Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:24 (GMT +7)
Giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống trong dòng chảy hiện đại
Thứ 3, 19/03/2024 | 10:07:10 [GMT +7] A A
Trước xu thế phát triển tất yếu theo hướng hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, những giải pháp giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống tiếp tục được chú trọng triển khai thực hiện, nhằm khẳng định bản sắc riêng có, cũng là tạo nguồn lực mới cho phát triển bền vững của Quảng Ninh.
Giá trị văn hóa từ các lễ hội xuân
Mỗi lễ hội truyền thống đều là một “kho tàng” chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa đậm đà bản sắc mỗi vùng, miền, cộng đồng, dân tộc. Từng phong tục tập quán, nghi lễ, trang phục, âm nhạc, các trò vui chơi, ẩm thực... xuất hiện trong dịp lễ hội, chính là những mảnh ghép nhỏ hợp lại thành "bức tranh" khái quát về vẻ đẹp đời sống tinh thần của một vùng quê. Khi được hòa mình vào lễ hội, mỗi người dân, du khách được tìm hiểu về truyền thống lịch sử phát triển của vùng đất, về câu chuyện của những bậc tiền nhân đức độ mà cộng đồng nơi đó tôn vinh. Sau phần lễ là các phần hội với nhiều hoạt động phong phú, là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu, làm cho đời sống tinh thần của xã hội thêm phong phú; hoặc chiêm ngưỡng danh lam, thắng cảnh, ngắm nhìn các công trình di tích... và càng dày thêm tình cảm gắn bó với quê hương. Những ý nghĩa nhân văn như vậy đã làm nên sức sống lâu bền cho các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Vùng đảo Hà Nam của TX Quảng Yên hôm nay đang khoác trên mình diện mạo đổi thay hoàn toàn so với nhiều năm trước. Những cây cầu nối đôi bờ sông Chanh được xây dựng, giúp nhịp sống giao thương ngày càng thêm nhộn nhịp. Điện lưới, đường sá, đê điều, kênh mương tưới tiêu... được đầu tư đồng bộ, tạo nền tảng để kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững. Đặc biệt là trong suốt hành trình phát triển, các phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư nơi này vẫn được lưu giữ, kế thừa và phát huy trong dòng chảy cuộc sống hiện đại. Nổi bật phải kể tới Lễ hội Tiên Công vẫn đang được duy trì với sức sống mãnh liệt, được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia từ năm 2017.
Lễ hội Tiên Công diễn ra trong các ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng hằng năm, gắn với lịch sử hình thành khu đảo Hà Nam nhờ các vị tiền nhân có công đầu tiên quai đê lấn biển, lập làng. Đặc sắc nhất của lễ hội hằng năm chính là phần rước “cụ Thượng” - cách gọi cung kính với các cụ trong làng tròn 80, 90 và từ 100 tuổi trở lên. Vào ngày này, các cụ Thượng mặc áo gấm, nằm trên võng đào để con cháu rước lên miến Tiên Công cáo yết chư vị thần linh. Đoàn rước có đầy đủ các mâm lễ vật, hương án, đoàn múa lân dọn đường, đoàn cầm cờ, chiêng, trống, kéo nhạc... Qua đó đã khẳng định, nền nếp gia đình Việt Nam đề cao lòng hiếu thảo, văn hóa “kính lão đắc thọ” trong dòng tộc, xóm làng... vẫn luôn được tiếp nối.
Các lễ hội xuân trên địa bàn huyện Vân Đồn năm nay cũng được chuẩn bị tốt và đổi mới từ công tác tổ chức đến nội dung, với mục tiêu phát huy giá trị lịch sử trở thành một phần của văn hoá, con người giàu bản sắc Quảng Ninh. Đơn cử như tại Lễ hội đền Cặp Tiên thì ngoài các nghi thức truyền thống, Ban Tổ chức còn bố trí phần diễn tích về “Cô bé Cửa Suốt” - tương truyền bà là con gái của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng - danh tướng thời Trần, bà đã cùng cha đánh giặc giữ nước, giữ vững bình yên bờ cõi Cửa Suốt, vùng Đông Bắc nước ta. Vì vậy, lễ hội chính là dịp để các tầng lớp nhân dân được hiểu rõ hơn về câu chuyện lịch sử, khơi dậy lòng biết ơn và thành kính.
Năm 2024 cũng ghi dấu lần đầu lễ hội Đình - Miếu Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) được phục dựng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân địa phương. Tại đây đang thờ phụng 3 anh em thần tướng họ Phạm đã có công giúp tướng Trần Khánh Dư tiêu diệt đoàn thuyền lương của quân Nguyên, góp phần tạo nên chiến thắng Vân Đồn năm 1288. Do đó, lễ hội cũng là cách để các thế hệ thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, mãi mãi tri ân ông lao của các bậc cha ông đã bảo vệ non sông bờ cõi, viết nên trang lịch sử hào hùng...
Về với miền biên cương Móng Cái, Lễ hội đền Xã Tắc (phường Ka Long) tổ chức vào mùng 1 tháng 2 âm lịch hằng năm cũng là khoảng thời gian mà người dân, du khách thỏa sức đắm mình vào nét đẹp văn hóa của quê hương. Di tích đền Xã Tắc tọa lạc bên bờ sông Ka Long nối liền hai nước Việt Nam và Trung Quốc, được xem như là một “cột mốc” văn hóa khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia từ hàng trăm năm. Lễ hội đền hằng năm là dịp để nhân dân địa phương tế thần Xã (đất) và thần Tắc (lúa), thể hiện ước vọng của cư dân nông nghiệp về thời tiết mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống no đủ. Đồng thời nét đẹp văn hóa truyền thống cũng mang ý nghĩa giáo dục con cháu về tinh thần yêu lao động chân chính, gắn kết cộng đồng.
Có những nỗi niềm trăn trở
Lễ hội hay và đẹp là vậy, tuy nhiên bên cạnh những giá trị tích cực thì vẫn có nơi, có lúc lại bộc lộ những hạn chế cần được chấn chỉnh, khắc phục. Như việc lễ hội bị lạm dụng, thương mại hóa, trở thành nơi kinh doanh trục lợi quá đà, làm lu mờ giá trị văn hóa, lịch sử. Còn phải kể đến những hành vi biến tướng, tình trạng mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu... Rồi khi lễ hội tập trung quá đông người mà cơ sở hạ tầng còn chưa kịp đáp ứng, ý thức văn minh trong ứng xử còn chưa cao, lại dẫn đến ô nhiễm môi trường, chen lấn xô đẩy làm mất ANTT, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ khi đốt nhiều hàng mã, đặt tiền lễ không đúng quy định gây phản cảm... Tất cả những điều này đã được báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh nhiều nhưng vẫn chưa thể chấm dứt.
Câu chuyện về văn hóa không chỉ xoay quanh các lễ hội, mà trải rộng trong mọi khía cạnh của đời sống thường ngày. Trong dòng chảy hiện đại với xu hướng đô thị hóa, có những điều tích cực như phong cách sống ngày càng hiện đại, những hủ tục dần mất đi thay vào đó là sự văn minh, không còn nhiều những hiếu, hỉ rườm rà tốn kém. Những lễ nghi, tập tục, ứng xử trong gia đình, họ hàng, xóm phố cũng đơn giản, thông thoáng hơn...
Tuy nhiên cũng tồn tại không ít điều hạn chế, khi những dãy cao tầng, biệt thự, hàng quán... mọc lên san sát dọc theo những tuyến đường rộng dài thảm nhựa, khiến các khu dân cư như đang “mặc đồng phục”, mất đi bản sắc riêng. Rồi không gian xanh phải nhường chỗ cho những dự án khu đô thị mới, những công trình, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp... Số lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng giảm, cùng sự đa dạng trong cơ cấu lao động, việc làm đưa tới những thay đổi đáng kể trong nhịp sống, lối sống, ngày càng tất bật hơn theo tư duy thương mại.
Ông Phạm Văn Sách, Trưởng Ban CTMT thôn Tân Thành, xã Việt Dân, TX Đông Triều, bày tỏ: Tôi cho rằng thay đổi là điều tất yếu và cần thiết. Như những con đường đất nhỏ hẹp cần phải mở rộng, thảm nhựa, bố trí tiêu thoát nước, cắm biển báo giao thông... để đảm bảo an toàn. Rồi những làng nghề truyền thống cũng phải thay đổi phương thức, không gian sản xuất để tránh ô nhiễm môi trường công cộng, hạn chế tiếng ồn ra khu dân cư. Những khu chợ cóc tạm bợ cần phải được quy hoạch, bố trí lại để an toàn và thuận tiện hơn cho cả người mua, người bán... Đó chỉ là những yếu tố cải thiện chất lượng sống chứ không thể làm mất đi cái “hồn quê” được. Quan trọng là mỗi người đều có nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Tôi luôn nhắc nhở con cháu rằng làng quê mình có rất nhiều phong tục, tập quán đẹp. Nếu mải mê làm ăn kinh tế mà quên đi nếp nhà, để mai một “đất lề, quê thói” thì thật là có tội”.
Xã Việt Dân là lá cờ đầu của TX Đông Triều trong xây dựng NTM, với thành tích là xã đầu tiên của cả nước được công nhận đạt NTM kiểu mẫu vào năm 2019. Trong hành trình không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng NTM, tiêu chí về văn hóa luôn được Việt Dân chú trọng. Nét văn hóa ấy thể hiện trong tinh thần cần cù lao động, ở nếp ứng xử văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, cho tới các phong trào sôi nổi chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, bài trừ tệ nạn xã hội, sống thượng tôn pháp luật... Nguồn thu nhập hằng năm được nâng cao, người dân có điều kiện hưởng thụ nhiều loại hình giải trí mà thế hệ trước đây chưa có, như các câu lạc bộ, hội, nhóm thể thao, văn nghệ...
Chủ trương đi nhanh vào thực tiễn
Để văn hóa truyền thống trở thành nguồn lực nội sinh trong đời sống hiện đại, cần nhiều giải pháp quyết liệt từ các ngành chức năng và vai trò chủ thể của người dân. Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong đó đặc biệt quan tâm phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh là một khâu đột phá đã được nêu tại Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh.
Ngày 9/3/2018, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Trong đó, đặt mục tiêu là giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc... Theo đó, công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng, có cơ chế thích hợp để chuyển hóa thành nguồn lực phục vụ trực tiếp cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, hằng năm đều tổ chức các tuần văn hóa - thể thao, văn hóa - du lịch với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc. Qua đó, những nét văn hóa sinh hoạt, lao động truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh có được sức sống mới, với định hướng trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa các vùng miền, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Đến nay, Quảng Ninh đã có 13/13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Trong đó có 2 huyện Đầm Hà và Tiên Yên đạt chuẩn NTM nâng cao đầu tiên trong cả nước theo bộ tiêu chí Quốc gia giai đoạn 2021-2025. Có thể nói, quá trình xây dựng NTM đã tạo ra động lực và môi trường thuận lợi cho việc phục hồi, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Và chính các giá trị văn hóa truyền thống đó lại tạo nên bản sắc trong quá trình xây dựng NTM ở từng địa phương cụ thể. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành Du lịch và nhiều ngành nghề dịch vụ khác, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương. Thông qua tuyên truyền, vận động, người dân ngày càng phát huy vai trò chủ thể trong tham gia bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp của địa phương.
Tại các khu dân cư, hệ thống hương ước, quy ước được bổ sung các nội dung phù hợp về phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, với ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết... Từ đó đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, là nòng cốt xây dựng phong trào an sinh xã hội, giữ gìn ANTT, làm kinh tế giỏi, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển văn hóa, ngày 30/10/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Đồng thời xác định chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Trong đó, ngành văn hóa sẽ chủ trì, phối hợp để tham mưu cho tỉnh triển khai tốt các nhiệm vụ lớn về văn hóa, như: Đề án tăng cường công tác quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030; đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030; đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030...
Là người con của Quảng Ninh, chắc hẳn ai cùng tự hào với bề dày về lịch sử và truyền thống văn hóa của quê hương. Đó là kết tinh của sự giao lưu, hội tụ của cộng đồng nhiều dân tộc, thích ứng với đặc thù của vùng đất có đủ cả đồng bằng, trung du, miền núi và biển đảo, lại trải qua các thời kỳ phát triển từ tiền sử, phong kiến đến nay... Trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, rất cần các giải pháp cụ thể để thấu hiểu, gìn giữ, phát huy những vốn quý ấy tiếp tục là bản sắc riêng của Quảng Ninh khi bước vào hội nhập quốc tế.
Năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 17, đồng thời thực hiện chủ đề công tác năm của tỉnh “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, ngành Văn hóa đã xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh cho phát triển văn hóa; huy động các nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và quản lý, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, tài nguyên văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo và dịch vụ văn hóa; xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa tỉnh Quảng Ninh, trong đó xác định tập trung xây dựng các quy chế, nội quy, hệ thống các tiêu chí về môi trường văn hóa trong từng môi trường cụ thể, nhằm hình thành các chuẩn mực về văn hóa, đạo đức, hành vi ứng xử...
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()