Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:23 (GMT +7)
Giữ gìn “lá phổi xanh”
Thứ 3, 01/03/2022 | 08:20:44 [GMT +7] A A
Nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để bảo vệ và phát triển rừng đã và đang được tỉnh Quảng Ninh chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Bởi việc giữ gìn tốt “lá phổi xanh” cũng chính là cách để ươm mầm cho hàng loạt những lợi ích to lớn về môi trường, khí hậu, cảnh quan, nguồn sinh kế ổn định... cả trước mắt và lâu dài.
Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về lâm nghiệp
Ngay sau khi Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, Quảng Ninh đã ra nghị quyết chuyên đề riêng về nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 19) đã trở thành kim chỉ nam để các ngành, địa phương trong toàn tỉnh có sự phối hợp, thống nhất hành động một cách quyết liệt, chặt chẽ, hướng tới mục tiêu chung là bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng. Trong đó bao gồm những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất rõ ràng, khoa học, trên cơ sở phát huy tiềm năng sẵn có và đáp ứng xu hướng phát triển trong tình hình mới.
Cụ thể theo Nghị quyết 19, toàn tỉnh thời điểm đó có 70% diện tích tự nhiên là rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp (trên 420ha); độ che phủ đạt khoảng trên 54%; hệ sinh thái rừng được đánh giá là tương đối phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng còn một số hạn chế tồn tại, như: Hệ thống cơ chế, chính sách của tỉnh chưa tạo đột phá, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng mới, chuyển rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn... nguồn lực đầu tư cho phát triển rừng còn dàn trải, chưa rõ hiệu quả; thực hiện chính sách phát triển lâm nghiệp một số nơi còn hạn chế. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng sang nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, xây dựng trái phép... vẫn còn xảy ra; tính đa dạng sinh học, chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng cảnh quan nhiều nơi giảm sút...
Từ việc nhận diện rõ những thuận lợi, hạn chế, Nghị quyết 19 đã đề ra phương hướng rất cụ thể nhằm giải bài toán về bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Trong đó, mục tiêu chung là tạo chuyển biến căn bản, sâu sắc trong nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò của rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả KT-XH và môi trường của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên từng đơn vị diện tích; góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học. Việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng được xác định phải là trách nhiệm vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, cho đến từng hộ gia đình, cá nhân trong toàn xã hội. Phát triển lâm nghiệp cũng phải được tiến hành đồng bộ từ trồng rừng, cải tạo rừng; quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bền vững tài nguyên rừng; khai thác, chế biến lâm sản; dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái... phù hợp với định hướng phát triển KT-XH nhanh, bền vững của tỉnh.
Việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19 sẽ tác động toàn diện tới sự phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh theo hướng tạo được chuỗi liên kết từ trồng rừng tới khai thác, chế biến lâm sản; đáp ứng nhu cầu chế biến tinh, giá trị cao thay vì chỉ duy trì vòng lặp “chặt - trồng” rồi lại “trồng - chặt” và chế biến dăm gỗ một cách thô sơ như trước. Bên cạnh đó, giá trị của những cánh rừng sẽ được nhìn nhận đa chiều, đầy đủ hơn, không chỉ là về mặt kinh tế, mà còn về môi trường, khí hậu, cảnh quan, đa dạng sinh học...
Như vậy, Nghị quyết 19 được đưa vào cuộc sống cũng sẽ góp phần cụ thể hóa quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo của tỉnh về “Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”, đảm bảo nền tảng tăng trưởng bền vững, lâu dài.
Những chuyển biến tích cực
Từ khi Nghị quyết 19 được ban hành, hơn 2 năm qua, cả hệ thống chính trị của Quảng Ninh đã vào cuộc bằng quyết tâm cao nhất để nhanh chóng đưa nghị quyết đi sâu vào thực tiễn cuộc sống. Nhiều chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm triển khai công tác phát triển lâm nghiệp, phát triển rừng bền vững của tỉnh đã được phê duyệt. Như UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 60/CTr-UBND ngày 6/01/2020 về thực hiện Nghị quyết 19; Quyết định số 62/QĐ-UBND ngày 10/1/2020 về việc Phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Văn bản số 1419/UBND-NLN1 ngày 9/3/2020 về việc triển khai một số nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp...
Tháng 5/2020, UBND tỉnh cùng với Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cũng đã ký kết chương trình hợp tác về phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng năm 2030. Việc phối hợp tập trung vào các nội dung: Chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ lâm nghiệp; triển khai các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác phát triển nguồn gen các loài thực vật quý hiếm; phát triển các mô hình phát triển lâm nghiệp bền vững; đào tạo cán bộ lâm nghiệp chất lượng cao; xây dựng một số cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh...
Quảng Ninh cũng là 1 trong 8 địa phương của cả nước được thụ hưởng từ dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển – FMCR” do Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thực hiện; đến nay vẫn đang dẫn đầu trong việc bảo vệ, phục hồi rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ tốt hệ thống cơ sở hạ tầng ven biển hiện, tăng thu nhập bền vững cho người dân.
Ngày 24/3/2021, tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn Quảng Ninh. Theo đó, đối với chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, mức hỗ trợ tối đa không quá 15 triệu đồng/ha. Đối với chính sách hỗ trợ chuyển loại từ rừng, đất rừng sản xuất sang rừng, đất rừng phòng hộ, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, vật tư và 50% chi phí nhân công, chăm sóc, bảo vệ đối với diện tích rừng để đạt tiêu chí rừng phòng hộ; mức hỗ trợ tối đa không quá 45 triệu đồng/ha...
Bám sát các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, Sở NN&PTNT hằng năm đều chủ động trong việc tham mưu cho tỉnh, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ về quản lý quy hoạch 3 loại rừng, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, phát triển rừng gỗ lớn, quản lý động vật hoang dã...
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp đã cụ thể hoá định hướng từ Nghị quyết 19 thành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện quyết liệt ngay từ đầu, phù hợp với đặc thù từng địa bàn. Đồng thời đẩy mạnh việc học tập, quán triệt nội dung Nghị quyết 19 đến 100% chi, Đảng bộ cơ sở; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh tới người dân được đầy đủ, kịp thời.
Nhờ đó sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 19, toàn tỉnh đã trồng được gần 23.800ha rừng tập trung, bình quân đạt gần 11.900ha/ năm. Trong đó, có gần 870ha rừng phòng hộ, diện tích còn lại là rừng sản xuất. Cũng theo báo cáo của Sở NN&PTNT, so với giai đoạn trước khi ban hành Nghị quyết 19, hiện nay độ che phủ rừng của toàn tỉnh đạt 55,06%; diện tích rừng gỗ lớn, cây bản địa, cây đặc sản (hồi, quế, thông, trám, giổi...) tăng 38%; giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân tăng gần 8%/năm; giảm được 22 cơ sở chế biến lâm sản, chủ yếu là các cơ sở chế biến đồ mộc quy mô hộ gia đình...
Kết quả phát triển rừng có thể thấy rất rõ ở một số địa phương trong tỉnh. Điển hình như huyện Ba Chẽ đã vận động 563 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ký cam kết tự nguyện tham gia trồng trên 1.000ha rừng gỗ lớn, cây bản địa; có tổng diện tích rừng trồng năm 2021 là 3.300ha, đạt 110,5% kế hoạch... Hay như huyện Bình Liêu, trong 2 năm qua đã thực hiện trồng được trên 23.300 cây gồm các loại hồi, sở, giổi... đồng thời, đẩy mạnh được phong trào sản xuất hiệu quả trong nhân dân nhờ ứng dụng KHKT vào chế biến các sản phẩm OCOP như dầu sở, tinh dầu hồi, quế...
Bên cạnh đó, lực lượng Kiểm lâm của tỉnh cũng đã tăng cường phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện bắt giữ và lập hồ sơ xử lý trên 200 vụ vi phạm các quy định về lâm nghiệp trong 2 năm qua; gồm 190 vụ xử lý hành chính, còn lại là xử lý hình sự; thu nộp ngân sách gần 1.600 tỷ đồng.
Hướng tới mục tiêu 1 tỷ cây xanh
Ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg về phê duyệt đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Mục tiêu của đề án đến hết năm 2025 là: Cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, gồm 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất. Qua đó sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của việc trồng cây, bảo vệ và phát triển rừng đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường sống, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao toàn diện chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân.
Để triển khai đề án, ngày 10/8/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 148/KH-UBND "Thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025". Qua đó nhằm khẩn trương triển khai các nhiệm vụ rà soát, xác định quỹ đất rừng phòng hộ, đặc dụng, đất trồng mới rừng sản xuất, đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn... theo đúng chỉ đạo chung.
Kết quả rà soát, thống kê là căn cứ để tỉnh xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án trồng cây xanh hàng năm và trong cả giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh đặt ra nhiệm vụ trong 5 năm sẽ hoàn thành trồng trên 12,4 triệu cây, tương đương diện tích 7.092ha. Cụ thể gồm gần 4,3 triệu cây phân tán và trên 8,1 triệu cây trồng rừng tập trung. Các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh sẽ căn cứ kế hoạch của tỉnh để có phương án triển khai phù hợp với đơn vị, địa phương mình. Như vậy, thông qua việc hướng tới trồng 1 tỷ cây xanh, kết hợp với việc đang tích cực thực hiện Nghị quyết 19, nhiệm vụ trồng cây, gây rừng trong toàn tỉnh được đẩy mạnh thành phong trào thi đua sôi nổi.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong những ngày đầu xuân mới, khắp các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đều sôi nổi hưởng ứng Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Cụ thể bằng việc đăng ký, tổ chức trồng tổng số 828.601 cây thân gỗ các loại, gồm lim, giổi, lát hoa, sao đen, phi lao, thông... và khoảng 80.000 cây hoa, cây thân thảo, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Các địa phương, đơn vị lồng ghép tổ chức kế hoạch trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, đảm bảo trong quý I/2022 trồng 1.500ha cây các loại.
Hiệu ứng tích cực của Tết trồng cây tiếp tục được lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, trước hết là góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng với sự chung tay của toàn xã hội ngay trong những ngày đầu xuân năm mới. Đồng thời qua đó góp phần khuyến khích, nhân rộng tình yêu, ý thức bảo vệ cây cối và thiên nhiên, môi trường sống của cộng đồng, góp phần giáo dục nếp sống lành mạnh, nhân cách tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Cũng theo Kế hoạch 148/KH-UBND, chỉ tiêu trồng cây xanh hưởng ứng Tết trồng cây từ năm 2022 đến 2025 đều sẽ duy trì cao gấp 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020.
Từ nay đến hết năm 2022, nhiệm vụ trồng cây, gây rừng theo đúng tinh thần của đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh” và Nghị quyết 19 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt là sẽ bám sát các chỉ tiêu phát triển ngành lâm nghiệp mà tỉnh đề ra tại Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 10/1/2022 của UBND tỉnh cơ cấu lại ngành NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025.
Cụ thể gồm: Trồng rừng tập trung trên 10.000ha/năm; sản lượng khai thác gỗ từ 450.000 – 550.000m3/năm; cấp chứng chỉ rừng bền vững khoảng 15.000ha rừng trồng sản xuất; quản lý chặt chẽ, phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; khuyến khích thực hiện các mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn; khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế đầu tư phát triển rừng; phát triển kinh tế dưới tán rừng thành chuỗi ngành hàng, tích hợp du lịch sinh thái, du lịch miền núi, giúp nhân dân vùng DTTS, miền núi nâng cao thu nhập... Đặc biệt là tích hợp quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch chung của tỉnh và quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tổ chức quản lý có hiệu quả.
Ngày 21/1/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND tỉnh "Thực hiện phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa các loài Lim, Giổi, Lát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022". Kế hoạch nêu rõ, diện tích trồng rừng bằng 3 loại cây Lim, Giổi, Lát trên địa bàn toàn tỉnh năm 2022 là 2.665,8ha.
Trong đó, diện tích trồng rừng phòng hộ là 1.138,5ha. Cụ thể gồm: 287,7ha trồng rừng trên đất trồng; 33,5ha trồng rừng trên đất sau thanh lý rừng; 491,8ha trồng rừng trên đất sau khai thác rừng loài cây mọc nhanh; 325,5ha trồng rừng bổ sung dưới tán rừng, làm giàu rừng).
Diện tích trồng rừng sản xuất là 1.527,3ha, gồm trồng mới, trồng bổ sung dưới tán rừng, làm giàu rừng.
Tiến độ thực hiện: Trồng 60% diện tích theo Kế hoạch (tương đương 1.600ha) trong vụ Xuân; hoàn thành 100% Kế hoạch trong vụ Hè Thu.
Nguồn lực thực hiện được huy động tối đa, lồng ghép bằng nhiều nguồn vốn: Vốn Ngân sách Nhà nước, vốn trồng rừng thay thế, vốn tự có của chủ rừng và các nguồn vốn hợp pháp khác.
|
Thái Cảnh - Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()