Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 14/01/2025 01:23 (GMT +7)
Giữ màu xanh của biển
Thứ 4, 19/07/2023 | 10:17:30 [GMT +7] A A
Những năm qua, Quảng Ninh luôn quan tâm dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung, môi trường Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long nói riêng. Qua đó, ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu; các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, sự cố môi trường biển... đã được kiểm soát và quản lý hiệu quả.
Đặc biệt, tỉnh đã ban hành, triển khai thực hiện Bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường; Bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh. Đây là công cụ kỹ thuật, cơ sở pháp lý thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng KHKT tiên tiến để cải thiện quy trình sản xuất, xử lý chất thải.
Công tác quản lý, BVMT Vịnh Hạ Long được tăng cường thông qua hoạt động kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trên Vịnh. Trong 5 năm trở lại đây, các ngành chức năng của tỉnh đã xử lý 3 vụ phá rừng ngập mặn trái pháp luật với trên 4.000m2; 6 vụ vi phạm môi trường biển; cưỡng chế di chuyển bè mảng ra khỏi khu vực Vịnh Hạ Long...
UBND tỉnh cũng ban hành quyết định phê duyệt Đề cương xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thuỷ sản lợ, mặn tại Quảng Ninh; triển khai thực hiện Bộ tiêu chí nhãn sinh thái Cánh buồm xanh. Đồng thời, tăng cường giám sát các tàu du lịch và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch không sử dụng và bán sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần cho khách du lịch và yêu cầu các tàu du lịch có giải pháp BVMT, nhất là trong thu gom nước thải, rác thải sinh hoạt từ tàu du lịch hoạt động trên Vịnh... Công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được triển khai hiệu quả. Tỉnh đã xây dựng quy trình TTHC trong lĩnh vực môi trường, thực hiện trên hệ thống Chính quyền điện tử tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, thời gian thực hiện giảm từ 30-70% theo quy định, tạo thuận lợi cho các đối tượng thực hiện TTHC lĩnh vực môi trường.
Tại khu vực Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhằm kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm, những yếu tố tác động và ảnh hưởng đến môi trường. Tại khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long, các ngành chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải; hoàn thiện lắp đặt 2 thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt Jokaso của Nhật Bản, thu gom xử lý tại đảo Titop, nước thải đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra Vịnh Hạ Long...
Tại các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long, các đơn vị đã tổ chức thu gom, xử lý rác thải tại các luồng, tuyến, khu vực dịch vụ, chân đảo, bãi cát; lắp đặt 3 hệ thống xử lý nước thải tại các điểm tham quan, 10 thùng rác nổi cỡ lớn, 117 thùng rác tại các điểm tham quan với khối lượng rác được thu gom, vận chuyển về bờ đi xử lý từ năm 2018 đến nay khoảng 2.500 tấn. Đến nay, 100% tàu du lịch lắp đặt thiết bị phân ly dầu - nước; tổ chức tuyên truyền, vận động 204 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch, 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kayak, đò chèo tay và 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trên Vịnh Hạ Long, tại cảng. Đến nay, tỷ lệ rác thải nhựa dùng một lần phát sinh từ hoạt động du lịch đã giảm đến 90%. Anh Ngô Quốc Thịnh (khách du lịch đến từ TP Hà Nội), cho biết: Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan tươi đẹp, vùng biển Quảng Ninh luôn là nơi hấp dẫn, thu hút du khách. Đến Hạ Long, tôi đã đi tàu tham quan Vịnh Hạ Long, ngắm cảnh núi non hùng vĩ. Cảm nhận của tôi là môi trường biển thực sự sạch sẽ. Rác thải được thu gom, không còn hiện tượng rác trôi nổi trên biển; du khách cũng nâng cao ý thức trong bỏ rác đúng quy định...
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cùng với các giải pháp đồng bộ, thiết thực, công tác BVMT tại di sản, danh thắng trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các khu, điểm du lịch được trang bị thiết bị, cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác vệ sinh môi trường, như: Hệ thống thu gom và xử lý nước thải, bố trí hệ thống thùng rác hợp lý, đảm bảo mỹ quan thân thiện với môi trường; hệ thống bảng biểu tuyên truyền về các quy định thực hiện BVMT được các đơn vị bố trí tại các không gian thoáng, rộng, dễ nhìn để du khách dễ đọc và thực hiện đầy đủ.
Ngoài ra, các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn cũng tích cực đổi mới công nghệ khai thác, triển khai nhiều giải pháp BVMT, như: Xây dựng và vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung; đầu tư hệ thống ép bùn, lắng lọc và sử dụng tuần hoàn nước, cơ bản không thải ra môi trường tại các nhà máy tuyển than; cải tạo phục hồi môi trường các khu vực khai trường, bãi thải cũ... Hầu hết, các đơn vị đang có hoạt động khai thác, chế biến đá trên địa bàn đã lắp đặt nhà khung kín tại bộ phận sàng và nghiền; lắp đặt hệ thống phun nước dập bụi tại máng cấp liệu...
Hiện tỉnh đang quyết liệt triển khai lộ trình đóng cửa mỏ, giảm dần và tiến đến chấm dứt khai thác than lộ thiên đối với các dự án tại vùng Hạ Long và Cẩm Phả, tăng dần sản lượng khai thác than hầm lò và hiện đại hóa công nghệ khai thác, giảm tối đa tổn thất tài nguyên, bảo đảm phát triển bền vững, cảnh quan du lịch, đô thị và nâng cao đời sống nhân dân.
Với nhiều giải pháp tích cực trong công tác BVMT, vùng biển Quảng Ninh ngày càng xanh - sạch - đẹp, tạo môi trường trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hài hoà, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()