Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:17 (GMT +7)
"Phải nghiên cứu chiến thắng Bạch Đằng 1288 trong một không gian tổng thể"
Chủ nhật, 13/03/2022 | 08:13:21 [GMT +7] A A
Thiên Long Uyển nghĩa là vườn nghìn rồng, là một di tích quan trọng, bao gồm toàn bộ vùng núi Thiên Liêu (xã Yên Đức, TX Đông Triều) của nhà Trần với phần núi và vùng bãi triều nằm giữa núi Thiên Liêu và sông Đá Bạc. Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Vị trí, vai trò của Thiên Long Uyển trong Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288” do Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Sở Khoa học và Công nghệ và Trường Đại học Hạ Long phối hợp tổ chức ngày 18/12/2021 tại Uông Bí, nhiều nhà khoa học đã đưa ra những nhận định mới về di tích này. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bên lề Hội thảo về vấn đề này.
- Thưa Giáo sư, ông đánh giá như thế nào về vị trí của Thiên Long Uyển đối với chiến thắng Bạch Đằng năm 1288?
+ Nhiều công trình đề tài nghiên cứu về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 nhưng hầu như mới chỉ quan tâm đến vùng trung tâm chiến trường. Thậm chí quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt cũng mới chỉ tập trung vào các trận địa cọc và những di tích có liên quan ở phía sông Chanh thuộc địa bàn TX Quảng Yên ngày nay. Khu vực này mặc nhiên là rất quan trọng nhưng nếu như không có hai bên bờ thượng lưu sông Bạch Đằng và sông Đá Bạc, phía Nam TX Đông Triều và một phần phía Bắc TX Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) thì thật khó có thể hình dung ra một không gian đích thực của chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Và như thế làm sao ta có thể hiểu được một cách đầy đủ và chính xác tầm vóc của chiến công này.
Trận Bạch Đằng năm 1288 được các chuyên gia nghiên cứu khá nhiều. Theo nghiên cứu của tôi, chiến dịch này kéo dài từ Phả Lại đến tận cửa sông Bạch Đằng nhưng có 3 trung tâm lớn. Thứ nhất là khu vực thị xã Đông Triều hiện nay có thể mở rộng sang phía Kinh Môn. Đây là chỉ huy sở đầu tiên của hai vua Trần. Nó là không gian rất quan trọng và ở vào trung tâm của TX Đông Triều hiện nay.
Không gian thứ hai cũng là chỉ huy sở của vua Trần chính là Thiên Long Uyển. Tại chỉ huy sở này, hai vua Trần đã chỉ đạo việc bố trí các trận địa phòng thủ. Mà không chỉ là ở khu vực này còn phòng thủ kéo sang bên kia sông đến bãi cọc Đầm Thượng, đến cửa sông Giá, kéo ra Cao Quỳ rồi Hang Son. Không gian này vừa là bảo vệ cho lực lượng cho trận địa quyết chiến mà chúng ta đang bố trí sẵn ở sông Bạch Đằng. Đây là không gian đặc biệt quan trọng nếu như không có Thiên Long Uyển thì chúng ta không thể dẫn dắt được đoàn thuyền của quân Nguyên Mông vào trận địa cọc. Không có thì không giữ được sự an toàn và bí mật cho trận địa. Đây chính là yếu tố quyết định cho chiến thắng. Khi đoàn thuyền đã vào sâu trong khu vực bố trí của quân dân nhà Trần rồi thì đây chính là nơi hai vua Trần phối hợp với Trần Hưng Đạo tổ chức cuộc tấn công từ phía thượng lưu xuống. Có thể nói rằng, Thiên Long Uyển đã tăng thêm sức mạnh cho trận đánh cuối cùng để bảo đảm cho chiến thắng.
Không gian quan trọng nhất và cuối cùng là không gian quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng. Hai không gian trên đều thuộc Đông Triều cả. Phạm vi địa danh Đông Triều trước đây rộng hơn ranh giới hành chính thị xã bây giờ. Nó còn gồm cả một phần của Hải Dương, một phần của Hải Phòng và cả Uông Bí. Nhìn nhận như thế, để thấy được rằng, Đông Triều giữ một vị trí có tính chất quyết định cho thắng lợi cuối cùng trên sông Bạch Đằng.
- Vì sao Đông Triều có vị trí quan trọng như vậy, thưa Giáo sư?
+ Khu vực phía sau của Đông Triều là toàn bộ vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, nơi cung cấp nguồn nhân lực, vật lực, quyết định đến sự thành bại của các cuộc kháng chiến. Đấy là lý do giải thích vì sao mà từ những năm 40-43 sau Công nguyên nữ tướng Lê Chân đã xây dựng đồn trại trên đất An Biên để bảo vệ cho tuyến phòng thủ của đại quân Trưng Vương ở khu vực Lục Đầu giang. Các vị tướng kiệt xuất như Ngô Quyền, Lê Hoàn đều chọn khu vực này để xây dựng tuyến phòng thủ mạnh, bảo vệ trung tâm đất nước.
Các nguồn tư liệu đều xác nhận vùng đất địa linh nhân kiệt có vị trí chiến lược đời đời bảo vệ chở che cho toàn bộ vùng trung tâm đất nước này lại chính là quê hương đầu tiên của nhà Trần, nơi nhà Trần xây dựng thành khu thánh địa, trung tâm Phật giáo, trung tâm văn hóa tâm linh lớn nhất đất nước. Nơi đây luôn giữ được độ an toàn cần thiết nên việc huy động cao độ các nguồn lực vật chất và tinh thần tại chỗ cho trận quyết chiến chiến lược tại vùng sông Bạch Đằng cận kề là điều đương nhiên.
- Và các vua Trần đã triển khai trận địa ở Đông Triều, thưa Giáo sư?
+ Có thể hình dung các công việc chuẩn bị xây dựng trận địa quyết chiến chiến lược triển khai ở Đông Triều và khu vực phụ cận còn sớm hơn ở vùng cửa sông Bạch Đằng. Sử sách chép khá nhiều về việc vua Trần Nhân Tông chỉ huy đánh quân Nguyên trên sông Bạch Đằng đã từng đóng đại bản doanh trên núi Dương Nham, phía Nam của Bến Triều. Sự tích những tên đất ở vùng này cũng giải thích nhiều điều liên quan như: Núi Đầu Hươu là nơi dân chúng dâng đầu hươu làm cơm cho vua, xã Mỹ Cụ có tên từ việc dâng cỗ ngon lên vua hay như núi Bảo Đài ở Uông Bí là nơi vua đặt trạm quan sát vùng sông Bạch Đằng.
Trong quá trình chỉ đạo chuẩn bị chiến địa quyết chiến, có lẽ hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã thêm một lần chuyển sở chỉ huy về khu vực núi Thiên Liêu thuộc thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, TX Đông Triều ngày nay để trực tiếp chỉ huy các lực lượng tác chiến ở thượng lưu trung lưu phía tả ngạn sông Đá Bạc. Và khi đoàn thuyền của địch đã lọt hẳn vào trận địa mai phục của ta thì đạo quân của hai vua sẽ theo sông Đá Bạc tiến xuống phối hợp với đại quân Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy ở hữu ngạn và khu vực trận địa cọc ở hạ lưu sông Bạch Đằng và sông Chanh.
- Theo Giáo sư, thì tại sao vua Trần lại chọn khu vực núi Thiên Liêu mà không phải là nơi khác?
+ Núi Thiên Liêu nằm ở vị trí không xa đường lớn lại rất gần ngã ba sông Đá Bạc sông Giá và chỉ cách sông Đá Bạc chừng 1km về phía Nam. Đây là vị trí lợi hại có thể khống chế được cả 2 tuyến giao thông thủy bộ. Ở tuyến bộ, nếu không chặn được đoàn kỵ binh hùng mạnh của Trình Bằng Phi, Đạt Mộc thì đến đây quân dân nhà Trần buộc phải đánh tan chúng ở khu vực núi Thiên Liêu.
Ở tuyến thủy, nếu đoàn thuyền của Ô Mã Nhi mở được đường thẳng đi qua sông Giá, sông Bạch Đằng thì hầu như toàn bộ lực lượng mai phục của ta ở hai bên sông Đá Bạc, Bạch Đằng trong đó có lực lượng chủ yếu của hai vua Trần bên bờ tả ngạn sẽ bị bại lộ và không còn phát huy tác dụng. Đóng sở chỉ huy tại núi Thiên Liêu, hai vua Trần có sứ mệnh trực tiếp chỉ huy đánh địch trên cả hai tuyến thủy bộ và kéo đoàn thuyền của quân Nguyên nhanh chóng lọt vào trận địa mai phục của ta và tìm cách kìm chân chúng giữ tuyệt đối bí mật chờ cho thủy triều rút sẽ tổng công kích.
Quyết tâm của nhà Trần là phá hủy cầu đường mai phục ở những nơi hiểm yếu đánh chặn không cho các đạo quân thủy bộ của địch có thể hỗ trợ và tiếp ứng cho nhau. Nơi mà chúng dễ có thể phối hợp với nhau hơn cả là khu vực Bến Triều. Trong trận chiến này, Đông Triều không khác quan ải che giữ cho bộ chỉ huy và quân dân nhà Trần cùng toàn bộ hệ thống trận địa mai phục đang chờ sẵn. Vì thế, để đảm bảo cho chiến thắng chung cuộc ở Bạch Đằng, quân dân nhà Trần không còn cách nào khác phải đánh bại đoàn kỵ binh Trình Bằng Phi, Đạt Mộc ở ngay trên đất Đông Triều.
Sử Việt thì hầu như không chép về chiến công này nhưng Lê Tắc trong "An Nam chí lược" thì ghi: "Ngày 3 tháng 3 Đinh Hợi, Hữu thừa Trình Bằng Phi, Thiêm tỉnh Đạt Mộc suất kỵ mã đón rước quân thủy qua chợ Đông Triều bị sông ngăn trở phải đi về đường cũ nhưng cầu cống đều bị quân An Nam cắt đứt để chờ đánh”. Lê Tắc cố tình che giấu nhưng đã phần nào phản ánh thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nhà Trần là đã chặn đứng đánh lui và buộc đội kỵ binh hùng mạnh nhất thế giới đương thời phải cam chịu thất bại tìm đường tắt tháo chạy cho kịp đại quân của Thoát Hoan đang vội vã thoát nhanh ra khỏi biên giới.
Hoàn toàn có đủ cơ sở để gọi đây là chiến thắng Đông Triều và chủ nhân của chiến thắng này chính là quân dân nhà Trần trên địa bàn Đông Triều. Chiến thắng Đông Triều là chiến thắng mở màn cho trận Bạch Đằng lịch sử đã cản phá và đập tan mưu đồ phối hợp hai đạo quân thủy bộ của quân Nguyên, tạo điều kiện cho quân dân nhà Trần chủ động đối phó và dẫn dắt đoàn binh thuyền của chúng vào trận địa mai phục của ta đúng như dự kiến.
- Từ nhận thức về không gian lớn đó, Giáo sư đánh giá thế nào về việc Quảng Ninh, Hải Phòng và Hải Dương cùng làm hồ sơ di sản văn hoá thế giới di tích chiến thắng Bạch Đằng để trình UNESCO?
+ Nếu như chúng ta quan niệm trận Bạch Đằng chỉ diễn ra ở khu vực hạ lưu sông Bạch Đằng thì không hiểu được ngày trước các cụ đã nói rằng "Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao". Đây là cả một chiến dịch được bố trí một cách linh hoạt, thông minh; là sự chỉ huy hết sức tài giỏi của hai vua Trần và Trần Hưng Đạo. Vì thế, chúng ta phải nhìn nó trong một không gian tổng thể chứ không phải nhìn chỉ ở một điểm này, điểm nọ. Tôi rất hoan nghênh việc cả Quảng Ninh, Hải Phòng và Hải Dương phối hợp với nhau để thực hiện bộ hồ sơ trình UNESCO công nhận khu di tích lưu niệm Chiến thắng Bạch Đằng là di sản văn hoá thế giới. Khi đó, chúng ta sẽ có được một cái nhìn tổng thể và đúng nhất về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
- Cám ơn Giáo sư đã trả lời phỏng vấn!
Phạm Học (Thực hiện)
- Tín hiệu khởi sắc của văn hóa đọc
- Xây dựng văn hóa giao thông
- Phát huy các nhà văn hóa cộng đồng trong gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
- Văn hoá ứng xử nơi lễ hội: Ý thức là ở mỗi người
- Độc đáo 14 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa
- Di sản văn hóa - tài nguyên quý để phát triển du lịch
Liên kết website
Ý kiến ()