Tất cả chuyên mục

Những giá trị lịch sử và nét đẹp văn hóa dân gian từ lâu đã được xem là hồn cốt, là bản sắc của mỗi quốc gia, dân tộc. Thật đáng trân quý khi giữa nhịp sống hiện đại hối hả hôm nay, lớp trẻ không những không lãng quên mà còn ngày càng nâng niu, trân trọng, đồng thời không ngừng sáng tạo trong cách tiếp nối, làm sống dậy mạch nguồn văn hóa ngàn đời. Chính sự tiếp nối đầy tâm huyết ấy đã góp phần lan tỏa vẻ đẹp văn hóa của quê hương, đất nước đến với bạn bè khắp năm châu.
Trân trọng và tự hào
Những ngày qua, MV "Bắc Bling" (Bắc Ninh) của ca sĩ Hòa Minzy đã gây tiếng vang lớn, nhận được sự yêu mến và hưởng ứng nồng nhiệt từ khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Hàng loạt video cover, tiết mục văn nghệ trên nền nhạc của ca khúc được học sinh nhiều trường học thể hiện đã cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ của một sản phẩm âm nhạc mà còn là tình yêu dành cho văn hóa dân tộc ngày càng được thắp sáng.
Cùng thời điểm đó, cuối tháng 3 vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, sự kiện gần 5.000 bạn trẻ khoác lên mình áo dài, áo tứ thân, áo ngũ thân và các trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam trong khuôn khổ concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu và giàu cảm xúc. Sự kiện này đã xác lập kỷ lục Guinness thế giới với danh hiệu “Sự kiện có số lượng người mặc trang phục truyền thống nhiều nhất”. Không chỉ là một sự kiện âm nhạc, “Anh trai vượt ngàn chông gai” còn tạo nên một không gian văn hoá kết nối người trẻ qua âm nhạc, trang phục và niềm tự hào dân tộc. Kỷ lục vừa được xác lập không đơn thuần là con số, mà là minh chứng cho tinh thần gắn kết và sự trân trọng giá trị truyền thống trong một thế hệ hiện đại hôm nay.
Không chỉ hòa mình trong những trào lưu ý nghĩa ấy, xuất phát từ tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc, tuổi trẻ Quảng Ninh bằng những cách làm sáng tạo, đã và đang truyền cảm hứng, góp phần nuôi dưỡng và lan tỏa nét đẹp văn hóa đó vào đời sống đương đại, nhất là trong giới trẻ.
Đó là trào lưu “Quảng Ninh trong tôi là…” do Tỉnh Đoàn - Hội LHTN tỉnh phát động nhằm kêu gọi sự tham gia của thanh thiếu niên và người dân vào hoạt động đổi mới sáng tạo và truyền thông văn hóa về tỉnh Quảng Ninh trên mạng xã hội. Từ đây, tạo ra sân chơi để các bạn trẻ thể hiện sự sáng tạo, khả năng ứng dụng công nghệ, kỹ năng thực hành chuyển đổi số vào việc lan tỏa giá trị văn hóa qua các nền tảng số trong thời đại mới. Đặc biệt, các tác phẩm xuất sắc sẽ được trưng bày và sử dụng trong các chiến dịch quảng bá du lịch, văn hóa của Quảng Ninh.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Phương Thảo chia sẻ: “Không chỉ dừng lại là một “trào lưu”, chúng tôi mong muốn với “Quảng Ninh trong tôi là…”, những hành trình, những bức ảnh được chụp tại các địa điểm, di tích lịch sử, những cảm nhận bình dị, gần gũi của mỗi bạn trẻ về quê hương, văn hóa, con người Quảng Ninh sẽ được chia sẻ nhiều hơn, mới mẻ hơn, sâu sắc hơn. Qua đó, không ngừng khơi dậy niềm tự hào về quá khứ hào hùng, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tình yêu quê hương, đất nước thường trực trong tim mỗi người và tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Thông qua trào lưu “Quảng Ninh trong tôi là…” cũng là cách để thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên Vùng mỏ thể hiện vai trò của những người tiên phong đưa văn hóa quê hương vươn xa, hòa mình vào dòng chảy hiện đại mà vẫn giữ trọn bản sắc độc đáo riêng có”.
Cùng với đó, những sân chơi văn nghệ tại các trường học ngày càng trở thành không gian sáng tạo và giao lưu ý nghĩa, nơi học sinh, sinh viên thể hiện khát vọng quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đơn cử, chương trình “Giai điệu tuổi trẻ - Youth Melody” do trường THPT Chuyên Hạ Long tổ chức vào tháng 3 vừa qua không chỉ là dịp để học sinh thể hiện tài năng nghệ thuật, mà còn là minh chứng rõ nét cho tinh thần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ hôm nay.
Với những tiết mục đặc sắc như “Âm vang nguyên khí Việt Nam”, “Truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên”, “Hồn Việt trong nhịp trống cơm”… các em đã dẫn dắt khán giả trở về với hào khí ngàn năm của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào sâu sắc về cội nguồn con Rồng cháu Tiên, dòng giống Lạc Hồng. Thông qua từng lời ca, điệu múa, học sinh trường THPT Chuyên Hạ Long đã thể hiện tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc và khát vọng tiếp nối, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đến cộng đồng một cách đầy sáng tạo và xúc động.
Bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc
Đam mê các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng là cách những người trẻ gìn giữ, thể hiện niềm tự hào và lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc. Bởi vậy, những lớp học thêu trang phục truyền thống của dân tộc Dao, học hát Then - đàn Tính của dân tộc Tày, hát Soóng Cọ của dân tộc Sán Chỉ tại các địa phương như Bình Liêu, Hạ Long, Tiên Yên, Đầm Hà... vẫn được truyền dạy thường xuyên trong các nhà trường hay tại nhà văn hóa thôn, xã mỗi dịp hè thu hút đông đảo thanh thiếu nhi tham gia. Từ đây, vào mỗi dịp lễ hội truyền thống tại địa phương, thanh thiếu nhi trở thành lực lượng đông đảo tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian.
Chị Trần Thị Hường, Bí thư Huyện Đoàn Bình Liêu, cho biết: Với đặc thù là huyện miền núi biên giới, có trên 96% dân số là đồng bào DTTS, các cấp bộ Đoàn luôn chú trọng tuyên truyền, giáo dục ĐVTN nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua các mô hình như CLB “Thanh niên dân tộc văn minh tiến bộ”, “Thanh niên bảo tồn văn hóa truyền thống”, nhiều hoạt động thiết thực đã thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Đặc biệt, trước sự phát triển của du lịch Bình Liêu những năm gần đây, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn khởi nghiệp với các mô hình dịch vụ, du lịch gắn với văn hóa bản địa như: Xây dựng homestay mang đậm nét truyền thống, phục vụ ẩm thực dân tộc, biểu diễn văn nghệ dân gian… Nhiều bạn còn sáng tạo nội dung quảng bá văn hóa trên các nền tảng số như Facebook, TikTok, YouTube, góp phần lan tỏa hình ảnh văn hóa Bình Liêu đến với đông đảo du khách.
Bên cạnh đó, nhiều trường học tại các huyện miền núi từ nhiều năm nay đã tổ chức cho thầy cô giáo, học sinh mặc trang phục dân tộc tới trường học; lồng ghép các hoạt động gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc vào các tiết học trải nghiệm. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các trường học và Bảo tàng tỉnh, các khu bảo tồn văn hóa địa phương tổ chức các giờ học, hoạt động trải nghiệm tìm hiểu lịch sử, văn hóa địa phương cũng được thực hiện thường xuyên, qua đó bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Xác định việc giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch sẽ góp phần phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, tuổi trẻ toàn tỉnh đã tiên phong, sáng tạo ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng và triển khai gắn mã QR tại gần 300 địa chỉ đỏ, điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh, nhằm cung cấp thông tin, thuyết minh tự động trong quảng bá văn hóa, du lịch cho người dân và du khách. Trong 3 năm qua, các cấp bộ Đoàn tổ chức trên 1.500 chương trình “Hành trình về nguồn”, đưa thanh thiếu nhi đến tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, bồi đắp tình yêu, niềm tự hào dân tộc.
Phát triển văn hóa dân tộc không chỉ là việc gìn giữ những giá trị truyền thống, mà còn là hành trình giới thiệu tinh hoa văn hóa Việt ra thế giới, khẳng định bản sắc, vị thế và những đóng góp của dân tộc ta trong dòng chảy văn hóa nhân loại. Trên hành trình ấy, thế hệ trẻ chính là những người tiếp “lửa” bằng tất cả tình yêu, trân quý cội nguồn, bằng khát vọng khám phá và sáng tạo không ngừng, để viết tiếp câu chuyện văn hóa của dân tộc theo cách rất riêng, rất mới và vươn xa trong niềm kiêu hãnh, tự hào.
Ý kiến ()