Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:23 (GMT +7)
Giao ban Thường trực Tỉnh ủy
Thứ 6, 02/12/2022 | 18:19:59 [GMT +7] A A
Ngày 2/12, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì cuộc họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy để nghe và cho ý kiến về đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng các địa phương Đầm Hà, Ba Chẽ đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy đã nghe báo cáo Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Đầm Hà đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính của huyện Đầm Hà gồm thị trấn Đầm Hà và 8 xã, với quy mô khoảng 41.436ha. Tính chất là vùng phát triển đô thị có môi trường sinh thái, hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật chất lượng cao; phát triển mạnh mẽ về dịch vụ, thương mại, du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển đảo. Vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với khai thác vùng nguyên liệu bền vững trong và ngoài khu vực. Vùng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Vùng có môi trường sinh thái, hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật chất lượng cao. Vùng có vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng.
Trong đồ án cũng đã đưa ra các dự báo phát triển về quy mô dân số, quy mô đất đai; định hướng phân vùng phát triển, định hướng phát triển không gian gắn với các ngành kinh tế, định hướng phát triển đô thị và điểm dân cư nông thôn.
Cho ý kiến về nội dung này, Thường trực Tỉnh ủy khẳng định: Đầm Hà là vùng có điều kiện thuận lợi về giao thông, nhất là từ khi có cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi qua kết nối với các vùng phát triển; là vùng nổi tiếng với nhiều sản phẩm mang thương hiệu OCOP, có khu nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên đến nay Đầm Hà vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Để Đầm Hà phát triển bứt phá, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu cần nhận thức sâu sắc yếu tố mới, động lực mới. Đó là ngoài giao thông thuận lợi, Đầm Hà hiện được đặt trong vùng phát triển mới là vùng Móng Cái với đặc thù khu kinh tế cửa khẩu gắn với Bắc Phong Sinh và Hoành Mô; cùng với đó là sự quan tâm rất lớn của tỉnh đối với khu vực miền Đông, trong đó có Đầm Hà.
Đầm Hà phải xác định là phát triển KT-XH nhanh, bền vững theo quan điểm thiên nhiên, con người, văn hóa cộng với phát huy hạ tầng mới để thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng; coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, hình thành trung tâm chế biến nông, lâm, thủy hải sản phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Phát triển từ đổi mới tư duy, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phải xây dựng huyện Đầm Hà trở thành huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu điển hình, thể hiện rõ tinh thần nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, có đời sống kinh tế khá giả.
Thống nhất với quan điểm phân 3 vùng, gồm: Vùng rừng núi cao phía Bắc ưu tiên phát triển kinh tế rừng gắn với nông nghiệp, lâm nghiệp công nghệ cao, cây đặc sản, rừng nguyên sinh, cây bản địa và gắn với chuyển đổi cây ăn quả. Vùng đồng bằng ven biển khu vực trung tâm là khu vực thuận lợi cho phát triển đô thị, các phân khu chức năng phục vụ phát triển kinh tế của KKT Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái. Ở vùng này, đất quy hoạch chủ yếu là đất dự trữ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Vùng thứ ba là vùng sinh thái biển và hải đảo phía Nam - đây là vùng có giá trị đặc biệt quan trọng hiện nay đối với Đầm Hà, có lợi thế lớn nhất về phát triển du lịch, dịch vụ với các sản phẩm sinh thái biển đảo chất lượng cao gắn kết với KKT Vân Đồn và vùng biển đảo Vân Đồn - Cô Tô. Trong 3 vùng, vùng đồng bằng ven biển khu vực trung tâm sẽ là hạt nhân; vùng sinh thái biển và hải đảo phía Nam sẽ vùng động lực mới để tiến hành các hoạt động KT-XH, thúc đẩy vùng núi cao.
Đối với quy hoạch xây dựng vùng huyện Ba Chẽ đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất cho rằng, hiện nay Ba Chẽ đang có những điều kiện rất thuận lợi để phát triển và dần cởi bỏ hình ảnh của một huyện miền núi nghèo, giảm khoảng cách, chênh lệch giữa Ba Chẽ với các địa phương khác trong tỉnh, nhất là khi hình thành các trục giao thông mới, kết nối giữa vùng thấp, vùng động lực, vùng biển với vùng cao. Quy hoạch xây dựng vùng huyện Ba Chẽ cần định hình với 3 đặc điểm, đó là: Vùng trọng điểm lâm nghiệp bền vững của tỉnh; vùng du lịch miền núi gắn với khai thác giá trị văn hóa bản địa dân tộc, tài nguyên du lịch sinh thái và điều kiện vi khí hậu đặc trưng; đô thị miền núi giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Đây cũng là những điều kiện quan trọng mang tính khác biệt để Ba Chẽ phát triển sản phẩm du lịch. Vì vậy, địa phương cần sớm hình thành những điểm khai thác du lịch trên địa bàn xã Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh. Cùng với cây dược liệu, cần phát triển lâm nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ; việc hình thành các cụm công nghiệp ở Ba Chẽ phải gắn liền với chế biến chuyên sâu về gỗ. Ngoài ra phải quy hoạch lại hệ thống trường học ở Ba Chẽ phù hợp với định hình phát triển giao thông mới để học sinh Ba Chẽ có cơ hội tiếp cận chất lượng giáo dục tốt hơn.
Thường trực Tỉnh ủy cũng cho rằng, cùng với sự quan tâm của tỉnh thì khâu tổ chức thực hiện của địa phương mới đóng vai trò quyết định đối với việc tạo ra sự đổi khác của vùng đất này, trước hết cần có sự thay đổi tư duy, thay đổi nếp nghĩ, thay đổi cách làm của đội ngũ cán bộ chủ chốt từ huyện đến cơ sở, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng khác.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()