Tất cả chuyên mục

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, có thể thấy, ngành GD&ĐT và ngành Y tế Quảng Ninh đã đạt được rất nhiều kết quả, thành tựu nổi bật, góp phần vào công cuộc phát triển KT-XH của tỉnh.
![]() |
Giờ học của lớp Cao đẳng sư phạm tiểu học CT18, Trường ĐH Hạ Long. |
Quan tâm cho giáo dục
Một trong những thành tựu nổi bật mà ngành GD&ĐT tỉnh đã đạt được trong 5 năm qua, đó là đóng góp lớn vào công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Ngành đã làm tốt công tác tham mưu để tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút nhân tài. Đồng thời, tham mưu tích cực cho tỉnh để thành lập Trường Đại học Hạ Long - ngôi trường đại học đa ngành đầu tiên của tỉnh, được xem là bước đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Sau 1 năm thành lập, đến nay, mọi hoạt động của nhà trường đều đã đi vào ổn định, nền nếp. Nhà trường hiện có trên 300 cán bộ, giảng viên (trong đó có 140 thạc sĩ, 5 tiến sĩ); 80 phòng học. Năm học 2015-2016 này là năm học đầu tiên nhà trường tuyển sinh hệ đại học. Tính đến cuối tháng 9-2015, nhà trường đã tuyển được gần 400 sinh viên hệ đại học/600 chỉ tiêu.
Một thành tích khác về giáo dục cũng rất nổi bật nữa, đó là việc Quảng Ninh đã “về đích” trong công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2014, hoàn thành trước mục tiêu chung của cả nước 1 năm. Để đạt kết quả này, trong 4 năm (2011-2014), tỉnh đã chi trên 3.000 tỷ đồng cho giáo dục mầm non; trong đó, kinh phí đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị cho các trường mầm non là trên 167 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi riêng cho giáo dục mầm non. Trong đó, đã xét chuyển vào viên chức gần 600 giáo viên hợp đồng trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập có thời gian đóng bảo hiểm từ 48-60 tháng…
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của BCH T.Ư Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ngành GD&ĐT Quảng Ninh đã cụ thể hóa bằng rất nhiều giải pháp, chương trình hành động, như: Đổi mới phương pháp dạy và học; đổi mới phương pháp quản lý; đổi mới trong công tác thi cử… Trong đó, ngành đã thực hiện tốt việc áp dụng mô hình Trường học mới Việt Nam (viết tắt là VNEN) vào cấp tiểu học, được nhiều trường học, giáo viên, phụ huynh đồng tình, đánh giá cao; giúp các em học sinh được học tập trong môi trường học tập cởi mở, thân thiện, phát huy được kỹ năng giao tiếp. Hay như mô hình Trung tâm Thông tin - Thư viện điện tử ở các phòng GD&ĐT cũng đã phát triển mạnh mẽ phục vụ hữu ích cho việc quản lý, lưu trữ thông tin trường học, học sinh…
![]() |
Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh tăng cường về Bệnh viện Đa khoa khu vực Tiên Yên, khám bệnh cho bệnh nhân. |
Dấu ấn trong ngành Y tế
Trong nhiệm kỳ qua, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Một trong 2 hoạt động được cho là tiên phong là việc thực hiện Đề án “Nâng cao y đức trong ngành Y tế tỉnh đến năm 2020”. Theo đó, Sở Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức và hành động của toàn ngành, đặc biệt là tại các đơn vị y tế. Công tác tuyên truyền, biểu dương các gương tập thể và cá nhân tiêu biểu được tăng cường; tích cực phát hiện và phê phán những hiện tượng tiêu cực. Bên cạnh đó, ngành tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở khám, chữa bệnh; liên tục tổ chức kiểm tra, giám sát tại các đơn vị; lấy phiếu khảo sát sự hài lòng của người bệnh điều trị nội trú và cán bộ viên chức tại tất cả các cơ sở điều trị trong toàn ngành v.v..
Qua 2 năm thực hiện đề án, thái độ và chất lượng phục vụ của các đơn vị y tế có sự thay đổi tích cực. Tỷ lệ người bệnh/gia đình người bệnh hài lòng với phương thức phục vụ và tinh thần thái độ, chất lượng cung ứng dịch vụ của các cơ sở y tế và nhân viên y tế tăng dần qua các lần khảo sát. Như tháng 12-2012, có 23,2% ý kiến trái chiều (trong tổng số 4.000 phiếu khảo sát); tháng 12-2013, còn 7,3% ý kiến trái chiều; đến tháng 6-2015 chỉ còn 3,6% ý kiến chưa hài lòng (trong đó chỉ có 0,76% ý kiến chưa hài lòng về y đức).
Thứ 2 là xây dựng, triển khai sớm Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy biên chế” (Đề án 25). Ngành đã có nhiều biện pháp đổi mới phương thức lãnh đạo, gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Ngành đã triển khai 3 mô hình trạm y tế xã phù hợp với đặc thù và nhu cầu thực tế của người dân trên từng địa bàn, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động mà vẫn đảm bảo đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Bằng cách làm này, ngành đã tiết kiệm được gần 180 tỷ đồng kinh phí đầu tư cho các trạm y tế. Dự kiến đến hết năm 2015, 100% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, sớm hơn 5 năm so với cả nước.
Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ, ngành Y tế đã chủ động giảm biên chế trong tổng số biên chế được giao; đưa ra nhiều giải pháp thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc. Ngành không tuyển các đối tượng bác sĩ đào tạo hệ liên thông vào các đơn vị y tế hệ điều trị tuyến tỉnh; các đối tượng khác từng bước chuyển dần sang chế độ hợp đồng làm việc; thực hiện các gói dịch vụ trong đơn vị y tế... Nhờ những giải pháp quyết liệt này đã nâng tỷ lệ từ 7,5 bác sĩ/vạn dân (năm 2010) lên 12,2 bác sĩ/vạn dân (năm 2015), cao hơn mức trung bình chung cả nước, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân trong tỉnh.
Lan Anh - Hoàng Quý
Ý kiến ()