Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:34 (GMT +7)
Đầm Hà: Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương
Thứ 3, 19/03/2024 | 11:02:36 [GMT +7] A A
Nhằm thúc đẩy quảng bá các nét đẹp văn hóa, lịch sử của huyện nhà, tuổi trẻ Đầm Hà trong những năm gần đây đã có nhiều cách làm sáng tạo trong bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa và du lịch địa phương.
Đầm Hà là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, với những tập quán, nghệ thuật dân gian, di tích phong phú, đa dạng, đặc sắc. Do đó, cùng với đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng KT-XH, huyện Đầm Hà luôn xác định quan điểm văn hóa, con người chính là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển bền vững. Nhận rõ vai trò, trách nhiệm của mình, tuổi trẻ Đầm Hà đã và đang tích cực triển khai các hoạt động thiết thực để góp phần vào nhiệm vụ giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương.
Một trong những hoạt động được các cấp bộ Đoàn huyện Đầm Hà duy trì thường xuyên, có hiệu quả, là giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho thanh thiếu nhi. Trong đó phải kể đến các hoạt động giáo dục trải nghiệm thực tế gắn với giáo dục truyền thống hiệu quả cho thanh thiếu nhi như: “Hành trình về nguồn”, “Nói chuyện truyền thống”, các hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt dưới cờ cho thiếu nhi, các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi đoàn trong ĐVTN... Hoạt động giáo dục truyền thống luôn được tiếp nối, ngày càng đa dạng trong cách thức tổ chức, bám sát các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị, văn hóa của đất nước, của tỉnh và của huyện. Riêng trong năm 2023 và quý I năm 2024, toàn huyện đã tổ chức 20 chuyến hành trình về nguồn, tham quan, trải nghiệm các địa chỉ đỏ, thu hút sự quan tâm tham gia của gần 6.000 lượt thanh thiếu nhi.
Trong năm 2023, hoạt động giáo dục truyền thống được đẩy mạnh hướng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh và 75 năm Ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên huyện Đầm Hà. Với tinh thần đó, Huyện Đoàn đã phát động và hoàn thành thực hiện nâng cấp số hóa 2 địa chỉ đỏ khu di tích Cột cờ - Núi Hứa (xã Đại Bình) và tượng đài Liệt sĩ Hà Quang Vóc (thị trấn Đầm Hà). Nhiều đơn vị đã chủ động, sáng tạo trong thiết kế và sử dụng bộ công cụ infographic, poster, video... để có những sản phẩm truyền thông về văn hóa, lịch sử hấp dẫn, tạo được sức lan tỏa nhanh chóng trong đoàn viên, thanh thiếu nhi toàn huyện. Trong các chiến dịch tình nguyện hằng năm, Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn cũng đều chú trọng tới nội dung ra quân chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử, văn hóa của huyện nhà.
Vừa qua, huyện Đầm Hà vinh dự là địa phương đầu tiên trong cả nước được công nhận huyện NTM nâng cao, đồng thời lễ hội Đình Đầm Hà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Lực lượng ĐVTN của huyện cũng tiếp tục nêu cao tinh thần xung kích, tham gia phối hợp cùng tổ chức nhiều hoạt động trong dịp này, như: Tổ chức quảng bá nông sản địa phương, giao lưu văn nghệ, hỗ trợ du khách, vệ sinh môi trường... Tự hào trước những thành tựu của quê hương, tuổi trẻ Đầm Hà càng thêm quyết tâm, động lực để phát huy hơn nữa những bản sắc văn hóa đặc sắc của quê hương. Đơn cử như việc UBND và Đoàn Thanh niên xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà) đã tổ chức Lễ ra mắt câu lạc bộ “Hát Nhà tơ trong trường học” vào ngày 4/3/2024. Đây là cách để nhân lên tình yêu truyền thống trong các em học sinh, cụ thể với môn nghệ thuật Hát Nhà tơ – Hát múa cửa đình gắn liền với lễ hội Đình Đầm Hà của địa phương. Ngoài ra còn phải kể đến những công trình thanh niên tham giao lưu giữ nét văn hóa độc đáo của địa phương như phiên chợ Ba Nhất, Hát Sán Cố, Thêu trang phục Dao Thanh Phán... tại các xã vùng cao, DTTS như Quảng An, Quảng Lâm...
Những dấu ấn xung kích của tuổi trẻ Đầm Hà cũng đang góp phần vào nỗ lực chung của toàn huyện để triển khai Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()