Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:27 (GMT +7)
Giữ gìn trò chơi dân gian và thể thao dân tộc
Chủ nhật, 28/03/2021 | 14:30:53 [GMT +7] A A
Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, trò chơi dân gian và các môn thể thao dân tộc vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu được của người dân, đặc biệt tại các dịp lễ hội..
Thi ném còn trong hội làng Bằng Cả (TP Hạ Long). |
Với nhiều dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố, Quảng Ninh có hệ thống trò chơi dân gian và các môn thể thao dân tộc rất đa dạng, tồn tại từ lâu đời trong cộng đồng, đặc biệt là ở các khu vực vùng cao, miền núi. Đến nay, vẫn còn rất phổ biến các trò chơi như: ném còn, đẩy gậy, đánh khăng, cừ pộc, cừ cáy, ô ăn quan, đánh chuyền. Mỗi trò chơi dân gian lại hàm chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc.
Anh Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm TT-VH Bình Liêu, nhận định: Đồng bào dân tộc quan tâm đến yếu tố âm dương hòa hợp với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trong ngày hội lồng tồng (xuống đồng), nhiều trò chơi thể hiện quan niệm này, như: Kéo co tượng trưng cho việc kéo nguồn nước về để mùa màng phát triển, trò tung còn lấy biểu tượng hai chữ nhật nguyệt làm trang trí hai mặt tâm còn. Nếu ném thủng có nghĩa là âm dương giao hòa, mùa màng thuận lợi.
Đi cà kheo là trò chơi tập thể, thường được nam, nữ thanh niên chơi ở các bãi đất rộng, bằng phẳng. Người chơi phải lấy được thế cân bằng, có bước đi chính xác, sức khoẻ tốt và phải khéo léo kết hợp nhịp nhàng cả chân lẫn tay. Nếu ai ngã khi đang thi đấu hoặc không kịp thời gian thi đấu thì bị phạt theo quy định của cuộc chơi.
Đi cà kheo thường có các kiểu thi như thi đi bộ, thi chạy, đi nhanh, đi vào chỗ khó, chỗ gập ghềnh hoặc ruộng nước và thi đẩy nhau. Đi cà kheo không chỉ là trò chơi mà còn được tổ chức như lễ hội thi biểu diễn cà kheo, như: Làm xiếc, múa rồng, nhào lộn xà đơn, xà kép, đấu võ, đấu kiếm, khiêu vũ.
Trò chơi ném còn thường được tổ chức tại một bãi đất bằng phẳng, người ta đã dựng một cây tre cao làm cột, trên đỉnh cột có uốn vòng tròn dán giấy mỏng, một bên màu đỏ, một bên màu vàng tượng trưng cho âm dương. Quả còn là những mảnh vải màu được ghép lại thành hình vuông hoặc hình cầu, bên trong chứa hạt giống (thóc, ngô, đậu...) trộn cùng với tro đốt từ rơm hoặc trấu. Nhìn bề ngoài thì ném còn chỉ là một hình thức vui chơi trong lúc nông nhàn, tuy nhiên ẩn sâu trong trò chơi này là tín ngưỡng phồn thực.
Trong quan niệm của đồng bào, quả còn tượng trưng cho dương còn vòng tròn dán giấy đỏ, vàng trên cây tre tượng trưng cho âm. Khi quả còn được tung trúng vòng tròn trên cây là lúc âm dương hòa hợp. Chính vì thế, những gia đình hiếm muộn con cái rất hào hứng tham gia ném còn để cầu tự. Ném còn còn mang ý nghĩa cầu mùa.
Trước khi khép lại ngày hội, thầy mo sẽ rạch quả còn thiêng lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Bà con quan niệm hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm của những bàn tay nam, nữ.
Trò chơi đánh quay (miền xuôi gọi là đánh gụ) được chơi trong các dịp lễ, tết, lúc nông nhàn. Con quay được làm bằng gỗ có hình tròn, đầu nhọn có tác dụng là điểm chạm của con quay, đầu kia gọt bằng, dây đánh quay được nối với một đoạn păng (hay còn gọi là gậy păng) làm bằng trúc rừng.
Khi quay, người chơi thường quấn theo chiều tay thuận của mình để có thể đánh con quay mạnh và lật đổ đối phương. Mỗi lần con quay được văng ra thể hiện sức mạnh của người đàn ông trong bản, nếu con quay của đội nào quay càng lâu trên miếng ván làm bằng gỗ rừng thì đội đó sẽ chiến thắng.
Trò chơi đẩy gậy phù hợp với tố chất của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần ở thôn, bản. Gậy thi đấu làm bằng tre già (tre đực) thẳng hay những thanh gỗ tốt được sơn 2 màu đỏ và trắng. Đầu và thân gậy phải được bào nhẵn và có đường kính bằng nhau.
Sân thi đấu là một vòng tròn, nằm trong phạm vi của sân có màu trắng hoặc khác với màu nền sân. Theo quy định luật chơi, bên nào chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc.
Thi đẩy gậy tại Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Dao xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên. |
Hiện nay, không chỉ dừng lại ở trò chơi, môn đẩy gậy đã được đưa vào thi đấu mang tính chuyên nghiệp trong các cuộc thi thể thao. Đẩy gậy đã chính thức là 1 trong số 40 môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu của Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI-năm 2010.
Bên cạnh đẩy gậy, đua thuyền chải, võ thuật cổ truyền, bắn cung, bắn nỏ, kéo co... cũng đã được đưa vào thi đấu chính thức tại các giải thể thao thường niên, Đại hội TDTT tỉnh, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc. Từ các cuộc thi đấu này, nhiều môn thể thao dân tộc đã được bảo tồn, phát triển, nhân rộng.
Cùng với đó, các trò chơi dân gian xuất hiện hầu hết tại các lễ hội, ngày hội văn hóa - thể thao của các dân tộc ở lễ hội đình Lục Nà, Ngày hội Kiêng gió, Hội mùa vàng Bình Liêu, Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Sán Chỉ tại xã Đại Dực, Ngày hội Văn hóa, thể thao dân tộc Dao xã Hà Lâu ở Tiên Yên; Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Ba Chẽ; lễ hội làng của dân tộc Dao tại các xã Bằng Cả (TP Hạ Long), xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí) v.v..
Giao lưu bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ tại xã Húc Động, huyện Bình Liêu. |
Các trò chơi dân gian còn tạo cơ hội để người dân, du khách tìm hiểu thêm về văn hoá dân tộc, nhân lên tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh.
Để gìn giữ, phát huy các môn thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030”. Đề án tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn, khôi phục và phát huy những môn thể thao dân tộc, xây dựng cơ chế, chính sách; đào tạo nguồn nhân lực; củng cố, thành lập các liên đoàn thể thao dân tộc, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thi đấu, mở rộng nhiều mô hình hoạt động và tăng ngân sách đầu tư cho bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()