Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:27 (GMT +7)
Giao ban Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh
Thứ 7, 19/03/2022 | 12:32:06 [GMT +7] A A
Ngày 19/3, Ban cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh tổ chức họp, nghe báo cáo rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các đề án công nghệ thông tin đã triển khai; công tác chuẩn bị tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XIV. Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Giai đoạn 2012-2020 Quảng Ninh triển khai 2 đề án công nghệ thông tin gồm Chính quyền điện tử và Thành phố thông minh. Trong đó, Đề án Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh được xây dựng từ năm 2012 để thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính; thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc tiến tới nền hành chính minh bạch, hiệu quả, phục vụ phát triển KT-XH, thu hút đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp…
Đến nay, các mục tiêu của Đề án đã cơ bản hoàn thành. Cụ thể, hạ tầng cốt lõi của Chính quyền điện tử cơ bản đã hoàn thành theo mô hình tập trung, thuận lợi trong quản lý, vận hành. Các trung tâm hành chính công và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Đề án đã tạo ra môi trường làm việc liên thông, chuyên nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc.
Đề án xây dựng thành phố thông minh được triển khai từ năm 2017 thực hiện trên quan điểm lấy người dân làm trung tâm, ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện và nâng cao tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng hiệu quả các hoạt động KT-XH; thúc đẩy đổi mới và thực thi công bằng xã hội, tăng cường sự minh bạch và chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý…
Đề án được phê duyệt, điều chỉnh gồm 32 nhiệm vụ, dự án như: Xây dựng hệ thống quản lý điều hành giao thông thông minh; ứng dụng CNTT phục vụ công tác đảm bảo ANTT; ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả hoạt động các ngành, lĩnh vực như giáo dục, y tế, du lịch…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, sau thời gian triển khai, qua rà soát, 2 đề án vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại như: Một số thiết bị đầu tư chưa phù hợp, hoạt động chưa ổn định; người dùng chưa sử dụng và khai thác hết được các chức năng; tỷ lệ số hoá hồ sơ điện tử chưa cao, do đó chưa phát huy được tính ưu việt của hệ thống; các dự án thành phần thuộc Đề án thành phố thông minh đều là các dự án có mức đầu tư lớn, nhiều hạng mục của dự án chưa có tiêu chuẩn để xây dựng và đòi hỏi ứng dụng các công nghệ mới, phân tích thu thập dữ liệu lớn và từ nhiều nguồn khác nhau; nhân lực về công nghệ thông tin của chủ đầu tư và tại các cơ quan, đơn vị phối hợp, đơn vị thụ hưởng còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng…
Trên cơ sở kết quả rà soát, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và thành viên UBND tỉnh đã dành thời gian thực hiện phân tích, đánh giá hiệu quả các đề án, đồng thời tham gia ý kiến để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của các đề án đặc biệt công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai các đề án.
Chỉ đạo nội dung này, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Song song với vận hành, cần phải thực hiện đánh giá rà soát cụ thể, chi tiết các tiêu chí, nội dung trong các đề án.
Đề án Chính quyền điện tử đã phát huy hiệu quả đầu tư, phù hợp với bối cảnh thời điểm đó. Tuy nhiên đến nay, nền tảng công nghệ phát triển mạnh mẽ, nhiều nội dung trong đề án đã lạc hậu, không còn phù hợp. Vì thế, cần cập nhật, bổ sung, có giải pháp khắc phục, giải quyết dứt điểm những hạn chế để đề án tiếp tục phát huy hiệu quả trong cải cách hành chính.
Đối với Đề án Thành phố thông minh hiện đầu tư còn thiếu đồng bộ, hạ tầng đã hoàn thành nhưng chưa có các hệ thống phần mềm để khai thác sử dụng, làm giảm hiệu quả đầu tư; nhiều thiết bị chưa đưa vào khai thác sử dụng, một số thiết bị lỗi hỏng… Vì thế, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu thực hiện rà soát từng dự án, gắn trách nhiệm người đứng đầu, có phương án giải quyết dứt điểm, khắc phục những bất cập.
Đồng chí nhấn mạnh: Quảng Ninh xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của phát triển, đây sẽ là động lực, nền tảng để tạo ra các giá trị tăng trưởng mới cho KT-XH của tỉnh. Vì thế, các sở, ngành liên quan phải thực hiện lồng ghép hiệu quả các đề án trước đây với nhiệm vụ chuyển đổi số hiện nay tỉnh đang thực hiện. Cần xây dựng hệ thống dữ liệu, quy trình đồng bộ để các đề án triển khai hiệu quả; tận dụng nền tảng sẵn có quốc gia và trên cơ sở các đơn vị công nghệ thông tin đã ký hợp tác với tỉnh để thúc đẩy triển khai.
Tại cuộc họp, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến chỉ đạo công tác chuẩn bị tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XIV gồm: Điều chỉnh phân bổ kế hoạch đầu tư công 2022; chủ trương đầu tư các dự án công; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương; quy định thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh; dự thảo nghị quyết thông qua danh mục dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất; nghị quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, bản, khu phố…
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()