kết quả này là sự phản ánh thực chất, khách quan nhất cho các giải pháp đồng bộ của tỉnh Quảng Ninh triển khai thời gian qua trong việc xây dựng và nâng cao hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền theo hướng kiến tạo, phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân…

Như vậy, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Quảng Ninh đã thực hiện tốt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 là phấn đấu hàng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính (PAR IINDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực này, vị trí dẫn đầu trong các bảng xếp hạng PCI, PAR-INDEX, SIPAS và PAPI trong nhiều năm liên tục không phải ngẫu nhiên có được trong một sớm một chiều, mà là “trái ngọt” từ gốc rễ đã được Quảng Ninh “gieo trồng” và nỗ lực “chăm sóc, vun đắp” suốt 1 thập kỷ qua.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã khẳng định: Là địa phương đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này cùng lúc xếp hạng nhất ở cả 4 chỉ số đã thể hiện thành quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên trì, quyết liệt của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền tỉnh, sự đồng lòng, nhất quán từ tư duy cho đến hành động. Kết quả đó cũng cho thấy niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân, sự đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp dành cho tỉnh rất lớn lao. Thành quả đó cũng là hiện thực sinh động nhất thể hiện khát vọng không ngừng của Quảng Ninh trong hành trình cải cách, đổi mới.

Đến nay, gần 100% TTHC thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc “4 tại chỗ”; 22 sở, ngành, đơn vị trực thuộc sử dụng con dấu thứ 2 tại trung tâm để giải quyết TTHC theo nguyên tắc “5 tại chỗ”; trên 70% người dân, doanh nghiệp trong tỉnh sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử; 100% TTHC từ cấp tỉnh đến cấp xã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn ISO và được thiết lập vào Hệ thống phần mềm một cửa liên thông để thực hiện, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết TTHC trong phạm vi toàn tỉnh...

Đánh giá về công tác CCHC của tỉnh Quảng Ninh, TS Vũ Tiến Lộc, Nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh: Quảng Ninh luôn được coi là “cái nôi” của công tác cải cách và cũng là nơi gửi gắm niềm tin và khát vọng cho công cuộc CCHC ở các địa phương. Những mô hình cải cách của Quảng Ninh đã và đang tiếp tục mang lại những hiệu quả thực tế, được lan rộng trong cả nước, là hình mẫu cho các địa phương khác học hỏi, tham khảo…

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tận tình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Để có được những thành quả đột phá đó, trong những năm qua, nhiều chủ trương, biện pháp, mô hình, cách làm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC được Quảng Ninh thực hiện thường xuyên, liên tục, quyết liệt với tư duy đổi mới, chủ động, sáng tạo, thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân. Các nghị quyết, chỉ thị về đẩy mạnh CCHC, về nâng cao chất lượng quản trị hành chính công trên địa bàn tỉnh đã được cụ thể hóa bằng các kế hoạch hành động của UBND từ cấp tỉnh tới các địa phương, sở, ngành với các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, các chương trình tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ, ý thức kỷ luật, kỷ cương.

Cùng với đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được thực hiện chủ động, quyết liệt. Nhiều mô hình mới đột phá được mạnh dạn thí điểm đã góp phần xây dựng đội ngũ CBCC có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ. Hiện đại hóa hành chính, ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh đã tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn – nguồn động lực đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển…

Nhờ chặng đường cải cách không ngừng đó, trong điều kiện tình hình kinh tế của cả nước đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh vẫn tăng nhanh và bền vững qua các năm. Trong đó GRDP năm 2021 ước đạt 10,28%, cao hơn 1,07 điểm % so với cùng kỳ, đứng thứ 2 so với các tỉnh, thành phố trong trong cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 51.064 tỷ đồng, bằng 115% dự toán Trung ương giao, bằng 100,1% dự toán năm, bằng 104% cùng kỳ…

Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định: Đổi mới, cải cách là việc làm lâu dài, chỉ có điểm bắt đầu chứ không có điểm kết thúc, và dư địa cải cách của tỉnh còn lớn, không gian cải cách còn rộng mở. Chính vì vậy, sau mỗi kỳ công bố kết quả đánh giá các chỉ số cải cách, tỉnh luôn tổ chức ngay các cuộc họp bàn, hội nghị để phân tích, đánh giá từng chỉ số thành phần và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cho những năm tiếp theo.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI quốc gia nhận định: Góc nhìn khách quan của người dân thể hiện qua các chỉ số thành phần của PAR Index, SIPAS, PAPI hay của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân thể hiện qua chỉ số thành phần của PCI đã cho thấy một vấn đề thực chất đó là Quảng Ninh luôn dám nhìn thẳng vào sự thật, vào những điểm còn hạn chế của mình và kiên quyết khắc phục qua từng năm. Tỉnh cũng đã cho thấy rõ tư duy luôn đổi mới, cầu thị, được thể hiện bằng hành động thực chất và được đánh giá ở góc nhìn khách quan chứ không chỉ là lời nói.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ứng dụng các phần mềm của hệ thống Chính quyền điện tử để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Quyết tâm về một hành trình không có điểm kết thúc của Quảng Ninh, còn được thể hiện hết sức rõ ràng, với một quyết tâm chính trị ở mức cao nhất qua việc là tỉnh đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại đưa các chỉ số cải cách: PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI vào thành một chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, trở thành nội dung có tính chất bắt buộc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hằng năm. Trong đó xác định rõ chỉ tiêu “Hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI”; bám sát tinh thần và triển khai có hiệu quả, thực chất Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1663/QĐ-UBND ngày 26/5/2021 của UBND tỉnh phê duyệt “Đề án đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025”, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện.

Cùng với đó là các mục tiêu cụ thể, như: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, thu hút đầu tư tại tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng sâu sát, cụ thể, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian hoàn thành và rõ hiệu quả”. Quảng Ninh cũng sẽ quyết tâm hoàn thiện Đề án chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thiện hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công các cấp kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với hầu hết các thủ tục hành chính đủ điều kiện...

Quảng Ninh luôn xác định tham gia cuộc đua đánh giá các chỉ số cải cách không chỉ là giành điểm số, vị trí cao mà quan trọng nhất là hướng đến xây dựng hình ảnh địa phương đi đầu đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành, văn hóa thực thi của chính quyền địa phương. Từ đó, đưa những chỉ số của Quảng Ninh không chỉ là thương hiệu ở cấp tỉnh mà ở tầm quốc gia, là động lực vững chắc để tỉnh tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới trên chặng đường phát triển.


Thực hiện: Minh Thu - Minh Hà

Đồ họa: Hùng Sơn