Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 14/01/2025 01:33 (GMT +7)
Gìn giữ nghề thủ công truyền thống
Thứ 6, 04/08/2023 | 22:55:09 [GMT +7] A A
Làng nghề, nghề truyền thống có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo và đem lại thu nhập cho người dân. Dưới tác động của cuộc sống hiện đại, việc bảo tồn các nghề truyền thống càng trở nên cần thiết hơn khi nhiều nghề chế tác các sản phẩm thủ công đang đứng trước nguy cơ mai một.
Khó trụ vững với nghề
Đan gùi là một trong những nghề thủ công truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc S’tiêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tuy nhiên, không có mấy người trẻ theo nghề mà chủ yếu là người cao tuổi. Bởi đan gùi cần nhiều thời gian và sự tỉ mỉ, thu nhập không cao nên khó thu hút được giới trẻ.
Ông Điểu B’lang ở thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập chia sẻ: “Con cháu không biết làm nghề này đâu. Đan gùi cần sự tỉ mỉ và tâm huyết, tốn nhiều thời gian và thu nhập thấp nên không ai muốn theo nghề”. Ông B’lang năm nay gần 70 tuổi và không còn nhiều người biết đan lát như ông. Ngoài đan gùi, ông còn biết đan nhiều vật dụng khác dùng trong sinh hoạt gia đình. Hằng ngày, ông vẫn miệt mài với nghề đan, không chỉ vì tiền mà còn vì yêu nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình. Ông B’lang chia sẻ, 1 tháng ông chỉ đan được vài sản phẩm nhưng rất ít người mua. Trong góc nhà, những chiếc gùi, nong, nia, ông B’lang đan xong vẫn đang chất chồng...
Sản phẩm mây, tre đan tinh xảo, bền bỉ theo thời gian và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để giữ nghề, sống được với nghề và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm thì người chuyên đan mây, tre còn gặp nhiều khó khăn. Gia đình bà Phạm Ánh Tuyết ở ấp 2, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú là 1 trong 3 hộ dân còn giữ nghề thủ công đan sọt tre trên địa bàn. Từ hơn 10 hộ dân làm nghề, qua từng năm, số hộ theo nghề ít dần. Bà Tuyết chia sẻ: “Những năm trước, mỗi năm tôi bán được 1.000-2.000 cái sọt, còn năm nay tôi đan 1.000 cái mà mới bán được mấy trăm cái, hiện trong kho còn nhiều lắm. Trước đây, người ta mua sọt để bốc mì. Nay không còn nhiều hộ trồng mì nữa nên bán chậm hơn. Làm hàng chỉ trông đợi vào mùa thu hoạch điều, nhưng điều thì năm được mùa, năm mất”. Không chỉ gặp khó khăn do nhu cầu thị trường giảm mà các gia đình làm nghề đan lát thủ công còn gặp trở ngại về nguồn nguyên liệu. Bởi nguyên liệu cây mum, tre, mây dùng để đan sọt chủ yếu sinh trưởng và phát triển trong tự nhiên đang ngày càng ít đi.
Cần sự đầu tư bài bản
Gìn giữ nghề thủ công truyền thống là gìn giữ những giá trị tinh hoa, kỹ thuật, sự khéo léo của người làm nghề. Bảo tồn và gìn giữ nghề thủ công truyền thống cũng là trăn trở của các địa phương bởi cần có sự đầu tư bài bản và gắn với du lịch làng nghề. Vì chỉ có du lịch mới mở ra triển vọng để những nghề thủ công truyền thống thoát khỏi nguy cơ “bị bỏ lại phía sau”. Tuy nhiên trên thực tế, nguồn lực hạn chế cũng như cách làm thiếu đồng bộ đang khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn.
Ông Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng cho biết, nghề thủ công truyền thống gắn liền với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số sẽ giải quyết được việc làm tại chỗ cho người dân. Điều quan trọng là phải tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm thủ công của địa phương. Trong đó có chính sách khuyến khích, ưu đãi với người làm nghề và xây dựng các thôn, sóc thành điểm du lịch cộng đồng; thành lập các hợp tác xã để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới đông đảo khách du lịch.
Hiện nay, đa phần người dân chỉ làm nghề manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình, rất khó tập hợp để trở thành làng nghề quy mô, bài bản. Vì để phát triển thành làng nghề phải gồm nhiều yếu tố, từ việc có khu vực làm nghề riêng biệt đến tạo nguồn sinh kế ổn định cho người dân. Những yếu tố này rất cần nguồn lực, sự đầu tư bài bản và vào cuộc đồng bộ của ngành chức năng, cộng đồng xã hội. Bởi vậy, ngay cả ở xã Bù Gia Mập - địa phương có lợi thế về phát triển du lịch cộng đồng do có Vườn quốc gia Bù Gia Mập, việc hình thành làng nghề cũng chỉ mới đang được “nhen nhóm” ở bước tập hợp nghệ nhân.
“Chúng tôi đang lên danh sách, thống kê các nghệ nhân trong xã để có hướng phục vụ du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có đầu mối đứng ra tổ chức thực hiện, đầu tư các chương trình nên khó phát triển” - ông Điểu Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập chia sẻ. Ông Thuận cũng cho biết, hiện nay, chỉ khi khách du lịch có nhu cầu, Vườn quốc gia Bù Gia Mập sẽ liên hệ để nghệ nhân đến phục vụ việc thưởng lãm, tìm hiểu của du khách. “Phải làm sao để các nghệ nhân cùng tham gia vào tour du lịch cộng đồng, trở thành một mắt xích trong sản phẩm du lịch thì mới thu hút được người trẻ theo nghề” - ông Thuận khẳng định.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()