Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:30 (GMT +7)
TP Uông Bí: Quản lý tài tài nguyên khoáng sản than và ngoài than: Giữ ổn định trong tình hình mới
Thứ 4, 04/05/2022 | 15:10:48 [GMT +7] A A
Triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 16NQ/TU ngày 9/5/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, TP Uông Bí được đánh giá cao trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, khoáng sản.
Không có khai thác than trái phép
Theo thống kê của TP Uông Bí, hơn 3 năm qua, kể từ năm 2019 đến nay, số vụ việc vi phạm, tính chất và mức độ thiệt hại các vụ vi phạm liên quan đến tài nguyên, khoáng sản than, cát, đá, sỏi, đất… giảm mạnh theo từng năm, đặc biệt không có vi phạm về khai thác trái phép.
Nếu như năm 2019 toàn thành phố phát hiện, xử lý 80 vụ vi phạm về than, cát, đá, sỏi, đất… thì năm 2020 là 52 vụ, năm 2021 là 30 vụ, 4 tháng đầu năm 2022 là 3 vụ. Các vi phạm được phát hiện chủ yếu liên quan đến hành vi vận chuyển, do Uông Bí là cung đường kết nối các trọng điểm khai thác, chế biến với tiêu thụ than.
Theo ông Bùi Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí, trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố hơn 3 năm qua là nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ. TP Uông Bí đã chủ động kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục, cả định kỳ và đột xuất không báo trước đối với các phòng, ban, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp, địa phương liên quan đến than, đất, đá, cát, sỏi; quản lý chặt các cảng bến, tuyến luồng, phương tiện có thể vận chuyển tài nguyên, khoáng sản; thắt chặt quản lý quy hoạch các dự án về than, các doanh nghiệp liên quan sản xuất chế biến than, theo dõi giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản; chủ động ngăn chặn các vụ việc có dấu hiện đào bới, thu gom than trái phép, chống thất thoát than trong khai trường, trên đường vận chuyển và cảng xuất than…
Trong 3 năm qua, TP Uông Bí huy động kinh phí gần 2,7 tỷ đồng duy trì hoạt động 3 trạm kiểm soát liên ngành và lắp đặt hệ thống camera giám sát trên các tuyến đường chuyên dùng và đường ra vào khai trường. Toàn thành phố có hơn 10 cảng, bến thủy nội địa, tuy nhiên đến thời điểm này duy chỉ có cảng Điền Công thực hiện nhiệm vụ xuất, nhập than, các cảng bến còn lại đều đảm bảo thực hiện đúng chức năng của mình.
Ông Bùi Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí, khẳng định; việc vận chuyển than trên bộ chỉ là tuyến đường chuyên dùng độc đạo duy nhất tới cảng Điền Công thì đó là thuận lợi lớn trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản của TP Uông Bí, giúp địa phương tránh các trường hợp vi phạm xảy ra, giữ địa bàn ổn định về quản lý tài nguyên, khoáng sản.
Giữ ổn định trong thời kỳ mới
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên TP Uông Bí vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, trật tự, thậm chí xảy ra vi phạm trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản than, cát, đá, sỏi, đất… Ông Nghiêm Xuân Cường, Bí thư Thành ủy Uông Bí, cho biết: Sau thời gian dài căng sức chống dịch, hiện nay các hoạt động phát triển KT-XH được tập trung cao độ, đặc biệt là việc đẩy mạnh các dự án sản xuất công nghiệp cần than cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm cần vật liệu san lấp. Từ đây nhu cầu về tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là than, đất, cát, sét, sỏi, đá… tăng lên, giá thu mua cũng như lợi nhuận từ các hàng hóa này cao hơn trước, qua đó mà rất dễ phát sinh tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép, làm thất thoát tài nguyên, thiệt hại về kinh tế cũng như mất an ninh trật tự xã hội…
Cùng với đó những tồn tại thực tế hiện nay trên địa bàn TP Uông Bí cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản của thành phố. Ngoài ra, việc tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa Công ty PT. Vietmindo và Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc chưa được giải quyết triệt để, dù hiện Công ty PT. Vietmindo đã hết hạn hoạt động. Hệ lụy nhìn thấy là tài nguyên đất, than còn tồn đọng và ranh giới mỏ tại khu vực mỏ Đồng Vông - Uông Thượng khó quản lý.
Hiện nay, nhu cầu khai thác, sử dụng đất làm vật liệu san lấp đối với dự án phát triển kinh tế - xã hội đang tăng cao, tuy nhiên các quy định liên quan đến công tác quy hoạch, cấp phép khai thác, giao đất, cho thuê đất đối với các vị trí mỏ làm vật liệu san lấp còn bất cập, chưa thống nhất, từ đó cũng gây khó khăn khi triển khai thực hiện.
Mặt khác, hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh lộ trình sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san nền. Vì vậy, với số lượng lớn đất đá thải mỏ trên địa bàn, TP Uông Bí là thuận lợi để thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai sẽ phải hạ thấp độ cao các bãi thải mỏ trong khi nội dung này chưa có hướng dẫn cụ thể. Cùng với đó, đặc thù tuyến vận tải của thành phố hiện đi xuyên qua khu trung tâm, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường khi đi vào vận hành. Bởi vậy, việc này cần phải được tính toán và sớm có phương án khắc phục hiệu quả.
Có thể khẳng định trong hơn 3 năm qua, công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn TP Uông Bí đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ địa bàn phức tạp, nhiều sai phạm, thậm chí có việc đến mức xử lý hình sự trước đây, nay trở thành địa bàn bình yên, ổn định, cơ bản không để xảy ra vi phạm lớn, không có tụ điểm, ổ nhóm phức tạp liên quan đến tài nguyên, khoáng sản. Trên nền tảng những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, bước vào thời kỳ mới này, TP Uông Bí quyết tâm thắt chặt, duy trì ổn định và hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn theo đúng quy định đặt ra.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()