Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:43 (GMT +7)
"Giữ vững địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới để thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng (GRDP) 2 con số và tăng thu ngân sách tương ứng với mục tiêu tăng trưởng"
Thứ 3, 23/02/2021 | 20:17:57 [GMT +7] A A
Ngày 23/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu kết luận cuộc họp. |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung bàn bạc, cho ý kiến về các giải pháp bổ sung, hoàn thành kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2021 và năm 2021.
Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 301/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021, trên cơ sở dữ liệu đánh giá những mặt thuận lợi, những khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh chịu tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021. Quý 1/2021, Quảng Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng (GRDP) tăng 9,2%. Thu NSNN đạt 11.615 tỷ đồng. Cả năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 10,1%. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,3%; dịch vụ tăng 11,5%; thuế sản phẩm tăng 8,9%. Thu ngân sách nhà nước đạt 53.700 tỷ đồng. Tổng khách du lịch ước đạt 10 triệu lượt; Tổng vốn đầu tư xã hội 93.936 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, bổ sung các nhiệm vụ để hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng quý I/2021 và cả năm 2021.
Tại cuộc họp, trên cơ sở nhận diện các dư địa phát triển của Quảng Ninh vẫn còn rất lớn, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các sở, ngành, địa phương thống nhất cao chủ trương không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng (GRDP) và thu ngân sách của cả năm 2021 đã đặt ra mà chỉ điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra. Bởi mặc dù, trong cuối tháng 1 vừa qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận số ca mắc Covid-19 lớn nhất trong cộng đồng từ trước tới nay do biến thể mới của vi rút gây ra với tốc độ lây lan nhanh, nhưng chỉ trong vòng một tuần, tỉnh đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình, chặn đứng đà lây lan của chủng mới vi rút SARS-CoV-2, giảm thiểu các ca nhiễm mới, dập tắt hoàn toàn ổ dịch tại Vân Đồn và khóa chặt ổ dịch Đông Triều. Đây là yếu tố tiên quyết để tỉnh tiếp tục thực hiện thành công “mục tiêu kép” của năm 2021. Các cấp, ngành, địa phương cũng bày tỏ rõ sự quyết tâm lớn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu tăng trưởng (GRDP) và thu ngân sách trong quý I cũng như trong năm 2021, nhất là tại các địa phương xuất hiện một số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Chỉ đạo nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Hiện nay, dư địa tăng trưởng và cơ hội phát triển nhanh, bền vững KT-XH của Quảng Ninh đang rất lớn. Đồng thời, từ nền tảng thành tựu 35 năm đổi mới, 10 năm qua, của giai đoạn 2016-2020 và đặc biệt là việc thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” năm 2020 cùng với niềm tin lớn của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, hiện đại, đồng bộ đang hoàn thành; đội ngũ cán bộ hội tụ bản lĩnh, trình độ, năng lực, kinh nghiệm… Đây là những yếu tố thuận lợi góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng, thu ngân sách của tỉnh năm 2021.
Trên tinh thần kiên trì, nhất quán với mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra đầu năm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương tới tận thôn, khu trong việc giữ vững thành quả chống dịch Covid-19 để thực hiện mục tiêu giữ vững địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới để thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng (GRDP) 2 con số và tăng thu ngân sách tương ứng với mục tiêu tăng trưởng. Hàng tháng, các đồng chí Tỉnh ủy viên phải báo cáo tình hình công tác trong tháng với Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy với những đề xuất, kiến nghị cụ thể. Trong đó, tập trung 6 nội dung trọng tâm, gồm: Việc thực hiện công tác chống dịch; mục tiêu tăng trưởng, hoàn thành thu ngân sách nhà nước; phát triển văn hóa xã hội, con người, an sinh, phúc lợi xã hội; an ninh quốc phòng; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Riêng việc tháo gỡ các nút thắt thủ tục hành chính, thủ trưởng các sở, ngành liên quan phải có báo cáo riêng về tiến độ thực hiện theo chỉ đạo từ cấp trên hoặc do người dân, doanh nghiệp, tổ chức kiến nghị và do báo chí phản ánh.
Đối với mục tiêu trong quý I/2021, đang có những điều kiện thuận lợi để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng theo đúng kịch bản là 9,2%. Bởi hiện nay, khu vực nông-lâm-thủy sản đang phát triển ổn định, nhất là nuôi trồng thủy sản, trồng rừng gỗ lớn. Do đó, cần phải xây dựng quy hoạch, chính sách hỗ trợ phù hợp tạo sự phát triển bền vững.
Đối với công nghiệp-xây dựng cũng là khu vực trụ cột để xác định hoàn thành cả tăng thu, tăng trưởng. Ngành Than phải tận dụng triệt để cơ hội an toàn về dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới và thị trường đang có tín hiệu khả quan để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. TKV phấn đấu năm nay sản xuất đạt trên 40 triệu tấn than nguyên khai tại Quảng Ninh, còn Tổng Công ty Đông Bắc là 6 triệu tấn. Ngoài ra, phải chủ động tháo gỡ nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện; thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo ở lĩnh vực điện tử, dệt may, sản phẩm công nghệ cao với các thương hiệu hàng đầu như Foxconn.
Đối với lĩnh vực xây dựng, đây là khu vực có dư địa phát triển lớn kể cả dự án đầu tư công, đầu tư tư và hợp tác công-tư. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Cần tiếp tục tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm, động lực; khởi công khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, khu du lịch, dịch vụ phức hợp cao cấp Vân Đồn và các dự án động lực tại địa bàn các KCN, KKT . Đối với 14 dự án có nhà thầu, chủ đầu tư nhưng chưa triển khai, chậm nhất trong quý II/2021 phải khởi công. Đối với dự án tiếp tục chậm tiến độ, vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn với 16 dự án đã có chủ trương nhưng chưa lựa chọn được các nhà đầu tư, phải hoàn thành thủ tục trong quý II/2021 gắn với các địa bàn để có thể kiểm đếm công việc hàng tháng.
Đối với khu vực du lịch, dịch vụ, tận dụng từng cơ hội an toàn trong trạng thái bình thường mới ở từng địa bàn để nhanh chóng phục hồi du lịch với các hoạt động phù hợp. Xây dựng lại kịch bản riêng và có gắn trách nhiệm với các địa phương. Còn với lĩnh vực thuế, sản phẩm, tận dụng tối đa từ thị trường bán buôn bán lẻ, thương mại điện tử. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện kịch bản thu ngân sách của từng địa phương, từng sở, ngành chức năng, nhất là kế hoạch đầu tư, tài chính, tài nguyên môi trường, xây dựng, công thương, nông nghiệp, cục thuế, hải quan, ban quản lý khu kinh tế... theo thẩm quyền, phê duyệt và tăng cường giám sát.
Song song với đó, tập trung tháo nút thắt về lao động sau Tết cho ngành Than và các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ; thủ tục hành chính liên quan tới quy hoạch, đất đai, môi trường; công tác giải phóng mặt bằng; đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu lâu dài; vật liệu san lấp và bãi thải mỏ, mỏ đất. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ làm việc với các nhà đầu tư lớn để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.
Riêng về đầu tư công năm 2021, tiếp tục phát huy hiệu quả từ kinh nghiệm điều hành như năm 2020 gắn với tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách. Quý I/2021 phải hoàn thành dứt điểm thủ tục đầu tư; 6 tháng đầu năm giải quyết ít nhất 50% kế hoạch vốn; đến ngày 30/9 giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2021.
Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại cuộc họp. |
Chiều cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về Đề án và dự thảo Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới và hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Chỉ đạo nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, quyết liệt chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trong việc xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết. Đồng chí khẳng định, Đề án này là bước phát triển tiếp theo của Đề án 196 ở mức cao hơn, gắn với Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, gắn với mục tiêu xây dựng NTM bền vững, nâng cao, kiểu mẫu, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đây là đề án hiện thực hóa mục tiêu đầu tiên về phát triển bền vững của tỉnh. Đề án này thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn. Đồng thời, thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu xóa chênh lệch vùng miền, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong thời gian sớm nhất, tạo sự phát triển bền vững của tỉnh, góp phần thực hiện khâu đột phá “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền”.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, về tên gọi của đề án bổ sung thêm quy mô cụ thể là “Đề án và Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở xã, thôn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Về phạm vi đề án, xây dựng triển khai tại các xã, thôn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn hiện nay, tốc độ đô thị hóa, tốc độ hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế kéo theo chuyển dịch cơ cấu lao động; sự chăm lo phát triển an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của tỉnh... đã góp phần tạo cơ hội phát triển cho bà con đồng bào DTTS, lao động nông thôn, nhất là cơ hội về việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Đồng thời, tạo cơ hội lớn cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc khai thác niềm năng, thế mạnh sẵn có, thu hút đầu tư đến với các địa bàn này. Bên cạnh đề án này, Quảng Ninh hiện đang triển khai thực hiện 15 dự án liên quan đến nhân dân, đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo..., tất cả đều hướng đến mục tiêu cao nhất là vì hạnh phúc của nhân dân.
Bên cạnh những cơ hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ rõ những thách thức trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án như: Một bộ phận bà con đồng bào DTTS vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa chủ động trong việc tìm sinh kế, tổ chức sản xuất; nhận thức, trình độ, năng lực một số cán bộ, đảng viên tại các khu vực đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vẫn còn hạn chế; tiềm ẩn những vấn đề về an ninh trật tự ở vùng miền núi biên giới, đồng bào DTTS.
Do đó, đồng chí đề nghị, phải rà soát, nghiên cứu, bổ sung thêm một số mục tiêu trọng tâm của đề án, như: Phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặt muc tiêu năm 2025 gấp 2 lần thu nhập thực tế của năm 2020; phấn đấu năm 2030 thu nhập đạt 50% so với GDP bình quân của cả tỉnh. Đồng thời, tiếp tục củng cố, nâng cao niềm tin của người dân ở khu vực này với Đảng, chính quyền, chế độ; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Mục tiêu này thể hiện quyết tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, thể hiện cụ thể hóa, sự sáng tạo của Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội.
Về các chỉ tiêu, ngoài các chỉ tiêu về thu nhập, về VH-XH, con người, bảo vệ môi trường, các chỉ tiêu xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, an ninh trật tự phải được đề cập cụ thể trong đề án. Trong đó, xác định, phấn đấu, giữ vững số lượng cụ thể các địa bàn an toàn, tổ tự quản an ninh trật tự. Đồng thời, từng địa phương, huyện, thị xã, thành phố có đồng bào DTTS thuộc các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, miền núi biên giới, hải đảo phải có cam kết cụ thể.
Đồng chí khẳng định, về quan điểm triển khai đề án, Quảng Ninh luôn xác định nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, giao thông đi trước một bước phát huy được sức mạnh tổng hợp, thiên nhiên - con người - văn hóa, người dân là trung tâm, chủ thể. Ưu tiên hợp lý tỷ lệ chi đầu tư từ ngân sách chỉ là vốn mồi; thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, viễn thông, hạ tầng văn hóa cho vùng phát triển chậm, xã, thôn diện đặc biệt khó khăn kết nối liên thông với các trung tâm kinh tế, đô thị, thu hút được các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào các vùng nghèo, xã nghèo. Cùng với đó, xác định phát triển KT-XH nhanh, bền vững gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN trong vùng đồng bào DTTS là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, LLVT, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; phát huy giá trị tiềm năng, lợi thế khác biệt để phát triển KT-XH nhanh, bền vững, biến thành nguồn lực, động năng phát triển. Đồng thời, xác định quan điểm phát triển giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tạo sinh kế nâng cao thu nhập; tổ chức sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Việc xây dựng các nhiệm vụ giải pháp thực hiện đề án phải bám sát theo từng nhóm địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng chí đề nghị, phải bổ sung các nhóm giải pháp về chuyển đổi cơ cấu kinh tế vật nuôi cây trồng, đào tạo nghề; giải pháp thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác quốc tế.
Về nguồn lực, đề án phải đề cập toàn diện để có cách tiếp cận tổng thể nhất, gắn trách nhiệm từng cấp, từng ngành, từng địa phương, từng lĩnh vực. Trong đó, tập trung có trọng tâm, trọng điểm theo nguyên tắc ưu tiên nguồn lực cho phát triển hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống theo hướng nâng cao (trọng điểm là giao thông liên vùng, hạ tầng chiến lược kết nối Hạ Long-Ba Chẽ, đường tuần tra biên giới kết nối 3 cửa khẩu); nguồn lực phát triển tài nguyên rừng, lâm nghiệp bền vững; bảo toàn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ cơ sở, giáo viên, y tế cơ sở, xây dựng công an xã chính quy, lực lượng trị an rộng khắp; ưu tiên nguồn lực cho Bình Liêu đến Ba Chẽ và những xã, thôn diện đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới khi được Chính phủ công bố và ưu tiên nguồn lực cho những nơi có thể gia tăng giá trị quỹ đất nhanh nhất, cao nhất, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả sau đầu tư; không dàn trải, kéo dài, lãng phí nguồn lực.
Trong tổ chức thực hiện, phải thể chế hóa bằng nghị quyết của HĐND tỉnh ra cơ chế, chính sách, nguồn lực. Đồng thời, có giải pháp phân cấp, ủy quyền, phát huy nội lực của từng địa phương trong phân cấp đầu tư, nhiệm vụ chi. Từng địa phương có đề án riêng cụ thể hóa nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, xác định lộ trình thực hiện mục tiêu cụ thể, gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp, nhất là cấp cơ sở.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục tiếp thu hoàn thiện đề án để trình Ban Chấp hành cho ý kiến về đề án và ban hành Nghị quyết.
Cũng trong hôm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương trích quỹ dự phòng ngân sách tỉnh để ủng hộ tỉnh Hải Dương 4 tỷ đồng phòng, chống dịch Covid- 19.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()