Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:38 (GMT +7)
Giáo dục giới tính cho học sinh
Thứ 6, 17/09/2021 | 08:36:23 [GMT +7] A A
Giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số. Làm tốt công tác này sẽ góp phần ổn định nhiều mặt của xã hội, phòng tránh được nhiều hệ lụy trong giới trẻ và là nền tảng nâng cao chất lượng dân số.
Theo ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia tâm lý, nếu con em mình thắc mắc về giới tính thì cha mẹ phải là người giải đáp những thắc mắc đó một cách cụ thể, thẳng thắn; nhằm trang bị cho con em mình những kỹ năng cần thiết để tránh hiểu sai về giới tính.
Thực tế cho thấy, công tác giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe cho đối tượng trẻ em, điển hình là thanh niên, vị thành niên, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh quan tâm từ phía phụ huynh, công tác tuyên truyền, giáo dục ở các nhà trường đang ngày càng được ưu tiên.
Các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục về sức khoẻ sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục, giới, bình đẳng giới và giới tính cho học sinh vào chương trình học; đa dạng các hình thức giáo dục, như nói chuyện chuyên đề, câu lạc bộ sức khỏe vị thành niên, tư vấn; khuyến khích học sinh đóng góp ý kiến về nội dung, chương trình, hoạt động giáo dục và các tài liệu khác liên quan đến dân số, SKSS...
Thông qua đó, học sinh được cung cấp đầy đủ kiến thức về phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tình dục an toàn; phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và tác hại của phá thai không an toàn, tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp với vị thành niên, thanh niên...
Toàn tỉnh hiện có 198 trường THCS xây dựng, duy trì hiệu quả mô hình “Đội tuyên truyền viên măng mon”, tuyên truyền về bảo vệ chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Từ năm 2020 đến nay, các đơn vị phối hợp với một số ngành, địa phương tập huấn về chăm sóc SKSS vị thành niên cho gần 511 đội viên tuyên truyền măng non của các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên; thực hiện truyền thông chăm sóc SKSS vị thành niên cho 1.200 học sinh THCS trên địa bàn tỉnh; thực hiện 11.266 lượt tư vấn về SKSS cho vị thành niên, thanh niên...
Các địa phương đã thành lập 177 CLB tiền hôn nhân, sinh hoạt hằng quý theo các chủ đề ưu tiên của từng địa bàn triển khai. Hoạt động này đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, giảm tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên; đặc biệt, giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật, khuyết tật bẩm sinh, tiết kiệm được các chi phí về y tế cho gia đình và xã hội.
Ngăn chặn tình trạng tảo hôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đặc biệt, do đối tượng tảo hôn chủ yếu là vị thành niên trong độ tuổi từ 13-15. Các CLB can thiệp giảm tình trạng tảo hôn được duy trì sinh hoạt đều đặn; tổ chức tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng với các nhóm đối tượng là thanh niên, vị thành niên, phụ huynh, học sinh, cha mẹ vị thành niên; tổ chức tọa đàm giao lưu tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Các hoạt động truyền thông lồng ghép được thực hiện hiệu quả, gắn với công tác tuyên truyền cho người dân thông qua các CLB tiền hôn nhân, tuổi trẻ với hôn nhân, tư vấn SKSS; mô hình không sinh con thứ ba. Từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn tỉnh chỉ còn 1,2% trên tổng số cặp kết hôn giai đoạn này.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế), bên cạnh truyền thông trong trường học, ngành Dân số tỉnh còn chú trọng truyền thông ngoài cộng đồng; tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; tuyên truyền cho thanh niên chuẩn bị kết hôn tại các xã, phường, thị trấn. Các mô hình, CLB đã trở thành kênh thông tin hữu ích, làm thay đổi nhận thức của đại đa số trẻ vị thành niên, thanh niên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đây còn là nơi cung cấp thông tin giúp các bậc phụ huynh có được định hướng đúng cho con em mình về giới tính, SKSS.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()