Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 13:29 (GMT +7)
Từ căn bếp nhỏ...
Chủ nhật, 20/10/2024 | 16:22:47 [GMT +7] A A
Hơn 30 năm nay, tiệm bánh nhỏ của gia đình bà Lê Thị Kim Thùy (nằm ngay cạnh chợ thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên) ngày ngày vẫn đỏ lửa, cho ra những mẻ bánh chả thơm ngon. Từ căn bếp nhỏ của bà Thùy, nghề làm bánh chả của Tiên Yên đang được gìn giữ, trao truyền và phát triển, trở thành nét đẹp văn hóa ẩm thực đặc sắc nơi vùng đất ngã ba sông.
Bà Thùy được truyền nghề làm bánh chả từ bố của mình, rồi bà lại truyền nghề cho con và đến nay là cho cháu. Tính ra, nghề làm bánh chả Tiên Yên đã và đang được gia đình bà Thùy duy trì qua 4 thế hệ. Theo lời kể của bà Thùy, những năm 90 của thế kỷ trước, kinh tế khó khăn, ông cụ thân sinh ra bà lúc ấy là cán bộ nhà nước, vì nhà đông con lại khó khăn nên ông cụ làm thêm nghề phụ là làm bánh để có thêm thu nhập.
“Khi còn nhỏ, tôi phụ bố làm bánh. Lớn hơn, tôi gánh bánh chả và nhiều thức quà ăn vặt khác đi bán rong khắp các ngõ phố. Sau này khi trưởng thành, có công việc ổn định trong cơ quan nhà nước, tôi vẫn làm bánh chả vào mỗi dịp lễ, Tết, cuối năm vừa để kiếm thêm thu nhập vừa để duy trì nghề gia truyền” - bà Lê Thị Kim Thùy nhớ lại.
Bà Thùy nghỉ hưu sớm và dành toàn bộ thời gian, tâm huyết cho việc làm bánh. Lúc ấy, làm bánh chả mới chính thức trở thành kế sinh nhai chính của cả gia đình. Nếu như trước đây chỉ dịp đặc biệt bà mới làm bánh thì nay cứ ba đến năm hôm, gia đình bà lại sản xuất một mẻ bánh mới. Mỗi mẻ phải tới 50 cân bột. Từ nướng bằng bếp than, bà chuyển sang nướng bằng lò điện và đầu tư thêm máy đóng gói để tăng năng suất và để bảo quản bánh tốt hơn. Năm 2016, gia đình bà làm hồ sơ và được xếp hạng OCOP 3 sao với sản phẩm bánh chả gia truyền. Nghề gia truyền nay đã trở thành nghề truyền thống của huyện.
Từ căn bếp nhỏ của mình, bà Thùy tạo cho gia đình kế sinh nhai ổn định, nuôi 3 người con học hành đầy đủ. Hai trong số đó đang nối nghề của gia đình. Người con gái lớn còn mở được chuỗi cửa hàng bánh ngọt nổi tiếng ở Hạ Long. Nghề làm bánh chả như sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình bà Thùy với nhau. Cả gia đình như một xưởng làm bánh thu nhỏ mà ở đó, công việc của người này lại liên quan tới người kia. Mọi người đều cố gắng làm tốt phần việc của mình để cho ra những mẻ bánh chả thơm ngon.
Trong quy trình đó, bà Thùy và hai người con dâu phụ trách trộn bột, làm nhân, nặn bánh. Con trai bé của bà Thùy phụ trách nướng bánh, vận hành máy đóng gói. Mọi người cũng sẵn sàng giúp đỡ nhau khi một người đang dở việc. Vào guồng sản xuất, dường như cả gia đình vận hành theo một nhịp điệu riêng vừa nhịp nhàng vừa ăn khớp.
Trong căn bếp nhỏ, bà Thùy truyền nghề cho các con theo hình thức "cầm tay chỉ việc": Không có cốc đo hay cân định lượng mà mọi người làm theo “cữ tay” hoặc ước lượng theo thói quen. Tất cả là bài học của sự quan sát và kinh nghiệm. Dần dần qua sự chỉ bảo tận tình và tỉ mỉ của bà, những người con đã yêu nghề gia truyền từ bao giờ không hay.
Trước đây, bà Thùy phải gánh bánh chả đi bán rong để kiếm người mua thì nay lớp trẻ chỉ cần đăng hình ảnh một mẻ bánh mới ra lò lên mạng xã hội là đã có người đặt hàng. Bánh nhà bà Thùy nhờ đó làm đến đâu, hết đến đấy. Khách đặt ship hoặc tìm tới tận nơi để mua. Nghề truyền thống của gia đình bà Thùy đang được các con tiếp nối và ngày càng phát triển trong thời đại số.
Từ căn bếp nhỏ của bà Thùy, nghề làm bánh chả Tiên Yên đã được trao truyền, tiếp nối thế hệ để trở thành nghề truyền thống của mảnh đất Tiên Yên, góp phần tạo thêm đặc sản cho vùng đất ngã ba sông và trở thành sản phẩm tiêu biểu gắn với văn hóa và nhịp sống, sinh hoạt người dân địa phương với câu chuyện đời thường thật giản dị mà cũng đong đầy yêu thương.
Được biết, Tiên Yên hiện có 3 hộ sản xuất bánh chả truyền thống. Tất cả đều tập trung tại thị trấn. Bên cạnh việc tuyên truyền và hỗ trợ để các hộ sản xuất đầu tư quảng bá và nâng cao chất lượng sản phẩm, UBND thị trấn Tiên Yên còn có kế hoạch gắn các món ăn truyền thống như bánh chả với không gian văn hóa đặc sắc của Phố cổ Tiên Yên.
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()