Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 18:21 (GMT +7)
Giao lưu nhạc cụ truyền thống Việt Nam-Nhật Bản vì trẻ em vùng cao
Thứ 7, 08/10/2022 | 16:03:33 [GMT +7] A A
Sự kết hợp thú vị giữa nhạc cụ truyền thống Việt Nam và Nhật Bản mang màu sắc mới với các bài hát quốc tế quen thuộc như “We are the world,” “Fur Elise”...
Ban nhạc Ryoma Quartet đến từ Nhật Bản sẽ có màn kết hợp thú vị, độc đáo với dàn nhạc tre nứa "Sức Sống Mới" (Việt Nam) trong chương trình “Đêm nhạc vì trẻ em Việt Nam” diễn ra ngày 8-9/10.
Ban nhạc Ryoma Quartet gồm 4 thành viên sử dụng các nhạc cụ truyền thống Nhật Bản (trống, đàn shamisen, sáo shinobue) và đàn violin.
Các nghệ sỹ mong muốn thông qua âm nhạc, họ có thể đưa văn hóa Nhật Bản đến với thế giới, truyền tải thông điệp âm nhạc không biên giới; giúp kết nối, xây dựng tình hữu nghị giữa các quốc gia. Ban nhạc đã có những chuyến lưu diễn rất thành công ở Tây Ban Nha, Thái Lan, Malaysia, Bulgaria, Hàn Quốc,...
Về phía Việt Nam, dàn nhạc tre nứa "Sức Sống Mới" do nhạc trưởng Đồng Quang Vinh sáng lập, là dàn nhạc dân tộc duy nhất ở Việt Nam trình diễn các bản phối theo hình thức giao hưởng hóa. Phong cách của dàn nhạc đa dạng, từ dân ca, nhạc truyền thống, nhạc trẻ cho đến nhạc cổ điển phương Tây.
Dàn nhạc tre nứa "Sức Sống Mới" cũng là một trong số ít những dàn nhạc dân tộc tại Việt Nam từng làm khách mời biểu diễn cùng những dàn nhạc giao hưởng thính phòng hàng đầu của thế giới và Việt Nam.
Nhóm Ryoma Quartet sẽ trình diễn các bản nhạc Nhật Bản và quốc tế như “We are the world,” “Connecting,” “Oriental bird.” Trong khi đó, dàn nhạc Sức Sống Mới sẽ trình bày “Mặt trời của tôi” (O Sole Mio), “Buôn làng mở hội,” “Bèo dạt mây trôi,” “Fur Elise” và bài dân ca Nhật Bản “Sakura, Sakura.”
Chia sẻ về chương trình, ông Fujiwara Kunihiko, Giám đốc công ty Plando (đơn vị tổ chức) cho biết đây là hoạt động ý nghĩa nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Chương trình sử dụng toàn bộ lợi nhuận từ số tiền bán vé và tiền tài trợ của các nhà hảo tâm để gây Quỹ Xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao miền núi ở Việt Nam.
"Chúng tôi luôn trăn trở, suy nghĩ rằng mình làm được gì cho xã hội. Do đó, chúng tôi lựa chọn âm nhạc để thực hiện dự án ý nghĩa này. Khác với ngôn ngữ, âm nhạc có khả năng kết nối không biên giới. Sự kiện hòa nhạc năm nay chính là bước khởi đầu cho dự án xây trường cho trẻ em Việt Nam. Chung tay cùng nhau, tôi nghĩ không gì là không thể thực hiện," ông Fujiwara Kunihiko nói.
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và các thành viên dàn nhạc "Sức Sống Mới" cũng rất hào hứng với dự án này. Nhạc trưởng cho biết hai buổi hòa nhạc sẽ giới thiệu đến khán giả những nhạc cụ dân tộc khác nhau của hai quốc gia. Các nghệ sỹ tuy có độ tuổi và chuyên môn khác nhau nhưng cùng chung niềm đam mê với âm nhạc cổ truyền và mong muốn quảng bá văn hóa và nghệ thuật truyền thống tới công chúng Việt Nam và thế giới.
Buổi hòa nhạc miễn phí sẽ diễn ra vào lúc 19h ngày 8/10 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Buổi hòa nhạc bán vé gây quỹ “Xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao miền núi của Việt Nam” sẽ diễn ra lúc 20h, ngày 9/10 tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, với các mức giá vé 1 triệu đồng (hạng A), 800.000 đồng (hạng B), 600.000 đồng (hạng C) và 200.000 đồng (hạng D, E). Mua vé tại đây.
Toàn bộ số tiền thu được và khoản tài trợ từ các nhà hảo tâm sẽ được dùng để xây dựng điểm trường Chan II cho trẻ em mầm non thuộc trường mầm non Mường Đăng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.
Dự án xây trường học sẽ được triển khai trong tháng 11/2022, bao gồm các hạng mục: 2 phòng học, mỗi phòng 45m2; 1 phòng công vụ dành cho 4 giáo viên; 1 nhà bếp nấu ăn cho 57 học sinh và 4 giáo viên; 1 nhà kho đựng đồ dùng học tập; 1 nhà vệ sinh./.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()