Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:59 (GMT +7)
Giữ vững giá trị thương hiệu DDCI Quảng Ninh
Thứ 5, 20/01/2022 | 22:15:59 [GMT +7] A A
Tại hội nghị công bố kết quả Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương (DDCI 2021) và tọa đàm về xây dựng và phát triển bộ chỉ số DDCI, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã ghi lại nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu. Đặc biệt trong đó nhiều ý kiến đã cho thấy những góc nhìn mới, đem đến sự gợi mở, kinh nghiệm quý cho Quảng Ninh để cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: VCCI lựa chọn Quảng Ninh là địa phương thí điểm trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh
Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên của 63 tỉnh, thành áp dụng bộ chỉ số DDCI để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao nhận thức của đội ngũ CBCC trong hệ thống công quyền. Đặc biệt, tỉnh cũng là địa phương duy nhất trong cả nước giữ vững được vị trí dẫn đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2018 đến nay, đưa tỉnh trở thành “miền đất lành chim đậu”, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tôi rất ấn tượng với việc tỉnh xây dựng hẳn 1 nghị quyết riêng về nội dung này giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, để triển khai thực hiện. Điều này thể hiện quyết tâm cao trong việc xây dựng và thực hiện Bộ chỉ số DDCI của Quảng Ninh.
VCCI đang định hướng lựa chọn Quảng Ninh là địa phương thí điểm xây dựng văn hóa kinh doanh, nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện và thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng trong thời gian tới. Văn hóa kinh doanh là một phạm trù lớn, bao gồm cả văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa tiêu dùng, văn hóa quản lý, quản trị… Như vậy, để xây dựng được văn hóa kinh doanh thì từng địa phương cần xây dựng được cho mình nét văn hóa riêng. Quảng Ninh đang là một tỉnh đi đầu trong những đột phá, đổi mới, sáng tạo và phát triển, vì vậy, tôi tin rằng Quảng Ninh sẽ là một mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của đất nước.
Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn: Chất lượng môi trường kinh doanh quyết định chất lượng doanh nghiệp hoạt động tại địa phương
Qua theo dõi chỉ số đánh giá DDCI Quảng Ninh 2021, tôi rất ấn tượng với các chỉ số tăng trưởng của địa phương trong bối cảnh phải đối mặt với những ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Quảng Ninh đã cho thấy bản lĩnh điều hành, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, địa phương và doanh nghiệp để cùng phát triển. Rất dễ nhận thấy điểm đáng chú ý trong xếp hạng DDCI Quảng Ninh năm nay là sự chênh lệch điểm số giữa đơn vị đứng đầu và đứng cuối không lớn như những năm trước. Đặc biệt, các chỉ số thành phần có xu hướng hội tụ điểm về các mức cao hơn.
Hiện 13/13 địa phương và 21/21 sở, ban, ngành có hoạt động giải quyết TTHC cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được đưa vào đánh giá, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và đồng bộ. Theo khảo sát đã có gần 95% doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá rất cao nỗ lực hỗ trợ của các chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh. Với những thành công đã đạt được, tôi tin tưởng rằng Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa và bền vững hơn nữa.
Tuy nhiên, năm 2022 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, vì vậy Quảng Ninh cần tiếp tục có những hướng đi toàn diện để hoàn thiện, chuẩn hóa bộ chỉ số DDCI và tiếp tục tìm kiếm ý tưởng phát triển mới, hiệu quả hơn.
Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI Phạm Ngọc Thạch: DDCI phải được biến thành hành động
Từ góc độ cơ quan thực hiện, nghiên cứu, đánh giá, công bố bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quốc gia (PCI) và tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh, thành phố vào bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp địa phương (DDCI), chúng tôi đúc rút ra được một số đánh giá, thông tin liên quan đến việc sử dụng để phát huy hiệu quả của DDCI.
Điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy các địa phương phải kiên trì thực hiện mục tiêu, bởi DDCI là chỉ số hướng đến những tác động lâu dài. Những địa phương triển khai DDCI thành công là những nơi kiên trì với mục tiêu đề ra và sử dụng DDCI một cách bài bản, Quảng Ninh là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Cùng với đó, để DDCI trở thành công cụ hữu ích, góp phần vào phát triển của địa phương, về phía cơ quan thực hiện phải chủ động tìm kiếm sự tham vấn của nhiều bên liên quan về phương pháp thực hiện. Để từ đó xây dựng một bộ công cụ, quy trình hoàn chỉnh, khoa học và kết quả đánh giá phải được công khai rộng rãi đến tất cả các bên. Quảng Ninh không được để DDCI chỉ dừng lại ở câu chuyện báo cáo kết quả đơn thuần, mà thông tin trong báo cáo phải biến thành hành động của bộ máy, chính quyền và đặc biệt là phải “thấm” được đến từng CBCC.
Để làm được điều này, các địa phương phải thường xuyên theo dõi, đánh giá, cải thiện các bộ chỉ số trong DDCI. Đồng thời, phải làm sao để DDCI tạo được sự đồng thuận của xã hội, sự ủng hộ của các đơn vị được đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp. Một điểm nữa chúng tôi cho rằng cũng rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay mà các địa phương phải lưu ý, đó là ứng dụng CNTT trong quá trình điều tra, sử dụng các công cụ khảo sát online để có thể truy cập, xử lý dữ liệu nhanh chóng và kiểm soát được chất lượng khảo sát một cách dễ dàng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ DDCI Quảng Ninh Bùi Văn Khắng: Chỉ số DDCI của tỉnh luôn được điều chỉnh, bám sát vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quan tâm
Thực tế suốt 7 năm triển khai DDCI đã cho thấy, đánh giá của doanh nghiệp đối với các khía cạnh khác nhau trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính cụ thể sẽ giúp lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành và chính quyền địa phương tìm ra những dư địa CCHC, giúp doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
So với DDCI của các địa phương khác, chỉ tiêu, chỉ số của DDCI Quảng Ninh liên tục được cập nhật và điều chỉnh để bám sát với những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm. Điều này có thể thấy qua sự thay đổi trong cấu trúc phiếu khảo sát DDCI Quảng Ninh qua các năm. Nếu như giai đoạn 2016-2018, phiếu khảo sát tập trung vào chất lượng của bộ phận một cửa và thủ tục hành chính, thì giai đoạn 2019-2020, vấn đề tiếp cận đất đai và chất lượng cơ sở hạ tầng được đưa vào trở thành một trọng tâm mới. Tương tự, trong những năm trước, cổng thông tin điện tử của các sở, ban, ngành và địa phương là một trong những trọng tâm của khảo sát, thì năm nay nội dung này không còn được đánh giá nữa để nhường không gian cho khảo sát đánh giá những thủ tục hành chính mà các sở, ban, ngành tương tác với doanh nghiệp nhiều nhất.
Có thể nói, chính việc không tránh né những vấn đề nhạy cảm đã giúp cho DDCI Quảng Ninh tiếp tục giành được lòng tin và phản ánh hiệu quả tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp.
Giám đốc VCCI Thanh Hóa Đỗ Đình Hiệu: Cần có mô hình triển khai Bộ chỉ số DDCI thống nhất trong cả nước
Tháng 11/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chính thức giao cho VCCI Thanh Hóa là đơn vị chủ trì thực hiện Đề án đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Đây là một bài toán mới, nhiệm vụ hết sức mới và nhiều thách thức với chúng tôi, bởi đây là năm đầu tiên Thanh Hóa triển khai Bộ chỉ số DDCI. Trong khi đó, Thanh Hóa là một tỉnh rất rộng cả về diện tích và dân số với cấp hành chính có tới 27 huyện, thị và 25 đơn vị sở, ngành. Như vậy là sẽ có 52 đơn vị tham gia đánh giá vào bộ chỉ số DDCI cấp tỉnh hằng năm.
Tuy nhiên, tham dự buổi lễ công bố DDCI 2021 của Quảng Ninh và được lắng nghe lãnh đạo tỉnh chia sẻ về cách làm của địa phương đã giúp chúng tôi có thêm rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn, động lực để triển khai đề án. Trong đó, chúng tôi đánh giá rất cao những cách làm sáng tạo, quyết liệt của Quảng Ninh như: Việc triển khai DDCI luôn nhận được sự quan tâm, đồng thuận từ những lãnh đạo cao nhất của tỉnh. Đồng thời, Quảng Ninh đã nhìn nhận kết quả DDCI như là một kênh hữu ích để thông qua những hành động đánh giá, khích lệ, cũng như nhắc nhở nghiêm túc đối với các cơ quan, đơn vị ở thứ hạng chưa cao.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng vẫn còn có những băn khoăn, đó là nhiều địa phương khác trong cả nước đang giao việc đánh giá DDCI cho VCCI của địa phương chủ trì, hay Hiệp hội Doanh nghiệp thực hiện. Trong khi đó, Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh (IPA Quảng Ninh) cũng là một cơ quan quản lý thì chúng tôi nghĩ rằng IPA Quảng Ninh phải là một đơn vị được đánh giá, chứ không phải là đơn vị tham gia, chủ trì đánh giá. Vì vậy, tôi hi vọng sau hội nghị ngày hôm nay, VCCI Việt Nam cần có định hướng về cách tiếp cận, tổ chức DDCI đối với các địa phương trong cả nước. Làm sao lựa chọn hướng đi phù hợp để các tỉnh, thành có một mô-típ thực hiện giống nhau, từ đó xem như nội dung bắt buộc với các tỉnh, thành và trở thành một công cụ để nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.
Hoàng Nga - Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()