Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:27 (GMT +7)
Giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động
Thứ 7, 24/09/2022 | 09:16:19 [GMT +7] A A
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là giải pháp góp phần cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao phục vụ thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của Quảng Ninh hiện tại và tương lai.
Chú trọng phân luồng
Xác định giáo dục nghề nghiệp có vị trí, vai trò quan trọng nhằm cung ứng trực tiếp cho lao động có kỹ năng phục vụ nhu cầu sản xuất, vì vậy, tỉnh đã triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng về công tác giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tiễn công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn vướng mắc cần khắc phục. Trong đó xác định khâu yếu trong công tác giáo dục nghề nghiệp như việc đào tạo gắn với doanh nghiệp còn ở mức độ hạn chế. Chất lượng đào tạo ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp như: Máy móc thiết bị sản xuất, nhận thức vị trí, vai trò giáo dục nghề nghiệp trong xã hội, thậm chí từ cơ quan, đơn vị, địa phương đến gia đình còn hạn chế.
Từ tồn tại trên, năm 2022 tỉnh đã thực hiện việc phân luồng trong công tác tuyển sinh đào tạo, tăng cường hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho người học và trong cộng đồng. Với vai trò quản lý nhà nước tham mưu cho tỉnh Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức các trường nghề tư vấn tuyển sinh tại các địa phương như Hạ Long, Cẩm Phả, Ba Chẽ... tư vấn cho học sinh từ lớp 9-12 trong toàn tỉnh.
Trong hoạt động tư vấn thì ngoài giới thiệu cơ chế chính sách, nhu cầu thị trường lao động, tác dụng việc học nghề; năm nay có điểm mới là các trường đào tạo nghề đã mời doanh nghiệp tham gia trình diễn kỹ năng nghề như: Kỹ thuật pha chế đồ uống; dịch vụ du lịch, kỹ thuật điện tử...
Năm 2022, Sở LĐ-TB&XH tập trung vào công tác phân luồng học sinh THCS, THPT thực hiện việc học nghề để cung ứng ngay cho thị trường lao động; thu hút việc học nghề; kỹ năng lao động thay đổi chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đổi mới KHCN, vì vậy phải thực hiện đào tạo lại lao động, đào tạo kỹ năng, nâng cao phù hợp với chuyển đổi mô hình cơ cấu sản xuất sau đại dịch Covid-19; nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho những doanh nghiệp mới đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động
Một trong những khâu đột phá chiến lược năm nay là tỉnh xác định tăng cường hơn việc gắn kết các trường nghề với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp trong KCN, KKT trên địa bàn tỉnh. Các trường đã chủ động ký kết trực tiếp với doanh nghiệp để đào tạo ngành nghề phù hợp và đưa học sinh của trường về thực hành tại doanh nghiệp.
Đơn cử Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng (TP Uông Bí) có tổng số 4.000 học sinh, sinh viên, với 26 ngành đào tạo hệ cao đẳng và 31 nghề trung cấp. Hằng năm nhà trường đã liên kết với Sun Group, các KCN trong tỉnh để đào tạo, đưa học sinh thực hành ở tất cả các nghề.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng, cho biết: Thời gian qua nhà trường đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo ở tất cả các ngành nghề. Hiện nay nhà trường đang liên kết với Công ty KHKT Texhong Ngân Hà (KCN Cảng biển Hải Hà) để đào tạo nghề kỹ thuật điện cho người lao động phục vụ sản xuất tại đơn vị.
Ngoài Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng, các trường đào tạo nghề trong tỉnh cũng thực hiện hiệu quả việc liên kết như: Trường Cao đẳng Nông, lâm Đông Bắc; Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh... Hiệu quả của liên kết với doanh nghiệp là người học vừa được trả thù lao trong thời gian thực tập, được tiếp cận thiết bị mới và được doanh nghiệp trực tiếp hướng dẫn để bổ sung kiến thức đã học trong trường...
Hiện nay, toàn tỉnh có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia đào tạo nghề nghiệp, trong đó có 6 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp. Các trường đào tạo nghề đã sắp xếp lại và không ngừng nâng cao chất lượng kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu. Việc lựa chọn học nghề hiện nay đã được thay đổi tư duy, nhận thức theo hướng tích cực. Từ việc học nghề không còn là học sinh không đỗ đại học mới chọn nghề, mà cả học sinh có điểm thi THPT cao cũng định hướng vào học nghề.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Vũ Quang Trực, trong thời gian tới Sở LĐ-TB&XH sẽ tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nghề nghiệp, nâng cao nhận thức trong việc xác định đào tạo nghề để tránh lãng phí đầu tư xã hội, tiền bạc của gia đình. Chú trọng việc đào tạo kỹ năng để nâng cao năng suất lao động, góp phần đáp ứng sự cạnh tranh của thị trường lao động.
Tiếp tục gắn kết đào tạo của nhà trường với đào tạo của doanh nghiệp, gắn với nhu cầu lao động. Do đó, các trường cần mở các mã ngành đào tạo mới mà doanh nghiệp có nhu cầu, nhất là ngành liên quan đến công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe, logistics...
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()