Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:29 (GMT +7)
Giữ mạch đập văn hóa cho phát triển
Chủ nhật, 24/03/2024 | 12:23:45 [GMT +7] A A
Năm 2024, huyện Cô Tô xác định việc xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Cô Tô là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn.
Những di sản văn hóa tiêu biểu
Tháng 4/2022, cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên đảo Cô Tô được khánh thành. Tháng 5/2022, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Trải qua hàng thập kỷ, Khu di tích là nơi để giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong cả nước. Tính từ năm 2015 đến 2023, có gần 400 sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, thể thao và du lịch được tổ chức tại khuôn viên khu di tích, như: Lễ khởi công và khánh thành Dự án điện lưới ra đảo Cô Tô, đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, triển lãm sưu tập chữ ký và bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô...
Mấy năm qua, chùa Trúc Lâm Cô Tô và chùa Trúc Lâm đảo Trần được xây dựng là những công trình văn hoá, tôn giáo có ý nghĩa quan trọng mang đậm dấu ấn nền văn hóa Việt Nam, tính chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Năm 2024, Lễ hội Mở cửa biển xã Thanh Lân được phục dựng là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Thanh Lân nói riêng và huyện Cô Tô nói chung nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng phát triển. Lễ hội giữ gìn văn hóa phi vật thể đặc sắc cũng như nghi thức mang đậm tín ngưỡng dân gian của ngư dân vùng biển đảo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Đề cao giá trị con người
“Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” là chủ đề công tác năm trong Nghị quyết số 28-NQ/HU, ngày 15/12/2023 của Huyện ủy Cô Tô về phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Theo đó, UBND huyện Cô Tô đã xây dựng Kế hoạch chuyên đề thực hiện chủ đề công tác năm 2024 với nhiệm vụ đặt ra là phát triển con người Cô Tô toàn diện, thực sự là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển.
Những giải pháp cụ thể mà huyện phấn đấu thực hiện trong năm 2024 là yêu cầu phải nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần của người dân; tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
Cùng với đó, huyện cũng quan tâm dành nguồn lực để đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật... Tập trung phát triển dịch vụ văn hóa trở thành một mũi đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu Cô Tô, lựa chọn đại sứ thương hiệu văn hóa Cô Tô để quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế văn hóa và con người Cô Tô.
Văn hóa - động lực phát triển
Với quan điểm đầu tư cho văn hóa, con người là đầu tư cho phát triển bền vững, huyện Cô Tô ưu tiên khai thác có hiệu quả các lợi thế về địa lý, các tiềm năng du lịch về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa, biến tiềm năng văn hóa thành những sản phẩm, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, thắng cảnh được thực hiện tốt. Việc giáo dục truyền thống văn hóa địa phương trong trường học được triển khai đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các hoạt động sáng tác, biểu diễn, quảng bá văn học, nghệ thuật được quan tâm, tạo điều kiện phát triển thông qua các cơ chế, chính sách cụ thể. Việc xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; văn hóa trong kinh tế; xây dựng văn hóa số được chú trọng, tăng cường.
Trong quy hoạch của tỉnh đến năm 2030, huyện Cô Tô được định hướng là khu vực huyện đảo tiền tiêu có kinh tế phát triển; là khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao gắn với văn hoá lịch sử và thắng cảnh thiên nhiên... Bởi vậy, huyện kiên trì chuyển đổi phương thức phát triển xanh, bền vững dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên, con người và văn hóa. Trên cơ sở đó lựa chọn sản phẩm văn hóa chủ lực có trọng tâm, trọng điểm mà địa phương có tiềm năng, lợi thế nhằm tạo đột phá trong đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ.
Thu Báu (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()