Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:25 (GMT +7)
Giao mùa thận trọng với dị ứng thời tiết
Thứ 2, 11/11/2024 | 10:25:18 [GMT +7] A A
Dị ứng thời tiết gồm có hai dạng là cấp tính và mạn tính. Thể mạn tính gây nhiễm trùng da, phù nề, khó thở, để lại sẹo mất thẩm mỹ, hạ huyết áp, sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, việc phát hiện sớm dị ứng thời tiết để được thăm khám và điều trị là vô cùng quan trọng.
Các loại dị ứng thời tiết hay gặp
- Viêm mũi dị ứng
Các triệu chứng thông thường của người mắc viêm mũi dị ứng gồm chảy nước mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi; đỏ mắt, chảy nước mắt; hắt xì liên tục; có thể cảm thấy tức ngực, khó thở; mệt mỏi; sợ ánh sáng. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể kèm theo khóc nhiều do khó chịu; lười bú, chán ăn và khó ngủ do nghẹt mũi.
Các triệu chứng diễn ra trong khoảnh khắc hoặc kéo dài vài ngày đến cả tuần rồi tự biến mất. Tuy không đặc biệt nghiêm trọng nhưng các triệu chứng kéo dài sẽ gây khó chịu, mệt mỏi, suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập.
- Nổi mề đay
Nổi mề đay xảy ra khi cơ thể phản ứng với chất gây dị ứng như thực phẩm, hóa chất tắm gội, hóa mỹ phẩm, phấn hoa, lông thú, bụi trong nhà…. Lúc này, cơ thể giải phóng một loại protein gọi là histamine và các chất trung gian khiến các mạch máu nhỏ giãn nở và dịch từ mạch máu sẽ thoát ra gây tích tụ trong da gây viêm và phát ban đỏ. Nếu chất lỏng tích tụ dưới da sẽ hình thành các vết sưng phù nhỏ.
Nổi mề đay cũng là biểu hiện thường gặp khi bị dị ứng với thời tiết. Khi bề mặt da bị tác động bởi sự thay đổi đột ngột của độ ẩm sẽ gây ngứa ngáy và tạo thành những mảng mề đay nổi ở toàn thân, làm cho chúng ta cảm thấy vô cùng khó chịu.
- Ngứa mẩn đỏ
Thường xảy ra ở trên da mặt, tay hoặc chân với những nốt sần đỏ và gây ngứa ngáy. Bề mặt da sẽ vô cùng ngứa ngáy khó chịu và nổi mẩn đỏ, nếu không khắc phục vùng mẩn đỏ sẽ lan rộng ảnh hưởng đến quá trình làm việc và sinh hoạt.
Nên làm gì khi bị dị ứng thời tiết ?
Tùy vào các biểu hiện dị ứng khác nhau sẽ có cách chữa trị phù hợp. Có người rất dễ bị dị ứng khi thời tiết thay đổi nhưng cũng có trường hợp không bị ảnh hưởng.
Để đối phó với dị ứng thời tiết, bạn nên:
-
Hạn chế tối đa tiếp xúc với những môi trường thời tiết khắc nghiệt.
-
Hạn chế ăn các đồ cay nóng và uống đồ uống lạnh.
-
Không hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, các thực phẩm có chất kích thích.
-
Hạn chế tiếp xúc với khói bụi và phấn hoa.
-
Hạn chế gãi khi bị mẩn đỏ, ngứa rát để tránh tình trạng nhiễm trùng da.
-
Không nên ăn các loại thực phẩm dễ gây kích ứng như: Đậu phộng, hải sản, nhộng.
-
Luôn giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.
-
Mặc quần áo có chất liệu thoáng mát, thấm mồ hôi.
-
Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
-
Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
-
Uống nhiều nước, các nước ép trái cây chứa vitamin C.
-
Ăn nhiều rau củ quả, uống nước thường xuyên để tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể.
-
Thường xuyên tập thể dục thể thao.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()