Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:42 (GMT +7)
Giao quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương: Nhiều chuyên gia đồng tình
Thứ 2, 07/11/2022 | 22:50:58 [GMT +7] A A
Nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển quản lý xăng dầu về một đầu mối bộ, ngành sẽ tránh được sự chồng chéo, tạo sự chủ động hơn trong điều hành.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính có ý kiến sẽ đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu theo hướng giao toàn diện vấn đề xăng dầu về cho Bộ Công Thương quản lý, kể cả quyết định giá và chi phí định mức nhằm đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động.
Nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển quản lý xăng dầu về một đầu mối bộ, ngành sẽ tránh được sự chồng chéo, tạo sự chủ động hơn trong điều hành.
Đưa về một mối quản lý
Thời gian gần đây, người dân phải xếp hàng dài để mua xăng dầu xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước do những bất cập về nguồn cung ứng.
Trong quản lý xăng dầu, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý về giá, cách tính các loại giá cả; Bộ Công Thương quản lý về nguồn cung, thị trường, quản lý hoạt động của doanh nghiệp.
Theo nguyên nhân nêu ra từ các doanh nghiệp, thị trường thiếu xăng, doanh nghiệp giảm nhập khẩu do bị lỗ chênh lệch giá, vấn đề này do việc quản lý giá mà Bộ Tài chính chưa thích ứng kịp với những biến động bất thường thời gian qua.
Trong khi đó, hai bộ này chưa thống nhất được việc điều hành, nên đã có sự "đùn đẩy" nhau về trách nhiệm. Do vậy, nếu có thể đưa về một đầu mối là Bộ Công Thương quản lý xăng dầu sẽ giúp không chồng chéo quản lý.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng cần tiến hành sớm việc phân công nhiệm vụ này bởi sửa chính sách nhưng sẽ có độ trễ, trong thời gian đó, doanh nghiệp vẫn đang phải "gồng" mình để đảm bảo cung ứng xăng dầu.
Thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị về khả năng phối hợp và điều hành thị trường xăng dầu của liên Bộ Công Thương - Tài chính chưa thực sự hiệu quả, khiến cho doanh nghiệp gặp khó, thị trường thiếu nguồn cung cục bộ…
Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu cho hay, nếu đưa quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương quản lý, Bộ này sẽ phải chịu trách nhiệm chung, bao gồm cách tính giá và nguồn cung, mà không phải chịu ràng buộc từ các bộ, ngành khác, không phải xin cơ chế, chính sách và ý kiến của các cơ quan khác để đưa ra các quyết định về nguồn cung, nhập thế nào, dự trữ bao nhiêu, phân giao đầu mối ra sao...
Tất cả đều nằm trong tay quản lý của Bộ Công Thương và bộ này có đủ năng lực để quản lý. Song thách thức lớn nhất là nếu Bộ Công Thương quản lý thì có xử lý được vấn đề khan hiếm cục bộ xăng dầu hiện nay hay không, bởi bản chất vẫn là do giá tính đúng, tính đủ...
Cũng theo ông Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, hiện nay, Bộ Công Thương quản lý doanh nghiệp sản xuất xăng dầu, đến hoạt động phân phối nhập khẩu về nước.
Nhưng vấn đề quản lý giá, các phương pháp tính giá lại được tách khỏi quản lý của Bộ Công Thương khiến mọi hoạt động trở nên khập khiễng, Bộ này khó có thể quản lý được nếu như không được quyết định các chi phí phát sinh, chi phí liên quan đến doanh nghiệp xăng dầu. Về hệ thống chính sách, cơ chế quản lý hiệu quả, việc giao cho một Bộ làm đầu mối, chịu trách nhiệm sẽ thuận tiện hơn giao cho nhiều cơ quan.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), việc giao Bộ Công Thương quản lý sản xuất kinh doanh xăng dầu xong lại tách quản lý về cơ chế giá để Bộ Tài chính quản lý là không hợp lý, dẫn đến một số vướng mắc nảy sinh.
Ông Thỏa cho rằng đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc chuyển hoàn toàn việc quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương là hợp lý. Cũng bởi, Bộ Công Thương là bộ quản lý về hoạt động sản xuất kinh doanh, có trách nhiệm bảo đảm cân đối cung-cầu xăng dầu cho nhu cầu.
Việc quản lý sản xuất, kinh doanh xăng dầu sẽ giúp Bộ Công Thương nắm rõ về giá thế giới, giá trong nước cũng như các chi phí của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu...
Để chuyển quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương, cần sớm sửa đổi Nghị định 95, giúp khơi thông được các đầu mối công việc, chuyên gia này cho hay.
Các chuyên gia đều cho rằng, việc đưa mảng xăng dầu về Bộ Công Thương để chịu trách nhiệm quản lý thống nhất là phù hợp, thuận tiện trong điều hành.
Suốt thời gian qua, nguồn cung trên thị trường có vấn đề, tình trạng thiếu xăng dầu diễn ra cục bộ ở các tỉnh, thành phố, nhưng lại không làm rõ được trách nhiệm thiếu xăng dầu là do bộ ngành nào.
Thực tế, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ đảm bảo cung cầu thị trường, nhưng liên quan đến công thức tính giá xăng dầu thì lại vẫn giao một phần trách nhiệm cho Bộ Tài chính quản lý.
Trong khi đó, vướng mắc lớn nhất trên thị trường xăng dầu thời gian qua là việc chi phí giá xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ vào giá cơ sở, doanh nghiệp thua lỗ và gặp nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn.
"Bộ Tài chính muốn sửa đổi quy định liên quan đến công thức tính giá thì cũng phải dựa trên cơ sở doanh nghiệp xăng dầu báo cáo, xem xét chi phí đó có hợp lý hay không để làm căn cứ điều chỉnh.
Do đó, hoàn toàn có thể đưa về Bộ Công Thương để xem xét, đánh giá các yếu tố này, do chi phí thay đổi liên tục. Việc đưa về một mối cũng để tránh đổ trách nhiệm khi tình hình thị trường có diễn biến phức tạp, sau này quy trách nhiệm sẽ rõ hơn.
Có nên vận hành theo thị trường?
Theo chia sẻ từ chuyên gia Vũ Vinh Phú, việc chuyển quản lý xăng dầu sang Bộ Công Thương chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, để thị trường xăng dầu vận hành tốt, cần thực hiện tăng dự trữ lên 3-6 tháng.
Nguồn dự trữ này sẽ tăng khả năng đối phó với những diễn biến khó lường của giá thế giới. Nguồn xăng dự trữ này sẽ được quản lý bởi doanh nghiệp thuộc nhà nước.
Đồng thời ông Phú cho rằng để doanh nghiệp nhập khẩu, bán lẻ cạnh tranh và tự quyết định giá theo nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu,” chiết khấu tự thoả thuận. Nhà nước chỉ quản lý khâu chất lượng, quản lý buôn lậu, gian lận thương mại.
Doanh nghiệp bán lẻ sẽ tự quyết định việc điều chỉnh giá theo thị trường và biết cách tính toán chi phí cho việc kinh doanh xăng dầu của mình. Ngoài ra, cũng có thể có những khung giá cần thiết khi có biến động đột biến như thời gian vừa qua. Chúng ta có thể thử nghiệm việc này trong những năm tới, làm quen dần với cơ chế thị trường đúng nghĩa,” ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Ngoài ra, số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam hiện nay đã quá cao, cao gần gấp nhiều lần so với các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Với khâu trung gian quá nhiều thì đều ảnh hưởng đến giá bán ra, thiệt hại cho người tiêu dùng. Trung gian càng nhiều, giá thành bán ra càng lớn.
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng thị trường xăng dầu muốn bình ổn, phải rà soát hoạt động doanh nghiệp đầu mối, thương nhân bán buôn, phân phối, sàng lọc giữ doanh nghiệp tuân thủ quy định trong nhập khẩu, phân phối về kho lưu trữ, hệ thống cửa hàng... Cần cắt bỏ khâu trung gian để giảm chi phí.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo vấn đề này, theo đúng lĩnh vực Phó Thủ tướng được phân công phụ trách.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đánh giá lại, trên cơ sở đó tính phương án theo hướng thống nhất, quy về một đầu mối; hướng là giao cho Bộ Công Thương…/.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()