Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 10:29 (GMT +7)
Giữ trọn lời thề dưới mái đình Trà Cổ
Thứ 2, 23/10/2023 | 11:22:13 [GMT +7] A A
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (SN 1949) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở phường Bình Ngọc, TP Móng Cái ngày nay. 17 tuổi ông nhập ngũ và bắt đầu con đường binh nghiệp. Hành trang theo bước chân chàng thanh niên trẻ ngày ấy là lời cha dặn “phải hoàn thành nhiệm vụ mới được trở về” cùng lời thề khắc ghi dưới mái đình Trà Cổ của lớp thanh niên lên đường giải phóng đất nước thời ấy: “Từ điểm đầu tiên của nét bút vẽ nên hình chữ S của Tổ quốc, chúng con nguyện chiến đấu đến cùng, nguyện cắm lá cờ chiến thắng ở miền Nam”. Tự hào là người con mảnh đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, chàng thanh niên trẻ Đoàn Sinh Hưởng đã anh dũng, kiên cường chiến đấu, tô thắm thêm những chiến công vẻ vang của QĐND Việt Nam Anh hùng.
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng là Tiến sĩ Khoa học quân sự Việt Nam, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4. Trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, người anh hùng của thế kỷ XX Đoàn Sinh Hưởng được nhắc đến như một biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước, của khí phách, đạo đức cách mạng. Tình yêu quê hương, đất nước và chất thép của người Vùng mỏ đã trở thành động lực, hun đúc ý chí để ông luôn bản lĩnh, đương đầu, vượt qua mọi gian khổ của một thời trận mạc và cống hiến miệt mài suốt những năm tháng trong quân ngũ. “Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho chúng ta mà hãy hỏi mình đã làm gì cho đất nước". Đó là hành trang, là lý tưởng mà lớp thanh niên của ông ngày ấy mang theo trên mỗi bước đường hành quân và chiến đấu. Với họ, vinh quang nhất của tuổi trẻ chính là khát vọng cống hiến, chiến đấu, bất chấp khó khăn, gian khổ để hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ và thống nhất non sông. |
Những năm 60 của thế kỷ trước, hòa trong khí thế hừng hực xung phong ra trận của thanh niên cả nước và mảnh đất địa đầu Móng Cái, chàng thanh niên 17 tuổi Đoàn Sinh Hưởng cũng hăng hái, sục sôi với quyết tâm lên đường bảo vệ Tổ quốc. Tháng 9/1966 khi có đợt tuyển quân, ông vô cùng háo hức. Chỉ nặng có hơn 40kg, không đủ điều kiện khi khám sức khỏe, nhưng tinh thần sục sôi nào đâu chờ đợi được, ông mặc áo rộng buộc đá lên người để vượt qua vòng kiểm tra. Và ông đã vinh dự là một trong 27 thanh niên của Bình Ngọc lên đường năm ấy nhập ngũ, được biên chế vào Sư đoàn 308 - Sư đoàn quân Tiên phong.
Chiến dịch đầu tiên trong đời lính của ông ấy là Đường 9 - Khe Sanh, trận chiến vẫn được mệnh danh là “Điện Biên Phủ thứ hai” đầy bi tráng. Chiến dịch này, người lính trẻ Đoàn Sinh Hưởng đã lập nhiều chiến công, được phong là “Dũng sĩ diệt Mỹ”.
Sau chiến dịch Khe Sanh, ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh và chiến dịch lớn khác, trong đó có chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (Quảng Trị). Đến đầu năm 1975, Đại đội 9 của ông được giao nhiệm vụ thọc sâu đánh vào Mai Hắc Đế và Sư bộ 23 của ngụy quân trong chiến dịch Tây Nguyên. Xe tăng 980 do ông chỉ huy đã dẫn đầu mũi đột kích, tung hoành ngang dọc tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Với sự gan dạ, mưu trí trong chiến lược và chỉ đạo, xe tăng 980 và lực lượng bộ binh Sư đoàn 10 đã tiêu diệt được Sư bộ 23 của địch, đập tan hoàn toàn cuộc phản kích của địch. Đại đội 9 tiếp tục phát triển đánh thắng ở ngã năm và ngã sáu, cùng các cánh quân giải phóng toàn bộ TX Buôn Mê Thuột.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông cùng đồng đội mưu trí sử dụng xe tăng địch để đánh địch, mở đường cho Quân đoàn 3 tiến vào phía Tây Sài Gòn. Nhiệm vụ là phải giữ bằng được cầu Bông. Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng khi đó chỉ huy Đại đội bắn cháy 12 chiếc xe tăng địch và cùng lực lượng bộ binh bắt sống toàn bộ địch. Sáng 30/4 lịch sử, xe tăng Đại đội 9 cùng với các đơn vị bộ binh và các đơn vị xe tăng của Sư đoàn 273 tung hoành ngang dọc đánh sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu địch. Nhờ những chiến công đặc biệt xuất sắc của mình, ông đã được phong tặng Anh hùng LLVTND ở tuổi 26.
Nhớ lại giây phút chia tay gia đình, quê hương lên đường thực hiện trách nhiệm với Tổ quốc, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng bồi hồi: "Ngày tôi lên đường, ngoài gia đình, bạn bè, còn có người bạn gái Hoàng Thị Liễm, sau này là người vợ hiền của tôi, tiễn xuống tận bến đò ngang. Mãi về sau, tôi có viết câu thơ về giây phút tạm biệt quê hương thế này: “Bến đò ngày trước thuyền sang/ Em đưa anh xuống sang trang cuộc đời”... Chiêm nghiệm lại, cuộc đời tôi đã rẽ hướng từ ấy, nhưng dù có đi đâu thì Móng Cái vẫn luôn là mảnh đất quê hương nghĩa nặng tình sâu, nơi có dòng tộc, gia đình, nghĩa mẹ, tình cha, đạo nghĩa thầy trò, tình cảm bạn bè, vợ chồng. Tôi vẫn thầm cảm ơn quê nhà làng biển, chính vị mặn mòi, nghĩa tình và mạnh mẽ của biển đã thấm vào từng đường gân, thớ thịt để giúp tôi có bản lĩnh, cương trực, mạnh mẽ, quả cảm vượt qua mọi gian khổ suốt một thời trận mạc, để mỗi dịp trở về, tôi được ngẩng cao đầu dưới mái đình quê hương, tự hào được là người con của mảnh đất địa đầu Móng Cái Anh hùng".
“Tôi rất thích câu hát này: "Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một Mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”. Suốt sự nghiệp của mình, chiến đấu và công tác xa quê hương, và đến sau này, khi gắn bó với khúc ruột miền Trung nắng gió, nhưng những ký ức, năm tháng thuở thiếu thời ở Móng Cái mãi là suối nguồn tưới mát tâm hồn tôi khi nghĩ về hai chữ quê hương” - Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng bộc bạch.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()