Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:18 (GMT +7)
Giao ban Thường trực Tỉnh ủy
Thứ 3, 18/06/2024 | 17:35:00 [GMT +7] A A
Chiều 18/6, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban, nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.
Tại cuộc họp, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã báo cáo, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về dự thảo Đề án “Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Theo đó, Đề án đánh giá tổng thể thực trạng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu trong phát triển giáo dục thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, dạy học và đánh giá chất lượng. Phấn đấu chậm nhất đến năm 2030, Quảng Ninh nằm trong 15 địa phương dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo, một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng; Quảng Ninh là tỉnh học tập tham gia mạng lưới thành phố, tỉnh học tập toàn cầu của UNESCO.
Đối với cán bộ quản lý giáo dục, mục tiêu của Đề án đến hết năm 2025 sẽ có 100% cơ quan quản lý giáo dục tuyển dụng, tiếp nhận công chức đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng; 100% cơ sở giáo dục được kịp thời kiện toàn đủ cán bộ quản lý theo quy định; phấn đấu có trên 95% cán bộ quản lý được đánh giá chuẩn hiệu trưởng mức khá trở lên, trong đó có 30% trở lên được đánh giá ở mức tốt.
Đối với giáo viên, đến hết năm 2025, Đề án phấn đấu 100% cơ sở giáo dục phổ thông sắp xếp, bố trí giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo, bồi dưỡng; trên 80% giáo viên được xếp loại chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên, trong đó có 30% trở lên được đánh giá ở mức tốt; có 400-500 giáo viên thuộc các môn học, cấp học được công nhận giáo viên cốt cán cấp tỉnh.
Mục tiêu giai đoạn 2026-2030, đối với cán bộ quản lý sẽ đảm bảo 100% cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục được kịp thời kiện toàn cán bộ quản lý và công chức đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; 100% cán bộ quản lý được đánh giá chuẩn hiệu trưởng mức khá trở lên, trong đó có 35% trở lên được đánh giá ở mức tốt.
Đối với giáo viên, trong giai đoạn 2026-2030 phấn đấu 100% các cơ sở giáo dục bố trí giáo viên phù hợp về số lượng, chuẩn về trình độ, hợp lý về cơ cấu; trên 90% giáo viên được xếp loại chuẩn nghề nghiệp mức khá trở lên, trong đó có trên 30% được đánh giá chuẩn nghề nghiệp mức độ tốt; có trên 600 giáo viên cốt cán cấp tỉnh thuộc tất cả các môn học, cấp học.
Định hướng đến năm 2050, 100% cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục có phẩm chất, năng lực quản trị nhà trường đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng quản trị cơ sở giáo dục; 100% các cơ sở giáo dục bố trí đủ giáo viên theo cơ cấu môn học và hoạt động giáo dục; giáo viên có đầy đủ phẩm chất và năng lực, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, năng động, sáng tạo…
Trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu tham gia dự họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Đề án là một nội dung quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Quảng Ninh, do vậy, Đề án cần xác định chủ thể ở cả lĩnh vực công lập, thường xuyên và dân lập. Đồng chí yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến tham gia đóng góp tại cuộc họp, tiếp tục hoàn thiện Đề án trong tháng 7/2024. Trong đó lưu ý, đối với việc đánh giá thực trạng, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo UBND 13 địa phương toàn tỉnh xây dựng Đề án phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ở cấp huyện, phấn đấu trong tháng 7/2024 hoàn thành.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Đề án cần tập trung đề ra giải pháp để phát triển về số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Quyết tâm không để thiếu giáo viên khi trường tăng, lớp tăng. Nhưng đồng thời cũng không làm tăng số người hưởng lương từ ngân sách. Cùng với đó là phải cung cấp chất lượng dịch vụ giáo dục ngày một tốt hơn cho học sinh, đảm bảo cân đối về cơ cấu trong từng cơ sở giáo dục, cơ cấu giữa các vùng miền, không để vùng khó mà chất lượng giáo dục lại thấp. Về chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phải đặt ra mục tiêu đạt chuẩn và trên chuẩn.
Để đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, cần tập trung cho công tác đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút sinh viên ngoại tỉnh về học ngành sư phạm tại Trường Đại học Hạ Long. Đồng thời tăng cường bồi dưỡng định kỳ, bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp để củng cố và cập nhật kiến thức cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý. Tiếp tục quan tâm nhà ở công vụ cho giáo viên để tăng cường thu hút nguồn nhân lực nhà giáo chất lượng cao.
Giải pháp thực hiện được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy gợi ý, đó là cần rà soát lại tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với khu vực công lập, ngoài công lập, giáo dục thường xuyên để định ra mốc thời gian để đạt chuẩn và trên chuẩn; đổi mới công tác tuyển dụng, trong đó cần mở rộng nguồn tuyển nhưng phải ràng buộc trách nhiệm và phải đổi mới công tác sử dụng, quản lý nhà giáo; quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp cho nhà giáo; có cơ chế chính sách đãi ngộ riêng có của Quảng Ninh.
Toàn tỉnh phải đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp về nhà giáo. Trong quan điểm phải nói rõ, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nhiệm vụ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; ngành giáo dục là cơ quan tham mưu, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện trong tổ chức thực hiện và xác định đây là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng.
Đổi mới công tác dự báo, quy hoạch, kế hoạch trong phát triển đội ngũ nhà giáo theo phương châm tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm; cần phải giải quyết được mâu thuẫn giữa yêu cầu tinh giản biên chế, giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước ở Quảng Ninh theo lộ trình với nhu cầu tăng giáo viên của một số địa phương và trên phạm vi cả tỉnh do tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng cao.
Về khâu tổ chức thực hiện, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Đề án cần phải chi tiết, trong đó Sở Giáo dục và Đào tạo đóng vai trò nòng cốt, tiếp đến là UBND cấp huyện, Trường Đại học Hạ Long, Sở Tài chính, người đứng đầu các cơ sở giáo dục đào tạo và UBND cấp xã.
Cho ý kiến về công tác tuần, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường trách nhiệm trong kiểm soát, phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; kiểm soát tàu cá “3 không” (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép hoạt động), xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm IUU; truyền thông chủ động về các thông tin trái chiều gây ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh, nhất là đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ; đảm bảo mọi điều kiện thật tốt phục vụ cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh giữa năm và công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()