Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:28 (GMT +7)
Quảng Ninh giữ vững mục tiêu tăng trưởng
Thứ 5, 02/01/2025 | 11:37:00 [GMT +7] A A
Nhìn lại năm 2024, Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song bám sát chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương, tỉnh đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Nhiều kết quả quan trọng
Năm 2024, kinh tế của Quảng Ninh tiếp tục duy trì tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,42%, xếp thứ 6 trong Vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 20 các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cùng với đó là an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo với nhiều chính sách đi vào cuộc sống, từng bước nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 hồi đầu tháng 9, gây thiệt hại hơn 28.000 tỷ đồng, tuy nhiên, ngay sau bão tỉnh huy động cả hệ thống chính trị, các LLVT và toàn dân tập trung khắc phục hậu quả. Tỉnh đã rà soát, điều chỉnh và thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024 đảm bảo phù hợp thực tiễn; kịp thời xây dựng, ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả sau bão.
Trong đó, tỉnh hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục năm học 2024-2025; hỗ trợ gia đình có nhà ở bị đổ, sập; hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện thủy bị chìm đắm; nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác. Bố trí 1.180 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách và nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện các chính sách khắc phục sau bão.
Vượt qua thiên tai, năm 2024, kinh tế của Quảng Ninh tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao. Khu vực công nghiệp và xây dựng, trọng tâm là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực, dẫn dắt trong tăng trưởng kinh tế. Khu vực dịch vụ, du lịch đạt nhiều kết quả quan trọng, tổng lượng khách du lịch đạt 19 triệu lượt, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22% so với năm 2023; thu NSNN đạt 55.600 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục được tỉnh ưu tiên với nhiều giải pháp, cách làm tập trung, qua đó đã tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân. Quảng Ninh tiếp tục là điểm đến an toàn, tin cậy của doanh nghiệp. Tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm đạt 2.302 triệu USD.
Song song với phát triển kinh tế, Quảng Ninh luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, tạo bước chuyển biến trong phát triển văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo. Tổng chi an sinh xã hội cả năm đạt 1.897 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, lao động, việc làm, văn hóa, xã hội, thể thao có nhiều tiến bộ. Đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo không ngừng được cải thiện, nâng cao; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Chương trình xây dựng NTM được tập trung triển khai. Điển hình, Bình Liêu là huyện dân tộc miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM, Tiên Yên và Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021-2025. Năm 2024, Quảng Ninh có 91/91 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 54 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Tạo bứt phá trong năm 2025
Năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 12%. Tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh không thấp hơn 57.330 tỷ đồng, trong đó thu XNK đạt 17.800 tỷ đồng, thu nội địa không thấp hơn 39.530 tỷ đồng. Thu hút vốn FDI nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Với chủ đề công tác năm 2025 là “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới” Quảng Ninh sẽ tập trung vào mục tiêu tạo bứt phá trong phát triển kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng bền vững. Cụ thể, tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, chú trọng vào công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành Than. Đồng thời, thu hút vốn FDI vào các KCN, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Dịch vụ tổng hợp hiện đại và du lịch sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, với mục tiêu thu hút 20 triệu lượt khách, trong đó có 4,5 triệu khách quốc tế.
Quảng Ninh sẽ phát triển các ngành kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế biển, đồng thời phục hồi và nâng cao hiệu quả nông nghiệp sau thiên tai, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái và xây dựng NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ nâng cao hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công.
Phát huy hiệu quả trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tỉnh đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng được chú trọng nhằm phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân.
Với đà tăng trưởng như trên, tin tưởng rằng sẽ góp phần để Quảng Ninh hoàn thành toàn diện nhiệm vụ trong hành trình về đích của nhiệm kỳ 2020-2025, tạo nền tảng vững chắc phát triển bền vững của giai đoạn 2025-2030 trong tầm nhìn định hướng đến năm 2050, xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân được hưởng cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc
Hiểu Trân
- Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của Quảng Ninh”
- Hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế di sản tỉnh Quảng Ninh
- Phát triển kinh tế di sản
- Bứt phá trong phát triển kinh tế năm 2025
- Hội thảo khoa học về các giải pháp phát triển kinh tế số Quảng Ninh
Liên kết website
Ý kiến ()