Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:38 (GMT +7)
Giữ môi trường "sạch" cho du lịch
Chủ nhật, 12/05/2024 | 13:54:13 [GMT +7] A A
Hè về, Hạ Long và các trung tâm du lịch trên địa bàn tỉnh bước vào mùa cao điểm, tấp nập du khách. Cùng với đó là không ít các sự việc nóng, vấn đề phát sinh cần quan tâm giải quyết.
Những hạt "sạn" dịch vụ
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, cũng đánh dấu mùa du lịch hè đã bắt đầu. Có thể nói, kỳ nghỉ lễ dài tới 5 ngày này là dịp để du khách nghỉ ngơi, bố trí các tour du lịch xả “xì-trét”. Đây cũng là dịp để đánh giá sự chuẩn bị, “sức tải” của các điểm đến “hót” mùa du lịch.
Dịp này, Quảng Ninh thu hút hơn 1 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 2.210 tỷ đồng - đứng thứ tư cả nước. Trong những ngày nghỉ lễ, du lịch Quảng Ninh ngoài các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch được tổ chức quy mô; cảnh quan, dịch vụ tốt, thì cũng còn có những phàn nàn về "sạn” ở các khu du lịch như Hạ Long.
Có phản ánh, kiến nghị của du khách là dịch vụ ăn uống nghỉ ngơi ở khu du lịch Bãi Cháy và các điểm nóng du lịch, nơi tổ chức các sự kiện lớn. Nhiều nhất là những phàn nàn, sự không hài lòng về dịch vụ ăn uống ở Hạ Long. Cụ thể, là phàn nàn về cung cách phục vụ, chất lượng món ăn và giá cả. Đơn cử như, diễn đàn "Người Quảng Ninh", tài khoản Lâm Lão Bản chia sẻ câu chuyện của một nhóm du khách phản ánh về cách phục vụ của nhà hàng lớn khu vực Cái Dăm ngày 1/5 khi phải thanh toán một hóa đơn gần 5,7 triệu đồng. Một số món được cho là đắt, nhóm du khách không hài lòng về cách chế biến món tôm hùm nướng phô mai đắt giá không như cam kết.
Trên diễn đàn du lịch "Ha Long Review Tất tần tật", bạn Nhật Vy (du khách từ Chí Linh, Hải Dương) phản ánh về cách phục vụ của nhà hàng lớn ở Cái Dăm (Bãi Cháy, TP Hạ Long) khi gọi và phục vụ đồ thì menu chỉ có món ăn, không có giá thành.
Cho tới khi ăn xong, thanh toán hóa đơn mới ngã ngửa về giá thành và số tiền trên 4,5 triệu/2 bàn. Các thành viên khác cũng không hài lòng về cách chế biến của một số món tu hài, canh cá chua, rau xào… "Dù cũng là người kinh doanh nhà hàng nhưng tôi cũng “vấp”, bất ngờ” - chủ tài khoản này chia sẻ thêm.
Các dịch vụ đi lại, vận chuyển cũng nhận được không ít phản hồi. Trong đó, tài khoản facebook Huê Vũ chia sẻ trên "Autofun Quảng Ninh" câu chuyện buồn về thái độ phục vụ của lái xe taxi 822 ở khu vực Hòn Gai hôm 27/4/2024. Chị đi từ Bến phà cũ về ngõ 7, phường Cao Thắng (TP Hạ Long), khi chị xuống xe cùng con nhỏ, lại đang bị què chân, nên nhờ tài xế hỗ trợ, tuy nhiên lại nhận được lời từ chối thẳng thừng với lý do: Chạy xe bao năm nay chưa bao giờ… giúp đỡ người què nào.
Nhân đó, tài khoản Vũ Đức Hùng cũng kể câu chuyện đi vừa buồn - vừa đáng cười: “Sau khi ăn đêm ở chợ Cái Dăm gọi taxi hãng để về khách sạn Wyndham được báo giá 200.000 đồng. Điên tiết tôi bảo 100.000 đồng, không chạy thì thôi, tôi dân đây chứ đâu phải du khách. Thế là nó mới chạy”.
Trước đó, trên các trang mạng xã hội cũng đưa nhiều chuyện về cước chuyến xe taxi 500.000 đồng từ Tuần Châu tới cảng tàu Du lịch Hạ Long chừng 15km, kéo dài 2h do tắc đường, hay chuyện đòi du khách trả thêm tiền dọn xe từ bãi tắm về khách sạn…
Có thể thấy, không chỉ riêng dịp nghỉ lễ vừa qua, dịp đầu năm 2024, đã lác đác có những phản ánh các dịch vụ. Đơn cử, trung tuần tháng 2/2024, trên các trang mạng xã hội về du lịch, tài khoản Phạm Huyền Trang kể về bữa ăn hải sản cho 10 người trị giá 11.785.000 đồng. Đây là sự việc đã được UBND TP Hạ Long sau đó khẩn trương vào cuộc xác minh và làm việc với chủ nhà hàng nhằm khắc phục, chấn chỉnh sự việc.
Dù còn nhiều lời khen, chê. Nhưng nhiều người cũng cho rằng, hành động xấu xí dù ít hay nhiều cũng phần nào ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Quảng Ninh, đồng thời cũng cho thấy, những bài học về sự chuẩn bị, công tác quản lý chặt chẽ sát sao hơn cho mùa du lịch sôi động đang đến gần.
Làm trong sạch môi trường du lịch
Tôi còn nhớ một câu chuyện, một du khách Úc đã từng viết trên facebook mình sau chuyến đi tới Vịnh Hạ Long. Thông tin này đã được nhiều trang mạng, nền tảng mạng xã hội đưa lại dưới dạng bản dịch với nội dung không ngờ, Hạ Long không sạch nhiều rác và sẽ không quay trở lại đây. Có thể thấy, môi trường du lịch, điểm đến tác động mạnh mẽ ra sao tới cảm xúc, quyết định của du khách về sự quay trở lại cũng như ấn tượng chung của họ.
Câu chuyện này cho thấy, môi trường du lịch ở đây là nghĩa đen về điều kiện môi trường biển, môi trường du lịch ở một nghĩa khác đóng vai trò quan trọng trong việc làm hài lòng du khách, bảo vệ quyền lợi du khách cũng như thương hiệu du lịch điểm đến, của doanh nghiệp. Và một trong những địa phương làm khá tốt dịp đầu mùa du lịch hè vừa qua cũng như những năm qua là huyện đảo Cô Tô.
Được biết, trong những năm gần đây, lượng khách du lịch biển đảo Cô Tô liên tục tăng tạo không ít áp lực cho du lịch huyện đảo này nhưng việc đảm bảo môi trường du lịch luôn được quan tâm. "Ngoài chuẩn bị các hạ tầng, dịch vụ, công tác quản lý, xây dựng thương hiệu, minh bạch, bảo vệ quyền lợi du khách là một trong những điều được quan tâm hàng đầu. Bởi đó cũng chính là bảo vệ quyền lợi, thương hiệu cho doanh nghiệp và du lịch địa phương" - ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng phòng Văn hoá- Thông tin và Du lịch huyện chia sẻ.
Theo đó, chuẩn bị cho mùa du lịch, các kế hoạch du lịch của huyện đã sớm được Phòng Văn hoá - Thông tin và Du lịch tham mưu, xây dựng ngay từ đầu năm thay vì sát dịp cao điểm hè như trước đây. Từ đầu năm, huyện đã lên kế hoạch cho kiểm tra toàn bộ các cơ sở du lịch, kiểm tra về cơ sở vật chất tối thiểu, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động… rồi công khai danh sách cơ sở đủ điều kiện đón khách.
Đề cao lành mạnh môi trường du lịch, huyện Cô Tô thường xuyên kiểm tra, xử lý, quyết liệt với những sai phạm, làm chặt niêm yết giá, các hoạt động lữ hành tránh trường hợp các đơn vị tổ chức tour tự phát... Hiện huyện đã kiện toàn đường dây nóng du lịch, niêm yết số điện thoại của người đứng đầu huyện, cấp xã... qua đó du khách có thể thông tin, phản ánh trực tiếp, khuyến khích cách làm du lịch chuẩn mực.
Đồng thời, lãnh đạo huyện, các phòng ban đã tham gia các nhóm, mạng xã hội về du lịch Cô Tô để kịp thời nắm bắt thông tin trao đổi với các bên, thực hiện các cuộc kiểm tra, trao đổi đề xuất xử lý kịp thời khi có kiến nghị, phản ánh. Theo đó, năm 2022 và 2023, cơ quan chức năng huyện đã vào cuộc kiểm tra, xử lý 10-13 cuộc sau phản ánh của du khách qua mạng xã hội, đường dây nóng; đã xử lý nhiều cơ sở với những chế tài mạnh như xử phạt, đền bù đảm bảo quyền lợi, cam kết không tái phạm…
Không chỉ vậy, huyện Cô Tô còn thúc đẩy ứng dụng số, triển khai một số nền tảng hạ tầng hiện đại trong phát triển du lịch tạo nhiều tiện ích cho du khách qua các nền tảng hạ tầng số; số hóa các thông tin du lịch cần thiết (về thời tiết, lịch tàu chạy, giá cả...) vào mã QR để du khách có thể truy cập khi tới đảo; áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt... Để sâu sát, huyện cũng giao cho các xã trách nhiệm quản lý địa bàn, tiếp nhận thông tin và xử lý đầu tiên rồi phối hợp với Phòng Văn hoá- Thông tin và Du lịch, các cơ quan chức năng khác để làm rõ bảo vệ quyền lợi du khách và doanh nghiệp.
"Việc làm nhanh chóng chặt chẽ cũng là cách để bảo vệ quyền lợi du khách nếu thỏa đáng. Đồng thời cũng đảm bảo quyền lợi, thương hiệu tránh thông tin, điều tiếng không tốt cho doanh nghiệp. Vì thế, hiện cả doanh nghiệp và du khách đều tuân thủ tốt, đảm bảo giá cả, chất lượng phục vụ. Nhiều hành động đẹp, giúp đỡ du khách được du lịch Cô Tô thực hiện" - bà Phạm Thị Măng, Hội Du lịch Cô Tô chia sẻ.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()