Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 14:55 (GMT +7)
Giữ gìn và phát huy giá trị di sản phi vật thể
Chủ nhật, 29/12/2024 | 08:32:23 [GMT +7] A A
Trong những năm gần đây, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Quảng Ninh luôn được quan tâm bảo tồn và phát huy được giá trị quý báu.
Di sản văn hóa phi vật thể là những thứ không thể cầm nắm được, là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Tiến sĩ Ngô Hải Ninh, Trưởng Khoa Văn hóa, Trường Đại học Hạ Long, chia sẻ: Quảng Ninh của chúng ta là vùng đất cổ với những nét đẹp văn hóa đặc sắc cả về văn hóa vật thể lẫn văn hóa phi vật thể. Kho tàng văn hóa phi vật thể đó phản ánh sự hình thành và phát triển con người các dân tộc Quảng Ninh, trong đó, đại diện là các tộc người Kinh ở đồng bằng, người Tày, Sán Dìu, Sán Chỉ ở miền núi.
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao, trên địa bàn tỉnh hiện có 362 di sản văn hóa phi vật thể, thuộc 7 loại hình, gồm: 76 lễ hội dân gian truyền thống, 25 di sản, nghề thủ công truyền thống, 22 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 14 di sản ngữ văn dân gian, 168 di sản tập quán xã hội, 7 di sản tiếng nói chữ viết, 50 di sản tri thức dân gian. Đặc biệt, trong số 362 di sản này có 15 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; 2 di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt).
15 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Quảng Ninh gồm có: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát Nhà tơ; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dìu; Tục Kiêng gió của người Dao xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu; Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y TP Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái, huyện Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà; Lễ mừng cơm mới của người Tày TP Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà và 8 di sản lễ hội (gồm Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội đình Trà Cổ, Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Bạch Đằng, Lễ hội đình Đầm Hà, Lễ hội đình Vạn Ninh, Lễ hội Xuống đồng ở TX Quảng Yên).
Các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tài sản vô giá trong kho tàng văn hóa các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh. Hấp dẫn bậc nhất có lẽ là các lễ hội. Quảng Ninh có 76 lễ hội lớn, nhỏ diễn ra hằng năm. Một số lễ hội lớn diễn ra trong nhiều ngày, lại có những lễ hội mang tính hội vùng, thường thu hút đông đảo du khách. Đặc biệt, Quảng Ninh có 8 lễ hội nằm trong danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia vừa kể trên. 3 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia mới được công nhận tuy không thuộc loại hình lễ hội nhưng gắn bó chặt chẽ với lễ hội là tục Kiêng gió của người Dao, lễ cấp sắc của người Dao và lễ mừng cơm mới của người Tày.
Kể từ khi Luật Di sản văn hóa được ban hành, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được cụ thể hóa hơn với hàng loạt đề tài đã triển khai thực hiện. Riêng về lễ hội có các dự án bảo tồn như: Lễ hội đình Lục Nà, Lễ hội đình Làng Dạ, Lễ hội đình Giang Võng, Lễ hội Quan Lạn, Lễ hội Trà Cổ, Lễ hội đình Vạn Ninh, Lễ hội Đại kỳ phước làng Hải Yến, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Xuống đồng, Lễ hội đình Đầm Hà, Hội Lồng tồng của dân tộc Tày, Hội làng Bằng Cả dân tộc Dao Thanh Y...
Về sưu tầm diễn xướng dân gian có hát giao duyên của dân chài vùng biển tỉnh Quảng Ninh, bảo tồn và phát huy một số sinh hoạt văn hóa dân gian của ngư dân làng chài Cửa Vạn, tục hát Soóng cọ của tộc người Sán Chỉ huyện Bình Liêu... Sở Văn hóa - Thể thao và các địa phương đã phối hợp với Viện Văn hoá - Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng hát then - đàn tính của người Tày ở Bình Liêu, Hát dân ca và lễ cấp sắc của người Dao ở Hoành Bồ, lễ Đại phan của người Sán Dìu, lễ hội cầu mùa của người Sán Chỉ... Nhiều chương trình bảo tồn văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện và đem lại kết quả tốt, như: Hát nhà tơ - hát múa cửa đình, xuất bản sách Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh, phục dựng Lễ cầu mùa dân tộc Sán Chỉ (Tiên Yên), phục dựng Lễ hội đình Tràng Y (Đầm Hà), Lễ hội đình Lộ Phong (Hạ Long).
Đánh thức tiềm năng giá trị các di sản văn hoá phi vật thể, tỉnh Quảng Ninh đã đưa việc bảo tồn, khai thác các loại hình nghệ thuật truyền thống vào trong đời sống nông thôn làng xã, các trò chơi dân gian trong các lễ hội và thậm chí đưa vào trường học. Các địa phương như: Hạ Long, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Móng Cái rất quan tâm đến bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó trọng tâm chú ý là việc xây dựng các làng văn hóa. Khi đi vào hiện thực, các làng văn hóa sẽ tạo ra không gian diễn xướng cho các nghệ nhân có thể trình diễn các làn điệu dân ca, dân vũ để phục vụ khách du lịch...
Huỳnh Đăng
- Danh sách cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Tư
- 15 - là số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Quảng Ninh hiện nay
- Quảng Ninh có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Quảng bá nét đẹp di sản văn hóa phi vật thể
- Khai mạc triển lãm “Sắc màu Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Quảng Ninh trong văn hóa phi vật thể Việt Nam”
- Khám phá 7 Di sản Văn hóa phi Vật thể Quốc gia của thành phố Đà Nẵng
Liên kết website
Ý kiến ()