Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:48 (GMT +7)
Hạ Long: Giữ gìn, phát huy giá trị các di tích
Thứ 6, 23/02/2024 | 15:25:06 [GMT +7] A A
TP Hạ Long hiện có 96 di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh. Nhằm phát huy giá trị các di tích, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thành phố quan tâm quản lý, đầu tư, tôn tạo các di tích.
Chùa Long Tiên tọa lạc dưới chân núi Bài Thơ (phường Bạch Đằng), là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của thành phố. Thời gian qua chùa thu hút rất đông người dân và du khách đến vãn cảnh, chiêm bái. Vì vậy, công tác quản lý được phường phối hợp với BQL Di tích lịch sử văn hóa chùa Long Tiên thực hiện chặt chẽ.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó BQL Di tích lịch sử văn hóa chùa Long Tiên, cho biết: Ban đã ban hành Nội quy của Di tích, đặt các biển hiệu khuyến khích người dân không thắp hương trong chùa, nghiêm cấm việc đốt vàng mã. Ban phối hợp với các lực lượng chức năng của phường tăng cường kiểm tra không để xảy ra tình trạng chèo kéo khách, đổi tiền lẻ, thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan trong khu vực chùa; quy định khu vực đỗ xe dành riêng cho ô tô, xe máy... nhằm hạn chế tình trạng mất ATGT tại cổng chùa.
Ở Quảng Ninh hiện có duy nhất một ngôi đền thờ vua Lê Lợi, người khởi xướng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, lên ngôi trở thành vị hoàng đế đầu tiên của triều Hậu Lê. Đó là đền thờ vua Lê Thái Tổ ở xã Lê Lợi (TP Hạ Long), đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2003. Đền được xây dựng cuối thế kỷ XV, tọa lạc trên một gò đất bằng phẳng, xung quanh là sông nước. Tại đền hiện còn lưu giữ 5 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng vào năm 1821 và năm 1846.
Với những giá trị về lịch sử và yếu tố tâm linh, đền thờ vua Lê Thái Tổ là nơi thu hút đông đảo người dân địa phương và các vùng lân cận đến tham quan, chiêm bái. Để khai thác, phát huy giá trị của di tích, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, thành phố đang triển khai dự án cải tạo, mở rộng ngôi đền này. Cuối tháng 12/2023, thành phố khởi công xây dựng tuyến đường giao thông kết nối vào đền giai đoạn 1, dài 610m, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 55 tỷ đồng.
Thành phố phối hợp với Sở VH&TT lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh trên núi Bài Thơ, di chỉ khảo cổ Hòn Hai Cô Tiên, đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn gắn với mở rộng Trung tâm Văn hóa núi Bài Thơ và quần thể Cụm di tích lịch sử núi Bài Thơ. Thành phố đang triển khai các bước lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các điểm di tích này nhằm xác định nội dung, biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích, định hướng tổ chức không gian các hạng mục xây mới, cảnh quan xung quanh đảm bảo phù hợp.
Thành phố đang phối hợp với Sở VH&TT lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan để đề xuất UBND tỉnh giao cho thành phố lập quy hoạch di tích cảnh hồ Yên Lập - chùa Lôi Âm, danh lam thắng cảnh núi Mằn, di tích lịch sử đình, miếu Yên Cư.
Thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch, quyết định, văn bản chỉ đạo công tác quản lý di tích trên địa bàn; thành lập các tổ công tác kiểm tra, rà soát các nội dung về tiền công đức, bài trí đồ thờ, hiện vật, hiện trạng di tích... Thành phố phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh và các đơn vị liên quan thực hiện khảo cổ một số di tích trên địa bàn, như đình Xích Thổ, chùa Hàm Long... Tại một số di tích có quy mô lớn, BQL di tích, nhà sư trụ trì, thủ nhang, thủ từ đã lắp đặt hệ thống camera, bố trí lực lượng trông coi, phối hợp với địa phương đảm bảo ANTT... Qua đó, giữ gìn nếp sống văn minh, phát huy giá trị di tích, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()