Tất cả chuyên mục

Nhiệm kỳ 2010-2015, lĩnh vực GD-ĐT Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật: Mạng lưới trường lớp phát triển không ngừng; nhiều đề án, chương trình, mô hình đổi mới phương pháp dạy học, quản lý được áp dụng v.v.. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương đã quan tâm, chăm lo nhiều hơn đến các điều kiện để phát triển giáo dục. Điều này giúp Quảng Ninh giảm khoảng cách chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng miền; góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
![]() |
Cuối năm 2014, Quảng Ninh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Trong ảnh: Giờ học của lớp 5A1, Trường Mầm non 1-6 (TP Hạ Long). |
Trong nhiệm kỳ qua, quy mô GD-ĐT được phát triển rộng khắp trong phạm vi toàn tỉnh, phù hợp với đặc điểm các vùng miền. Hệ thống cơ sở giáo dục đa dạng với đầy đủ các cấp học, bậc học; đa dạng về loại hình giáo dục. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển mạnh và chiếm tỷ lệ cao so với các địa phương khác trong nước, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Tính đến tháng 2-2015, toàn tỉnh có 640 trường từ mầm non đến THPT, gồm: 211 cơ sở giáo dục mầm non; 183 trường tiểu học; 189 trường THCS; 6 trường PTDTNT; 57 trường có cấp THPT (21 trường THPT ngoài công lập). Khối giáo dục thường xuyên (GDTX) có 14 trung tâm HN&GDTX và 3 cơ sở dạy THPT theo chương trình GDTX; 21 trung tâm ngoại ngữ tin học; 186 trung tâm HTCĐ. Khối giáo dục chuyên nghiệp có 2 trường đại học; 2 cơ sở đại học; 4 trường cao đẳng; 2 trường trung cấp chuyên nghiệp; 2 trường cao đẳng nghề và 2 trường trung cấp nghề. Như vậy, so với đầu nhiệm kỳ (năm 2010), toàn tỉnh tăng 42 trường. Trong đó, nổi bật, sau nhiều nỗ lực, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập được Trường Đại học Hạ Long, ngôi trường đa ngành đầu tiên của tỉnh vào tháng 10-2014.
Một điểm nhấn nữa mà ngành GD-ĐT tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua phải kể đến việc về đích phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào cuối năm 2014, nhất là ở các huyện miền núi, hải đảo. Đồng chí Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: Thời điểm năm 2012, toàn tỉnh mới có 7/14 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, với 128/186 đơn vị cấp xã (chiếm 68,8%). Nhưng đến năm 2014, toàn tỉnh đã có cả 14/14 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn với 180/186 đơn vị cấp xã (96,8%) đạt chuẩn. Đây là cố gắng vô cùng lớn của tỉnh Quảng Ninh. Với việc về đích phổ cập, chất lượng giáo dục mầm non của tỉnh đã được nâng lên đáng kể. Học sinh mầm non trên địa bàn tỉnh còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh. Theo số liệu của Sở GD-ĐT, trong 4 năm (2011-2014), tỉnh đã chi trên 3.000 tỷ đồng cho giáo dục mầm non; số tiền trẻ mầm non được hỗ trợ ăn trưa và hỗ trợ chi phí học trên 58 tỷ đồng.
![]() |
Giờ học của lớp 5A1, Trường Mầm non 1-6 (TP Hạ Long). |
Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, cùng với việc đầu tư cho giáo dục mầm non, tỉnh rất quan tâm đến giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, GDTX. Cụ thể, với giáo dục phổ thông, ngành chủ động áp dụng có chọn lọc, hiệu quả các phương pháp dạy học mới; đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng năng lực người học; tổ chức nhiều cuộc thi dành cho giáo viên, học sinh; đầu tư cho dạy và học ngoại ngữ. Đặc biệt, năm 2015, bắt kịp với sự đổi mới của Bộ GD-ĐT, ngành Giáo dục tỉnh đã tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên. Giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh tiếp tục duy trì, ổn định ở mức cao, từ 97 đến trên 98%. Các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia, học sinh Quảng Ninh đều đạt thành tích tốt, tăng về cả số lượng và chất lượng giải. Trung bình hàng năm, tỉnh có khoảng 50 học sinh đoạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.
Với GDTX, công tác phân luồng học sinh sau THCS được đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện qua Đề án “Dạy văn hoá THPT kết hợp với đào tạo nghề nghiệp trong trường THPT đến năm 2020” cho 3 trường THCS và 3 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện Đề án 25, ngành còn chuyển giao 13 trung tâm HN&GDTX và 4 trường PTDTNT cấp huyện trực thuộc Sở GD-ĐT về UBND cấp huyện quản lý. Đây là một hướng đi đúng, nhận được sự đồng tỉnh, ủng hộ của dư luận xã hội. Trong giáo dục chuyên nghiệp, công tác hợp tác quốc tế trong đào tạo tiếp tục được tăng cường. Trường Đại học Hạ Long sau gần 1 năm thành lập đã có nhiều hoạt động tích cực, thể hiện những bước đi vững chắc trong phát triển đào tạo.
Những kết quả này đang tiếp tục là động lực để ngành Giáo dục tỉnh thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong những năm tới.
Những thành tựu nổi bật - Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp: Khối giáo dục mầm non và phổ thông năm 2015 tăng trên 17.000 em so với năm 2010. - Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT giai đoạn 2010-2015 đạt từ 97% đến trên 98%. - Trung bình mỗi năm có trên dưới 50 học sinh đoạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. - Hàng năm có từ 2 đến 4 trường nằm trong tốp 200 trường THPT có điểm thi đại học cao của cả nước. - Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học đạt chuẩn năm 2015 là 99,8%. |
Lan Anh
Ý kiến ()