Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:48 (GMT +7)
Gìn giữ, phát huy nét đẹp Tết trồng cây
Thứ 2, 07/02/2022 | 07:42:51 [GMT +7] A A
“Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phát động Tết trồng cây lần đầu tiên năm 1959, nay đã trở thành phong trào lan tỏa khắp các địa phương trong nước cũng như tỉnh Quảng Ninh. Ngay từ những ngày đầu của năm mới, hàng nghìn cây xanh được trồng, như một biểu tượng đẹp đẽ và sống động nhất của sức sống mới, sự gắn kết hài hòa giữa con người và thiên nhiên…
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, tất cả huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều tích cực tham gia phong trào Tết trồng cây. Đây không chỉ là truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, mà còn là nhiệm vụ mở đầu của năm mới. Qua đó, đẩy mạnh phong trào thi đua, nâng cao tỷ lệ che phủ và chất lượng rừng trồng.
Theo số liệu thống kê, từ phong trào này, mỗi năm tỉnh có hơn 10.000ha rừng trồng mới. Riêng năm 2021, toàn tỉnh trồng trên 12.300ha rừng, tăng gần 11% so với năm 2020; đặc biệt trong đợt phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Tân Sửu 2021, toàn tỉnh trồng gần 704.000 cây các loại, đạt 118% so với chỉ tiêu kế hoạch của UBND tỉnh giao, tăng hơn 1,8 lần so với kết quả trồng năm 2020. Sau Tết trồng cây, không chỉ diện mạo các vùng đô thị, nông thôn ngày càng văn minh, xanh, đẹp hơn, mà diện tích rừng cũng ngày càng tăng qua các năm. Hiện tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh đạt 55%, là một trong các tỉnh trong nước có độ che phủ rừng cao.
Để hoạt động Tết trồng cây thiết thực, hiệu quả, tháng 1/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Nhâm Dần 2022; phát động trồng cây gỗ lớn, cây bản địa và hưởng ứng thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh năm 2022. Trong đó, yêu cầu chung là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, trồng cây, bảo vệ rừng, gắn với phát triển kinh tế - xã hội; tạo phong trào mạnh mẽ và huy động được các tầng lớp nhân dân, tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang tích cực trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng. Tết trồng cây năm 2022 sẽ được thực hiện theo hướng thiết thực, nhằm hướng tới mục tiêu trồng mới ít nhất 2.500ha cây lim, giổi, lát bản địa ở những nơi có điều kiện phù hợp, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Đặc biệt hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm (2020-2025), tỉnh khuyến khích các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức Tết trồng cây năm 2022 với chỉ tiêu cao hơn 2 lần so với năm 2020. Riêng dịp đầu xuân, toàn tỉnh phấn đấu trồng trên 650.000 cây các loại. Bên cạnh trồng cây tạo cảnh quan tại các đô thị, các địa phương, đơn vị lồng ghép tổ chức kế hoạch trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, đảm bảo trong quý I/2022 trồng 1.500ha cây gỗ lớn, cây bản địa. Cùng với đó, gắn với hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên.
Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, 13/13 địa phương và các sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh đã đăng ký tổ chức Tết trồng cây với tổng số 828.601 cây với các chủng loại đa dạng và hữu ích cho địa phương: 2.700 cây lim, 13.370 cây giổi, 6.650 cây lát; 725.881 cây (sao đen, bằng lăng, bạch đàn, đước vòi tùng tháp, phượng, phi lao, thông, keo, cây ăn quả...); khoảng 80.000 cây thân thảo (cây hoa bụi, chuỗi ngọc…). Thời gian từ ngày 6/2/2022.
Thực hiện tốt Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2022 sẽ tạo thêm quyết tâm để nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh bước vào vụ trồng rừng mới, quyết tâm đưa kinh tế rừng trở thành thế mạnh, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()