Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 08:22 (GMT +7)
Giữ “rừng vàng” theo lời Bác dặn
Thứ 7, 25/01/2025 | 16:11:00 [GMT +7] A A
Trong lần về thăm tỉnh Quảng Ninh dịp Tết Ất Tỵ 1965, trên đường từ Hòn Gai về Uông Bí, Bác Hồ đã dừng chân tại khu rừng thông Yên Lập. Tại nơi đây, Người đã căn dặn: “Không được phá rừng, phải trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc”. Thực hiện lời căn dặn của Bác, những năm qua Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã ra sức thi đua trồng cây, gây rừng, mang lại màu xanh cho những cánh rừng.
"Rừng là vàng"
Thôn Bằng Anh (xã Tân Dân, TP Hạ Long) có một khu rừng đặc biệt, diện tích lên tới 32ha với trên 3.000 cây bầu dó, cùng các cây gỗ quý khác như: đinh, lim, sến, táu, dẻ, vàng tâm… Riêng với rừng lim nguyên sinh có khoảng 200 cây. Đó là khu rừng của gia đình ông Triệu Tài Cao, hay còn được nhiều người dân yêu mến gọi là khu rừng của “Già Cao”, người đã dành trọn cuộc đời để chăm sóc, trông giữ và nhân lên màu xanh cho rừng. Anh Triệu Tiến Lộc (con trai út của ông Triệu Tài Cao) kể: Năm 1969, theo lời kêu gọi của bác Hồ về Tết trồng cây, bố tôi đã chọn chân đèo Hạ My để sinh sống và bắt đầu trồng những cây gỗ quý lâu năm. Trong ký ức của mình, tôi vẫn nhớ những năm ấy, trên lưng là gùi, trong túi là cơm nắm, ông đi khắp đại ngàn để thu nhặt cây con cùng hạt để đem về khu đồi sau nhà trồng. Đến năm 1980, ông được nhà nước giao quản lý 32ha rừng. Có thêm rừng, ông và chúng tôi đã trồng thêm nhiều cây gỗ quý như đinh, lim, sến táu và cây dược liệu thấp dưới tán rừng. Trải qua gần 60 năm, những cây lim nhỏ ngày nào giờ thành cây to mấy người ôm không xuể, rồi cây to rụng hạt lại mọc cây mới, giúp cho cánh rừng cứ dầy thêm những cây gỗ quý. Những cây dược liệu cũng mang lại thu nhập ổn định cho chúng tôi.
Thấm đẫm tình cảm gắn bó với rừng, coi khu rừng là “máu thịt” nên dù cho có nhiều thương lái đến thu mua với giá hàng tỷ đồng, gia đình ông Triệu Tài Cao vẫn quyết tâm giữ rừng. Noi theo lời dặn của Bác và mong muốn của bố trước khi mất, anh Triệu Tiến Lộc cùng những người anh trai của mình giờ đây vẫn hàng ngày bảo vệ và phát triển khu rừng, đồng thời nghiên cứu để cải tạo, đưa khu rừng quý này trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. “Chúng tôi sẽ giữ những cánh rừng đại ngàn này đến hơi thở cuối cùng”. Anh Lộc chia sẻ.
Chung thủy với rừng, “sống nhờ rừng” từ khi bắt tay vào lập nghiệp, đến nay trên địa bàn tỉnh cũng có hàng nghìn hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ rừng. Lấy rừng làm nguồn sống đã ngày càng ngấm sâu vào huyết quản mỗi người dân nơi đây, nên ở Quảng Ninh bây giờ không còn chuyện phá rừng. Rất nhiều chủ rừng đã mạnh dạn thay thế những cánh rừng keo để lặn lội đi tìm hiểu, đưa cây rừng gỗ lớn về trồng trong vườn rừng. Các tổ chức, hộ gia đình và người dân đã ổn định và yên tâm trồng rừng, bảo vệ rừng, gắn bó cuộc sống với nghề rừng nên hàng năm diện tích trồng rừng đã tăng lên, bình quân đạt 10.000 – 12.000 ha/ năm. Nhiều hộ gia đình, cá nhân đã thu hoạch hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ và sản phẩm khác từ vườn rừng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và góp phần tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho một bộ phận không nhỏ người dân vùng miền núi. Toàn tỉnh hiện có trên 10.000 trang trại vườn rừng (RVAC) kết hợp có quy mô vừa và lớn với hàng chục nghìn ha cây lâm nghiệp, cây đặc sản và cây ăn quả phát triển tốt đã cho nhiều chu kỳ thu hoạch, ngày càng nâng cao tỷ trọng đóng góp cho kinh tế ngành NN&PTNT tỉnh.
Nhiều chính sách đúng, trúng, hiệu quả
Tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm tỉ lệ lớn (khoảng 70% diện tích tự nhiên). Toàn tỉnh có 434.378ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó 30.034ha rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch đặc dụng; 132.855 ha rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch phòng hộ; 272.508 ha rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch sản xuất.
Xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù với chu kỳ sản xuất dài, Quảng Ninh đã tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ba loại rừng. Đặc biệt là đã có những chính sách dài hơi, mang tính chiến lược để phát triển lâm nghiệp bền vững. Điển hình là Nghị quyết số 19-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành ngày 28/11/2019 về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được coi là nghị quyết chuyên đề về rừng đầu tiên của Quảng Ninh cũng là nghị quyết chuyên đề về rừng đầu tiên trong cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Bông, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Tỉnh Quảng Ninh đã có những quyết sách rất kịp thời, trúng, đúng trong đầu tư cho rừng, để rừng có giá trị như ngày hôm nay và có giá trị nhiều hơn cho mai sau. Cái hay của Nghị quyết 19 đó là đã xác định rất rõ mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên. Đây là cái gốc để rừng có thể phát triển bền vững và giá trị cao, đưa rừng trở thành một lĩnh vực kinh tế mạnh mẽ và sôi động.
Với những quyết sách đúng đắn, kịp thời, độ che phủ rừng của tỉnh đã tăng lên nhiều: từ 26% năm 1992, lên 36% năm 2000, lên 45% năm 2005, lên 50,3% năm 2010, 51,5% năm 2011 và 52,5% năm 2012. Từ năm 2019 đến nay (trước khi có cơn bão Yagi đổ bộ), tỉnh đã luôn duy trì độ che phủ rừng 55%, đứng thứ 14 trên cả nước. Những chỉ tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh đã đạt được kết quả rất tích cực, khởi sắc và có tính ổn định bền vững cao hơn như: Nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức, cơ quan đơn vị, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và toàn xã hội trong công tác quản lý bảo vệ, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp được nâng cao và đã có những chuyển biến căn bản, sâu sắc; tạo được sinh kế cho người dân thông qua chính sách khoán bảo vệ rừng, sản xuất lâm nghiệp hàng hoá; không xảy ra việc lợi dụng lấn chiếm rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép. Tỉnh đã thành lập thêm Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long; phê duyệt nhiệm vụ thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui (Tiên Yên), Khu bảo vệ rừng Trâm đỏ, rừng Trõi nguyên sinh (Cô Tô), rừng Trâm (Vân Đồn), Khu bảo tồn Loài sinh cảnh Quảng Nam Châu (Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu); cơ cấu cây trồng trong lâm nghiệp chuyển biến theo hướng tăng loài cây bản địa, cây gỗ lớn; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp bình quân mỗi năm tăng gần 100 tỷ đồng.
Tiếp tục phát huy thế mạnh từ rừng, giai đoạn 2025-2030, Quảng Ninh đặt mục tiêu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 55%, tốc độ tăng trưởng ngành lâm nghiệp đạt 4 -5%, giảm số lượng cơ sở chế biến nhỏ xuống dưới 170 cơ sở. Đặc biệt, ở giai đoạn này, tỉnh tập trung phát triển các loại cây dược liệu là thế mạnh của địa phương gồm: 7.000ha hồi, 3.790ha quế, 1.700ha sở, 2.179ha ba kích và 2.135ha cây dược liệu. Đồng thời, duy trì 24.000ha rừng gỗ lớn, 70.000ha rừng gỗ nhỏ và nguyên liệu, chuyển hóa 6.000ha rừng keo gỗ nhỏ thành gỗ lớn. Tuy nhiên tháng 9/2024, cơn bão Yagi đổ bộ đã tàn phá trên 133.000ha rừng, khiến cho nhiệm vụ trồng, phủ lại màu xanh cho rừng không hề đơn giản.
Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: “Vì lợi ích trăm năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, tái thiết những cánh rừng sau bão là nhiệm vụ hàng đầu của ngành Nông nghiệp trong giai đoạn này. Trước mắt ngành sẽ cùng với các địa phương tập trung phục hồi rừng sau bão số 3, phấn đấu toàn tỉnh trồng xong toàn bộ diện tích rừng bị gẫy đổ khoảng 98.000 ha, trong đó năm 2025, sẽ trồng rừng tập trung trên 32.090 ha, khuyến khích các chủ rừng, nhất là các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp cân đối dành một quỹ đất nhất định cho việc trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả phương án quản lý rừng bền vững; tăng diện tích rừng có chứng chỉ rừng, phấn đấu hết năm 2025 toàn tỉnh có trên 30.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; hoàn thiện việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh.
Với quyết tâm của tỉnh, địa phương và những chủ rừng, chắc chắn những cánh rừng mới sẽ tiếp tục vươn mình xanh tốt, là minh chứng của sự đồng sức, đồng lòng, khẳng định ý chí, nghị lực vượt khó của nhân dân các dân tộc Quảng Ninh để quyết tâm thực hiện vẹn tròn lời dạy của Bác năm nào.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()