Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:31 (GMT +7)
Giữ gìn nét đẹp múa lân ngày tết
Thứ 5, 18/02/2021 | 15:27:48 [GMT +7] A A
Với nhiều người dân Việt Nam, điệu múa lân rộn ràng của các đoàn lân - sư - rồng đã không còn xa lạ. Đó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán. Với ước nguyện mùa xuân về sẽ đem lại nhiều sự bình an, may mắn và kỳ vọng về một năm mới tốt lành, múa lân đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc trong dịp tết cổ truyền của dân tộc.
Nét đẹp ngày tết
Theo quan niệm của người xưa, lân là con vật linh thiêng, thuộc một trong tứ linh: long, lân, quy, phụng; tượng trưng cho phúc, lộc, may mắn, thịnh vượng. Để có bài múa lân đẹp, lân không chỉ bắt mắt về ngoại hình mà động tác múa phải thể hiện sự uyển chuyển sinh động, mang lại bầu không khí nhộn nhịp, vui vẻ cho ngày hội và thể hiện được tình cảm, sự gửi gắm về một năm mới an lành, thịnh vượng đến người xem.
Múa lân chia làm 2 loại chính. Đầu tiên là lân truyền thống với môn leo cây cao 6m để hái lộc. Khi leo lên đỉnh cao rồi, lân tiếp tục múa, biểu diễn, gây sự thích thú, hồi hộp cho người xem. Đó mới là nghệ thuật. Để có thể biểu diễn một bài múa lân trên cột cao 6m đòi hỏi người múa lân phải có đủ kinh nghiệm, gan dạ, bản lĩnh và phải là người lâu năm trong nghề.
Anh Nguyễn Văn Đỏ, Trưởng đoàn lân - sư - rồng Chí Thiện đường, TX. Phước Long cho biết: “Nghệ thuật múa lân truyền thống còn có những môn biểu diễn như lân đấu địa, địa bửu, tức là những bài biểu diễn dưới đất. Dù độ khó và mức nguy hiểm của các bài lân đấu địa, địa bửu không cao nhưng cũng đòi hỏi sự khổ luyện của người theo nghề”.
Tiết mục trống hội mừng xuân do Đoàn lân - sư - rồng Chí Thiện đường biểu diễn |
Khác với múa lân truyền thống, mai hoa thung là môn múa lân mới hơn, thường được sử dụng trong các cuộc thi quốc tế. Môn này ra đời vào những năm 1970 tại Singapore. Mỗi năm lại có những đổi mới. Mai hoa thung cũng được xem là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, đòi hỏi người múa phải có nghề võ. Nếu một người chưa thể múa lân truyền thống thì không thể lên được dàn mai hoa thung. Những tiết mục múa lân mai hoa thung thường chỉ được các đoàn biểu diễn trong các buổi lễ khai trương đầu xuân, các sự kiện, lễ hội lớn trong ngày tết.
Trong một bài múa lân, những bước nhảy thể hiện sự uyển chuyển, nhịp nhàng tượng trưng cho ngoại hình, còn tiếng trống dồn dập, rền vang giữ vai trò như linh hồn của cả tiết mục. Người đánh trống phải có thẩm âm cực tốt, phối hợp với các điệu múa một cách nhuần nhuyễn thì mới thể hiện được hoàn hảo khí thế của lân. Một yếu tố quan trọng để có một bài múa, điệu nhảy đẹp mắt chính là sức khỏe, nhất là người cầm đuôi vì phải làm trụ vững chắc cho người cầm đầu lân có thể đứng trên người mình múa. Vào dịp năm mới, thường có những bài múa như: Trống hội mừng xuân, Tam lân hái lộc, Tứ quý lân, Lân lên mai hoa thung, múa rồng mừng xuân…
Ước nguyện đầu năm
Trong hơn 7 năm đứng ra thành lập đội lân, mỗi năm anh Nguyễn Tá Tuấn, Trưởng đoàn lân - sư - rồng Long Anh đường, TX. Bình Long đều nhận trên dưới 10 thanh, thiếu nhi vào đoàn. Tuy nhiên, cũng chỉ có nửa trong số đó có thể bám trụ cùng anh em trong đoàn. Một phần do các em không chịu được cái khó, cái khổ của việc tập luyện và một phần do niềm đam mê với múa lân của các em chưa đủ lớn. Nhất là vào dịp lễ, tết, cường độ tập luyện và thời gian đi biểu diễn thường cao hơn thường ngày nên phải là những người có độ bền, sức khỏe dẻo dai và quan trọng phải đam mê với tiếng trống lân thì mới bám trụ lâu với nghề.
Đoàn lân - sư - rồng Long Anh đường thành lập từ năm 2014, với hơn 10 thành viên ban đầu, đều là những người trẻ tuổi. Đến nay, đoàn thu hút hơn 30 thanh, thiếu nhi cùng chung niềm đam mê bộ môn múa lân tham gia. Thời gian đầu thành lập, đoàn gặp vô số khó khăn từ con người đến kinh phí hoạt động. Từ ước muốn phát triển đoàn lân, góp phần giữ gìn và phát huy bộ môn này, anh Tuấn đã tích lũy và đầu tư dần dần. Cùng với đó, anh ra sức tập luyện cho các thành viên trong đoàn, truyền niềm đam mê múa lân đến mỗi thành viên. Nhờ vậy, sau 7 năm hoạt động, đoàn lân - sư - rồng Long Anh đường đã tạo được thương hiệu. Hằng năm, dịp tết cổ truyền, đoàn luôn nhận được lời mời biểu diễn từ nhiều đơn vị, gia đình ở Bình Long, Phước Long, Chơn Thành, Bù Đăng và tỉnh Bình Dương.
Là đoàn lân có tiếng ở TX. Phước Long, đoàn lân - sư - rồng Chí Thiện đã qua 27 năm thành lập và xây dựng được thương hiệu. Sau khi người sáng lập đoàn qua đời, thế hệ con cháu đã nối tiếp sự nghiệp và thành lập thêm 1 chi nhánh mang tên Tân Nhi đường. Hiện nay, đoàn có 25 thành viên là những người trẻ, độ tuổi trung bình từ 20 trở lại, trong đó hầu hết là lứa tuổi thiếu niên có chung niềm đam mê môn nghệ thuật múa lân.
Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều đội lân - sư - rồng thuộc các huyện, thị xã, thành phố Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long, Lộc Ninh, Phú Riềng... Hầu hết những thành viên tham gia đoàn lân đều trẻ tuổi. Với niềm đam mê múa lân, những người trẻ cùng quyết tâm đưa bộ môn nghệ thuật múa lân - sư - rồng ở Bình Phước ngày càng phát triển. Tiếng trống lân rộn ràng hòa cùng vũ điệu đặc sắc của con lân sẽ mãi làm không khí ngày xuân trên đất Bình Phước thêm hứng khởi, tươi mới; tô điểm mùa xuân Tân Sửu thêm rộn ràng, nồng ấm cho tất cả mọi người, mọi nhà.
Theo Hồng Phương/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()