Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:35 (GMT +7)
Giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số: Quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Thứ 4, 06/07/2022 | 08:23:26 [GMT +7] A A
Tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng năm 2022 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng tăng cao, ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo, đổi mới của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương và sự đoàn kết, vươn lên mạnh mẽ của người dân, doanh nghiệp, nhiều chỉ tiêu phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, tạo niềm tin, động lực để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì, phát triển, hoàn thành mục tiêu như Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định.
Nỗ lực vượt khó
Thời điểm sau Tết Nguyên đán, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, dịch bệnh đã len lỏi, xâm nhập vào hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, làm tê liệt một số bộ phận, tổ đội, khâu sản xuất của một số ngành, lĩnh vực. Riêng chỉ trong quý I/2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 300.000 ca mắc Covid-19, chiếm 98,8% tổng số ca mắc từ đầu vụ dịch nhưng lại có 99,5% các ca mắc có triệu chứng nhẹ và không triệu chứng.
Với kinh nghiệm có được trong công tác phòng, chống dịch từ trước đó, tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, yêu cầu “6 đủ”; không ngừng nâng cao năng lực y tế từ tỉnh tới cơ sở, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế học đường, bảo đảm có đủ khả năng xử lý kịp thời, ứng phó hiệu quả trong mọi tình huống.
Từ kết quả đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19 đã giúp cho tỉnh Quảng Ninh thực hiện chiến lược phục hồi kinh tế một cách hiệu quả. Kết thúc 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,66%, cao hơn 2,64 điểm % so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn 0,41 điểm % so với kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, đứng thứ 9 trong cả nước và đứng thứ 4 ở khu vực Đồng bằng sông Hồng (sau Bắc Ninh tăng 14,7%, Hải Dương tăng 11,82%, Hải Phòng tăng 11,1%).
Toàn tỉnh ghi nhận sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp và xây dựng, với tốc độ tăng trưởng tăng 12,04%, cao hơn 2,91 điểm % so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn 1,92 điểm % so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm, đóng góp 6,48 điểm % tăng trưởng GRDP toàn tỉnh.
Đặc biệt, ngành công nghiệp khai khoáng có mức tăng trưởng cao, với tỷ lệ tăng 15,16%, cao hơn 18,19% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn 10,36 điểm % so với kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm, đóng góp 2,9 điểm % trong tăng trưởng GRDP. Đây là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng GRDP chung của toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, chia sẻ: Toàn tỉnh ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của ngành than, với sản lượng than sản xuất 6 tháng đạt trên 25 triệu tấn, tăng trên 12% so với cùng kỳ, tăng 8% so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022. Lý do tăng là ngành than đã nắm bắt tốt cơ hội của thị trường sau đại dịch, tăng cường khai thác, sản xuất than để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, đảm bảo ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Một ngành công nghiệp khác phải được kể đến, đó là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,63%. Mặc dù có thấp hơn 2,1 điểm % so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm nhưng cũng chiếm tỷ trọng 12% trong GRDP, đóng góp 1,57 điểm % trong tăng trưởng GRDP. Một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng tốt so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022, đó là: Bột mì đạt 238.000 tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ; màn hình tivi đạt 586.000 cái, tăng 10,6% so với cùng kỳ; vải dệt từ sợi tổng hợp đạt 1 triệu m2, tăng 24,4% so với cùng kỳ; thân mũ đạt 20,1 triệu cái, tăng 11% so với cùng kỳ...
Ở một khía cạnh khác, do tỉnh Quảng Ninh sớm mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ 15/3 nên tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ 6 tháng tăng 11,15%, cao hơn 4,08 điểm % so với cùng kỳ 2021, chiếm tỷ trọng 28% trong GRDP, đóng góp 3,27 điểm % tăng trưởng GRDP. Trong đó, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh trong 6 tháng đạt 5,5 triệu lượt, gấp 2,2 lần so cùng kỳ 2021, đạt gần 120% so với kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng. Tổng doanh thu du lịch đạt 12.129 tỷ đồng, tăng trên 131% so với cùng kỳ 2021, đạt trên 147% kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm.
Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Từ sự phục hồi của các ngành kinh tế nên tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt trên 28.600 tỷ đồng, đạt 55% dự toán năm, bằng 124% so với cùng kỳ 2021, tăng 5,57% so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 6.450 tỷ đồng, đạt 61% dự toán năm, bằng 129% so với cùng kỳ 2021, tăng 13,16% so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm; thu ngân sách nội địa đạt trên 22.200 tỷ đồng, đạt 53% dự toán, bằng 123% so với cùng kỳ 2021, tăng 3,56% so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm.
Tận dụng thời cơ bứt tốc
Mặc dù tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm đã vượt mục tiêu đề ra, tuy nhiên một số chỉ tiêu còn chưa đạt kịch bản tăng trưởng: Khu vực nông, lâm, thủy sản chỉ tăng 3,28%; có 6/18 sản phẩm công nghiệp chưa đạt kịch bản đề ra, trong đó có một số sản phẩm quan trọng như điện sản xuất, dầu thực vật, quần áo; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn do chính sách biên mậu của phía Trung Quốc không ổn định; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp hơn so với cùng kỳ; giá nguyên, nhiên vật liệu sản xuất tăng cao... là những rào cản lớn của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm.
Trước thách thức đặt ra, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn để nhận diện, đánh giá tổng thể những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt trong bối cảnh của tỉnh Quảng Ninh. Từ kết quả phân tích, đánh giá, nhận diện rõ tình hình, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều khẳng định, 6 tháng cuối năm là thời điểm “vàng” để tỉnh khôi phục lại hoàn toàn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm động lực đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 11% trong năm 2022 và tổng thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 52.600 tỷ đồng.
Từ mục tiêu này đặt ra, các cấp, các ngành trong tỉnh cần tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 68/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022, trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp, như: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược “Tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cụ thể hóa mục tiêu của tỉnh đã xác định, hiện nay các cấp, các ngành đang quyết liệt, tích cực vào cuộc triển khai hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các ngành kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ở lĩnh vực công nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương liên quan của tỉnh hỗ trợ cho các đơn vị của TKV tăng tối đa năng suất để cung cấp đủ than cho ngành điện, phấn đấu sản lượng than sản xuất 6 tháng cuối năm đạt 22,83 triệu tấn, góp phần cả năm đạt 48,06 triệu tấn; sản lượng điện sản xuất 6 tháng cuối năm đạt 17,24 tỷ Kwh, góp phần cả năm đạt 36,63 tỷ Kwh.
Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong những tháng cuối năm sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, hoàn thành 9 dự án của nhà đầu tư tại địa bàn các khu công nghiệp, bổ sung năng lực tăng thêm cho nhóm ngành chế biến, chế tạo trong quý III/2022.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Đơn vị đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết khó khăn, vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, đặc biệt hỗ trợ tối đa để nhà máy của Công ty May mặc Hoa Lợi Đạt Cẩm Phả, Công ty TNHH ZKM Industry, Công ty TNHH Texhong Dệt kim Việt Nam đi vào hoạt động sớm nhất để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, với quyết tâm đón hơn 10 triệu lượt khách đến với tỉnh Quảng Ninh và doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 20.000 tỷ đồng trong năm 2022, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước; thực hiện rà soát số lượng tàu tham quan Vịnh Hạ Long đủ điều kiện vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng đối với các tàu đang hư hỏng; tăng công suất vận hành, đổi mới các hoạt động du lịch để tăng lượng khách du lịch trong 6 tháng cuối năm.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: Để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của ngành du lịch, hiện đơn vị đang hoàn thiện Đề án phục hồi du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức Đại hội đồng Diễn đàn du lịch liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 gắn với Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập EATOF tại Quảng Ninh trong tháng 10/2022. Đồng thời tới đây sẽ tổ chức các hoạt động để thu hút khách du lịch, như Tuần Văn hóa Du lịch - Hội mùa vàng Bình Liêu, chương trình Carnaval mùa đông 2022, chương trình “Yên Tử - Về miền đất Phật mùa thu năm 2022”; Lễ hội truyền thống đền An Sinh 2022 và thúc đẩy mở thêm các tour du lịch hướng đến khu vực miền núi, nông thôn của tỉnh.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh sẽ tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm trồng trọt chủ lực của tỉnh. Tổ chức phát triển chăn nuôi an toàn, hiệu quả, nhất là việc tăng đàn lợn, đàn bò và gia cầm, tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ, kiểm soát tốt chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi và môi trường trong chăn nuôi, phấn đấu tăng trưởng kinh tế quý III/2022 của ngành nông nghiệp là 4,23% và quý IV tăng 6,72%.
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, đó là phải hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Qua đánh giá, hiện còn nhiều chủ đầu tư chưa giải ngân được nguồn vốn như đã định. Do vậy yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương giải ngân vốn đảm bảo theo đúng quy định, UBND tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối với các dự án không đảm bảo giải ngân theo chỉ đạo để bổ sung vốn cho các công trình, dự án trọng điểm. Đồng thời sẽ xem xét, kiểm điểm các chủ đầu tư sau ngày 30/6 không giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn giao đầu năm, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp.
Từ sự nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng những giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong việc phục hồi, phát triển kinh tế, tin chắc rằng những mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2022 sẽ được hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, làm động lực, tiền đề cho tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()