Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:27 (GMT +7)
Gìn giữ màu xanh của biển
Thứ 7, 30/09/2023 | 16:27:52 [GMT +7] A A
Là tỉnh ven biển với 9/13 địa phương tiếp giáp với biển, nhiều năm qua, Quảng Ninh đã tận dụng được lợi thế này để nhanh chóng tăng tốc phát triển KT-XH. Cùng với đẩy mạnh phát triển KT-XH, Quảng Ninh cũng thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường, gìn giữ màu xanh của biển.
Giữ gìn đa dạng sinh thái biển
Trong những ngày vừa qua, trên vùng biển huyện đảo Cô Tô liên tục có đàn cá voi từ 3-5 con xuất hiện. Việc cá voi liên tục nổi trên mặt nước nô đùa và kiếm mồi ăn xuôi theo dòng nước khiến nhiều người thích thú.
Theo ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin và Du lịch huyện Cô Tô, khoảng 2 tháng nay thường xuất hiện đàn cá voi, mỗi con cá voi dài 5 - 10m, nặng hàng tấn, đến kiếm ăn ở vùng biển Đầu Trâu và bãi đá Móng Rồng, cách đảo Cô Tô lớn khoảng 700m và thường xuất hiện khoảng 15 - 20 phút buổi sáng. Cá bơi rất gần thuyền đánh cá của ngư dân, nổi lên để thở và há to miệng đớp mồi, tạo cảnh tượng rất kỳ thú.
Cùng với sự xuất hiện của đàn cá voi, trước đó, tháng 8/2023, tại bãi biển Đông (thuộc đảo Cô Tô con) cũng xuất hiện một cá thể rùa biển quý, nặng khoảng 20kg và tháng 11/2022, tại khu vực gần cầu Cảng (bãi biển Nam Hải, khu 4, thị trấn Cô Tô) xuất hiện cá heo bơi trong nhiều giờ.
Nhiều nhà khoa học nhận định, việc cá voi, cá heo, rùa biển… xuất hiện thường xuyên tiếp tục minh chứng môi trường biển ở Cô Tô ngày càng tốt lên, đặc biệt từ khi tỉnh có những chủ trương tăng cường chỉ đạo việc làm sạch môi trường biển, nói không với rác thải nhựa phù hợp để nhiều loài quý hiếm từ đại dương tìm về kiếm ăn, sinh sản.
Với quyết tâm làm sạch môi trường biển, từ ngày 1/9/2022, huyện Cô Tô đã thí điểm áp dụng quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi ra đảo du lịch. Huyện đã tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh, tiểu thương về việc không sử dụng túi nilon; không xả rác xuống biển; rà soát, vận động các hộ kinh doanh, siêu thị thành lập đại lý cung cấp, bán những sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nilon truyền thống và đồ nhựa dùng một lần để người dân sử dụng.
Thực hiện giai đoạn 2 đề án, từ ngày 15/9/2023 huyện Cô Tô đề nghị tất cả các du khách không được mang túi nilon và đồ nhựa dùng một lần ra đảo. UBND huyện cũng yêu cầu 100% cơ quan, đơn vị, trường học, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, phương tiện tàu vận chuyển khách, vận chuyển hàng hóa, đánh bắt hải sản... trên địa bàn huyện Cô Tô không sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần (hộp nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa dùng một lần,...) và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường biển kể từ thời gian trên.
Thống kê của huyện Cô Tô, trung bình những ngày cao điểm, huyện đón từ 5.000-10.000 lượt khách/ngày. Trước khi áp dụng thí điểm không sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, vào những ngày cao điểm mùa du lịch, công ty môi trường phải thu gom lượng rác thải rất lớn, từ 15-17 tấn/ngày, tạo áp lực và gánh nặng cho môi trường huyện đảo, nhất là đối với các loại rác thải lâu phân hủy.
Đây là một trong những hoạt động tích cực của chính quyền và người dân nhằm bảo vệ môi trường, xây dựng hình ảnh đẹp về Cô Tô trong mắt du khách, thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.
Không riêng huyện đảo Cô Tô, thời gian qua tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương ven biển phải có các giải pháp để kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, nhất là đối với Vịnh Hạ Long, Di sản thiên nhiên thế giới.
Trước năm 2013, trên Vịnh Hạ Long có 7 làng chài với trên 600 nhà bè, tập trung nhiều nhất ở phường Hùng Thắng gồm các làng chài: Cửa Vạn, Ba Hang, Cặp Dè và Vông Viêng. Nhiều nhà bè nuôi trồng hải sản, giao dịch, kinh doanh nhà hàng, kéo theo lượng phương tiện ra vào tăng cao tác động đến hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa, cản trở luồng tàu chạy trên biển, ô nhiễm môi trường nước, gây áp lực cho công tác bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long. Đặc biệt, cuộc sống lênh đênh trên biển cũng khiến người dân, nhất là trẻ em làng chài khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục...
Từ thực tế đó, tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương di dời người dân làng chài lên bờ sinh sống nhằm đem lại cho họ cuộc sống an cư và cơ hội thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội của nhà nước.
Theo đó, mỗi hộ lên bờ tái định cư được cấp căn nhà rộng 60m2 ở khu 8, phường Hà Phong (TP Hạ Long), được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đào tạo chuyển đổi nghề, trẻ em được miễn học phí, hỗ trợ tiền ăn trưa… cùng một số chính sách khác.
Sau nhiều nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, cuối năm 2014, hơn 300 hộ dân sinh sống trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long từ nhiều đời nay đã di dời lên bờ định cư, từng bước ổn định cuộc sống.
Đến nay, sau 9 năm lên bờ, cuộc sống của 354 hộ dân với khoảng 1.800 nhân khẩu ở khu tái định cư làng chài phường Hà Phong đã có nhiều đổi thay tích cực. Mới đây nhất, tại kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ Vịnh Hạ Long thực hiện trung tuần tháng 9/2023 cho thấy, khu vực làng chài Cửa Vạn, làng chài Cống Tầu, làng chài Cống Đầm, luồng khu Đông Tráng không còn thông số ô nhiễm amoni.
Thiết lập các cơ chế bảo vệ bờ biển
Để đảm bảo phát triển kinh tế biển bền vững, tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài, như: Xây dựng hồ sơ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; xây dựng và ban hành các văn bản quản lý chặt chẽ bờ biển, các đảo đá, đảo đất trên các Vịnh đảm bảo đúng Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo; hoàn thành Phương án sử dụng không gian biển tích hợp vào Quy hoạch tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 10/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 và giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động thương mại, du lịch.
Thống kê của Sở TN&MT, hiện có 236 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch, 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kayak, đò chèo tay và 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long, tỷ lệ rác thải nhựa dùng một lần phát sinh từ hoạt động du lịch giảm 90%.
Về phía các địa phương cũng tiếp tục triển khai công tác thay thế phao xốp trên các công trình nổi (được cấp phép hoặc chờ cấp phép) trên Vịnh. Hiện tỷ lệ thay thế phao xốp bằng vật liệu nổi bền vững của các công trình nổi trên Vịnh Hạ Long đạt 94%.
Sở TN&MT cũng đang tiếp tục trình UBND tỉnh phê duyệt thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui. Sở NNN&PTNT báo cáo UBND tỉnh hồ sơ thành lập Khu bảo tồn biển Cô Tô – Đảo Trần, khu bảo tồn loài sinh cảnh Quảng Năm Châu.
Ông Nguyễn Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Sở đang nghiên cứu thành lập các hành lang đa dạng sinh học biển, ven biển, núi để tăng cường kết nối, ổn định các sinh cảnh thích ứng biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học. Thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tối đa việc lấn biển, lấn mặt nước, sông, suối để phát triển đô thị trong các quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh. Đồng thời, chú trọng tham mưu các giải pháp phát triển các khu đô thị ven biển, quy hoạch xây dựng mới theo hướng thông minh, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đảm bảo 100% các dự án đầu tư theo quy hoạch xây dựng hạ tầng dân cư đô thị, các dự án phát triển kinh tế - xã hội xung quanh Vịnh Cửa Lục, Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và tại các đô thị bảo đảm phải có hệ thống thu gom, xử lý triệt để nước thải.
Nhận thức sâu sắc nguy cơ, tác động tiêu cực của việc khai thác khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), đối với việc bảo tồn, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển gắn với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từ ngày 1/9/2023, các đơn vị chuyên môn, các địa phương có biển mở đợt cao điểm tuần tra, xử lý, thu giữ, cấm lưu hành đối với tất cả tàu cá vi phạm IUU. Theo đó, xử lý ở mức cao nhất đối với chủ tàu, thuyền trưởng khi vi phạm các lỗi như: Không đăng ký, đăng kiểm, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tàu cá đã lắp đặt nhưng mất tín hiệu giám sát hành trình trên biển mà không có lý do chính đáng; không có giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận/cam kết an toàn thực phẩm; không ghi, nộp nhật ký/báo cáo khai thác thủy sản; sử dụng ngư cụ cấm khai thác, không chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát khi tàu cập, rời cảng... Xử lý hình sự đối với những trường hợp tái phạm.
Tinh thần của Quảng Ninh huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rõ vai trò, vị trí, tính cấp thiết của việc khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, kiên quyết không để tàu cá vi phạm IUU xuất bến.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()